Chuyên gia Ngân hàng thế giới cho rằng có hai yếu tố giúp Việt Nam có vị thế tốt để thoát khỏi bẫy kinh tế của Covid-19.
>> Nhiều doanh nghiệp nhỏ có thể biến mất vì Covid-19
Nguy cơ rơi vào bẫy kinh tế Covid-19
Trong cuộc sống, không phải lúc nào sức khỏe và kinh tế cũng song hành. Điều này đúng cho từng người lại đúng cho cả quốc gia. Dù Việt Nam đã và đang kiểm soát đại dịch Covid-19 một cách ngoạn mục, nền kinh tế đã bị tổn thương trong những tháng gần đây.
GDP Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 0,4% trong quý II, là ngoại lệ trên thế giới ở thời điểm này nhưng là kết quả thấp nhất ghi nhận được trong 35 năm qua. Quy mô suy giảm kinh tế đến gần 7 điểm phần trăm cũng tương đương với những gì được chứng kiến ở các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới.
“Chỉ khác là nền kinh tế Việt Nam, nhờ có thể trạng tốt hơn, nên có xuất phát điểm đề kháng đại dịch tốt hơn”, ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng World Bank (Ngân hàng thế giới) tại Việt Nam, đánh giá trong bài viết mới đây.
Nếu xét về công ăn việc làm và thu nhập, quy mô cú sốc Covid-19 có thể còn lớn hơn. Theo ước tính, trên 30 triệu người lao động Việt Nam, tương đương khoảng một nửa lực lượng lao động, bị ảnh hưởng vào lúc giãn cách cao điểm trong tháng Tư vừa qua. Bộ Lao động – thương binh và xã hội cho biết tỷ lệ thất nghiệp thành thị tăng 33% trong quý II còn thu nhập bình quân của người lao động tính theo mức trung vị giảm 5%.
May mắn là nhờ nới lỏng giãn cách xã hội từ cuối tháng Tư, hầu hết các hộ kinh doanh cá thể khôi phục được hoạt động, còn hầu như toàn bộ người lao động ăn lương đều quay lại làm việc, theo một khảo sát qua điện thoại gần đây của Ngân hàng thế giới. Tuy nhiên, ông Jacques Morisset cho rằng cú sốc kinh tế này có thể là lớn bất thường với một quốc gia đã quen với tình trạng toàn dụng lao động trong suốt hai thập kỷ qua.
Trong thời gian tới, nền kinh tế vẫn có khả năng bị tổn thương với những đợt sóng lây nhiễm vi rút Corona mới và kể cả không có thì vẫn có thể bị kẹt trong tình trạng được gọi là “bẫy kinh tế Covid-19”.
Trong tương lai gần, kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ không còn có thể phụ thuộc hoàn toàn vào hai động lực tăng trưởng truyền thống là sức cầu ngoài nước và tiêu dùng của tư nhân. Do những bất định trong nước và trên quốc tế, các hộ gia đình với tâm lý ngại rủi ro sẽ tự giới hạn các kế hoạch đầu tư và tiêu dùng.
Hai yếu tố cần chú trọng
Theo vị chuyên gia Ngân hàng thế giới, Việt Nam dù sao cũng ở vị thế tốt để có thể thoát khỏi bẫy kinh tế của Covid-19, ít nhất vì hai lý do.
Một là Chính phủ đã tích lũy được dư địa tài khóa đủ để triển khai một gói kích thích tài khóa ấn tượng. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ công trên GDP giảm được khoảng 7% so với 2016 cùng với việc đã tích lũy được một lượng tồn ngân đáng kể. Trên tinh thần kinh tế học trường phái Keyne, Chính phủ có thể qua đó nâng tổng cầu trong ngắn hạn cũng như tổng cung trong dài hạn bằng cách chi tiêu nhiều hơn và tốt hơn.
Tuy nhiên, công cụ này phải được sử dụng một cách cẩn trọng để đảm bảo bền vững nợ và tài khóa trong tương lai cũng như cần cải thiện được hiệu quả phân bổ và tài chính của chi tiêu công. Tác động tích cực của gói kích thích tài khóa chỉ có thể được tối đa hóa nếu các cấp có thẩm quyền có khả năng lựa chọn những dự án đem lại tác động số nhân lớn nhất cho việc làm và cho toàn bộ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, để tiếp tục kích cầu, động thái chính sách tài khóa cũng cần hỗ trợ khéo léo cho khu vực tư nhân, bao gồm cả các hộ kinh doanh cá thể, thông qua kết hợp giữa giãn thuế và hỗ trợ tài chính.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới khuyến nghị các cấp thẩm quyền có thể đẩy nhanh phân bổ ngân sách đầu tư cho các bộ ngành và địa phương, có thể thực hiện qua xác định chỉ tiêu và yêu cầu các cấp lãnh đạo phải có trách nhiệm giải trình; nhanh chóng rà soát tất cả các danh mục ở các cấp để tìm ra các dự án giải ngân nhanh, sau đó tạo động lực để các dự án đó được giải ngân nhiều hơn và quan tâm đầy đủ đến các dự án hạ tầng lớn bằng cách xử lý giải phóng mặt bằng/tái định cư và đấu thầu, bao gồm cả ứng vốn để chuẩn bị đấu thầu và các kế hoạch đảm bảo.
Dù gói kích thích tài khóa có thể thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, nhưng để quay lại quỹ đạo tăng trưởng bao trùm và bền vững như trước khi có khủng hoảng thì Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa, ông Jacques Morisset khuyến nghị.
May mắn là Việt Nam có thể tận dụng lợi thế thứ hai. Do sớm thoát khỏi quỹ đạo dịch bệnh trong cuộc chiến chống Covid-19, Việt Nam có thể nâng tầm dấu ấn của mình trên nền kinh tế thế giới thông qua thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động và giảm thiểu rủi ro với các cú sốc tương lai.
Việt Nam cũng có thể đa dạng hóa thương mại bằng cách gây dựng liên minh với các quốc gia khác có tỉ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp và thông qua xuất khẩu gạo (và nông phẩm khác) đến ngày càng nhiều quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực.
Nhìn từ trong nước, Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến độ phát triển các dịch vụ không đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp (học tập trực tuyến, thương mại điện tử, chính phủ điện tử, khám chữa bệnh từ xa) đồng thời tiếp tục triển khai hệ thống thanh toán công nghệ số. Bước đi như vậy không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ có chất lượng của tầng lớp trung lưu mới nổi mà còn cải thiện được năng lực cạnh tranh của quốc gia nhờ giảm chi phí giao dịch cho cả khu vực công và khu vực tư nhân.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới, Việt Nam cần xúc tiến thanh toán công nghệ số cho các mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh Covid-19 đã thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ giao dịch bằng tiền mặt sang hệ thống thanh toán điện tử.
Động thái đó có thể được đẩy nhanh bằng cách cho phép các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau gia nhập thị trường dịch vụ tài chính công nghệ số. Đồng thời, các quy định mới cần được ban hành để quản lý việc mở tài khoản và cung cấp các tài khoản giao dịch giá trị thấp, cũng như đảm bảo vai trò đã thay đổi cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bên thứ ba để họ tương tác với các hệ thống thanh toán và nâng cao hiệu suất chung trong giao thương hàng hóa và dịch vụ.
Thoát khỏi bẫy kinh tế của Covid-19 lúc này là ưu tiên của Việt Nam cũng như của nhiều quốc gia trong những tháng tới.
Ông Jacques Morisset nhấn mạnh: “Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam dù sao cũng có cơ hội nhờ đi trước những người khác, qua đó không chỉ giúp nền kinh tế thích nghi với thực trạng mới mà còn có thể truyền lửa cho chính phủ các nước khác trong thời gian tới khi họ phải nỗ lực xác định xem trạng thái bình thường mới sẽ ra sao trong thế giới hậu đại dịch”.
(Theo TheLEADER)