Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm nay đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng dương đầu tiên được ghi nhận sau nhiều tháng.
>> Dù giá thịt lợn giảm, học phí đắt hơn vẫn khiến CPI tháng 9 tăng tiếp
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới đã làm đứt gãy thương mại quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó, nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm nay ước tính đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hoá ước tính xuất siêu 16,99 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,5 tỷ USD, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,5 tỷ USD.
Xuất khẩu 9 tháng đầu năm nay ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 20% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 64,6%, giảm 2,9%.
Cơ quan này nhận định khu vực kinh tế trong nước đang là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu kể từ đầu năm đến nay đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Riêng tháng 9, xuất khẩu đạt 27,5 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước.
Kể từ đầu năm đã có 30 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó điện thoại và linh kiện chiếm 92,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 66,4%; giày dép chiếm 75,9%; hàng dệt may 56,6%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, hai nhóm gồm công nghiệp nặng và khoáng sản, công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp tăng lần lượt 7,4% và 2,2%. Còn nhóm nông, lâm sản giảm 4,7%, nhóm thủy sản giảm 3%.
Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước chiếm 44%, tăng 4,7% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 56%, giảm 4,8%.
Riêng tháng 9, nhập khẩu đạt 24 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước. Quý III đạt 68,54%, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 18,5% so với quý II năm nay.
Kể từ đầu năm đến nay đã có 32 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,5% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính tăng 4,4 % và chiếm 6,5%.
Xét theo quy mô thị trường, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ 9 tháng đầu năm nay tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thị trường Trung Quốc tăng 13%; EU giảm 2,6%; ASEAN giảm 12,5%; Hàn Quốc giảm 2%; Nhật Bản giảm 5,7%.
Ở phía ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Hàn Quốc giảm 7%; ASEAN giảm 8,7%; Nhật Bản tăng 2,8%; Hoa Kỳ giảm 1,6%; EU tăng 5,6%.
Trong đó, 9 tháng năm nay, xuất siêu sang EU giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nhập siêu từ Trung Quốc giảm 7,8%, nhập siêu từ Hàn Quốc giảm 10,7%, nhập siêu từ ASEAN tăng 7,8%.
(Theo TheLEADER)