VCB, PLX, PAT là những cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/6. Đây là những cổ phiếu được các công ty chứng khoán phân tích và đưa ra khuyến nghị.
- Chứng khoán tuần mới 20-24/6: Phân tích và dự báo
- Làm gì khi chứng khoán đã bước vào thị trường con gấu?
Khuyến nghị khả quan cổ phiếu VCB với giá mục tiêu 95.600 đồng/CP
CTCK VNDirect (VND)
Nhờ các chính sách miễn phí, tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng TNCP Ngoại thương Việt Nam (VCB – sàn HOSE) đã tăng 27,6% so với cùng kỳ; 7,3% so với đầu năm để đưa tỷ lệ tài khoản tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên mức cao lịch sử 33,4% vào cuối quý I/2022; cao thứ 4 trong số các ngân hàng thương mại.
Chúng tôi ước tính VCB hiện đang nắm giữ 8,5% thị phần tiền gửi trong nước, có vị thế tốt nhất để quản trị chi phí huy động ngày càng tăng. Vì vậy, VCB là một trong số ít ngân hàng có tỷ lệ NIM tăng trong quý I/2022 (tăng 24 điểm cơ bản svck, lên 3,4%). Chúng tôi kỳ vọng NIM năm 2022 sẽ ở mức 3,2% nhờ tỷ lệ CASA cao (~ 35% vào cuối năm 2022) và tỷ lệ cho vay trên huy động thấp (2% vào cuối năm 2022).
Theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt, VCB và MBB sẽ nhận lại 1 tổ chức tín dụng đang chịu sự giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam với chi phí bằng không. Trong trường hợp này, VCB sẽ được tăng trưởng tín dụng không giới hạn nhưng vẫn phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn bắt buộc (CAR). Báo cáo tài chính của ngân hàng này sẽ không được hợp nhất vào VCB trong giai đoạn tái cơ cấu và NHNN sẽ cung cấp gói cho vay lãi suất 0% nhằm giải quyết một phần lỗ lũy kế. Sau khi tái cơ cấu, VCB được phép sáp nhập ngân hàng này, hoặc chuyển nhượng cho các nhà đầu tư, hoặc chào bán ra công chúng (IPO).
Chúng tôi dự báo thu nhập lãi thuần (NII) tăng 9,5%/14,8% so với cùng kỳ trong 2022- 2023, cùng với tăng trưởng cho vay đạt 14,5%/13,0% và tỷ lệ NIM ổn định là 3,2%. Thu nhập ngoài lãi dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ đạt 28,7%/21,3% svck trong năm 2022-2023 nhờ thu nhập từ phí và hoạt động ngoại hối. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao đạt 424,4% cùng với tỷ lệ nợ xấu thấp 0,64% vào cuối năm 2021, giúp VCB giảm chi phí trích lập dự phòng trong 2 năm tới.
Giá mục tiêu 1 năm được điều chỉnh tăng 2,8%, sau khi lợi nhuận năm 2022- 2024 được điều chỉnh. Theo quan điểm của chúng tôi, tâm lý thị trường tiêu cực từ các quy định chặt chẽ về thị trường vốn đã làm giảm giá cổ phiếu của VCB, nhưng tạo cơ hội tích lũy cổ phiếu này trong dài hạn. Rủi ro giảm giá bao gồm lạm phát cao hơn dự kiến có thể cản trở tăng trưởng tín dụng và nợ xấu cao hơn dự kiến.
Giá cổ phiếu của VCB đã giảm mạnh 21% so với mức đỉnh vào tháng 1 năm 2022, do sự điều chỉnh của thị trường trong quý I/2022. Ở mức giá cổ phiếu hiện tại, VCB đang giao dịch ở mức P/BV 2,5 lần, thấp hơn 16,7% so với mức -2 độ lệch chuẩn trung bình 3 năm là 3,0 lần. Theo quan điểm của chúng tôi, mức định giá hiện tại là hấp dẫn, do VCB có lợi thế để vượt qua các khó khăn trong ngắn hạn từ chất lượng tài sản vững chắc đã tích lũy trong quá khứ nhờ hoạt động cho vay thận trọng, bộ đệm vốn mạnh và chất lượng tài sản luôn ở mức tốt.
Giá mục tiêu chúng tôi đưa ra dựa trên kết hợp phương pháp định giá thu nhập thặng dư (COE: 14,6%; LTG: 3%) và mức P/BV mục tiêu bằng 3 lần với tỷ trọng bằng nhau. Rủi ro giảm giá bao gồm lạm phát cao hơn dự kiến có thể gây cản trở mức tăng trưởng tín dụng và nợ xấu cao hơn dự kiến. Đồng thời, khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu VCB với giá mục tiêu 1 năm là 95.600 đồng/CP.
Khuyến nghị mua cổ phiếu PLX với giá mục tiêu 53.900 đồng/CP
CTCK Phú Hưng (PHS)
Điểm nhấn đầu tư dành cho cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là (1) Sự phục hồi của sản lượng và giá bán dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2022 từ mức thiệt hại nặng nề do đại dịch và các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
(2) Chính sách về giá sẽ ổn định hơn khi Nghị định 95/2021/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 02/01/2022. Theo đó, thời gian điều chỉnh giá sẽ giảm xuống còn 10 ngày thay vì 15 ngày như trước đây và số ngày tồn kho tối thiểu cũng giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp giá bán lẻ tiến gần đến cơ chế thị trường và do đó, giúp đảm bảo lợi nhuận của công ty trước những biến động bất lợi của giá cả quốc tế.
(3) Trong khi mức tiêu thụ xăng dầu trên đầu người của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, thì tốc độ tăng trưởng ô tô đang diễn ra rất nhanh chóng và người dân có xu hướng di cư ra xa các trung tâm đô thị. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu thụ xăng dầu trong những năm tới.
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá hợp lý của cổ phiếu PLX là 53.900 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 25%. Định giá của chúng tôi chưa bao gồm việc thoái vốn khỏi PGBank do thiếu các thông tin cần thiết. Mức định giá này đã được điều chỉnh giảm 20% so với báo cáo trước đó do chúng tôi hạ dự phóng Biên lợi nhuận gộp của PLX trong năm nay (xuống mức 5%) do những biến động bất lợi của giá cả đầu vào cũng như tình trạng gián đoạn nguồn cung trong nước luôn hiện hữu.
Rủi ro: (1) Sự xuất hiện các chủng virus Corona mới có thể kháng vaccine. (2) Thay đổi bất lợi trong chính sách điều hành của chính phủ (3) Nguồn cung hỗn loạn cùng với sự biến động mạnh của giá xăng dầu đầu vào.
Định giá cổ phiếu PAT có thể tăng sau khi niêm yết
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
Sở hữu bởi công ty mẹ là Hóa Chất Đức Giang (DGC) với 51% cổ phần, CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam (PAT) sẽ được niêm yết tại sàn UPCoM từ 17/06/2022 với khối lượng là 25 triệu cổ phiếu. Trong bối cảnh giá phốt pho vàng đang neo ở mức cao, PAT nhận được khá nhiều sự quan tâm.
Một trong những công ty có công suất phốt pho vàng lớn: PAT có công suất sản xuất phốt pho vàng (P4) lên đến 20.000 tấn/năm, chiếm khoảng 14% tổng sản lượng P4 sản xuất tại Việt Nam. Công suất của PAT chỉ đứng sau một thành viên trong nhóm Đức Giang là công ty TNHH MTV Hóa Chất Đức Giang – Lào Cai với công suất khoảng 40,000 tấn P4/năm. PAT có những khách hàng trung thành chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Lợi nhuận tích cực nhờ vào sự gia tăng từ giá bán: giá bán P4 trung bình trong năm 2021 tăng đến 42% so với cùng kỳ năm trước và đạt 79,9 triệu đồng/tấn và tăng đến 88% trong quý I/2022, 144,5 triệu đồng/tấn. Kết quả, lợi nhuận sau thuế 2021 tăng 203%, đạt 256 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý I/2022 tăng đến 349 tỷ đồng, tăng hơn cả tổng lợi nhuận sau thuế 2021 đến 36. Bất chấp lợi nhuận sau thuế quý 1 hoàn thành 58% kế hoạch năm 2022, Công ty vẫn đặt kế hoạch khá thận trọng với 2.317 tỷ doanh thu (tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái) và 600 tỷ lợi nhuận sau thuế (tăng 134%).
Định giá: PAT niêm yết tại mức giá 120.000 đồng/cp, tương đương mức PE trượt 5.4x và mức dự phóng PE là 5.0x trong 2022F. Mức định giá có thể còn khá “rẻ” so với các công ty cùng ngành trên toàn cầu đang giao dịch tại mức PE 8.0x. Trong bối cảnh thị trường P4 vẫn còn khá nhộn nhịp, với tình hình tài chính tương đối tốt và mức ROE đầy hứa hẹn 97%, chúng tôi tin rằng định giá PAT có thể tăng sau khi niêm yết.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn