Việc đầu tư là một quá trình dài hạn và trong đó chúng ta sẽ gặp rất nhiều cơ hội và đương nhiên việc bỏ lỡ cơ hội nào đó cũng sẽ không hề ít một chút nào.
>> Bốn bước để xây dựng danh mục đầu tư sinh lời
Việc nắm bắt một cơ hội hay bỏ lỡ một cơ hội thường mang đến những cảm xúc trái ngược trong hành trình đầu tư nhưng Warren Buffet cho rằng “Việc đầu tư thành công trong cuộc đời không đòi hỏi một chỉ số IQ cao chót vót, tầm hiểu biết kinh doanh sâu sắc khác thường hay thông tin nội bộ. Những gì cần có là một khuôn khổ trí tuệ sáng suốt để đưa ra quyết định và khả năng khiến cho cảm xúc không phá hủy nền tảng đó. Bạn phải tự đưa ra kỷ luật cho cảm xúc”.
Có thể nói, ngay khi bước chân vào việc đầu tư, phần lớn mọi người đều mang theo một gánh nặng của sự sợ hãi – đó là nỗi sợ hãi mất cơ hội.
Hàng ngày khi nhìn những người xung quanh đổ tiền vào việc đầu tư bất động sản, chứng khoán, tiền ảo… và thu lời về có khiến chúng ta sốt ruột không? Cảm thấy mình thật nhỏ bé và muốn được như những người xung quanh đó? Điều đó nhấn mạnh rằng phần lớn động lực khi chúng ta bước chân vào thế giới đầu tư đều bắt nguồn từ nỗi sợ hãi không nắm bắt được cơ hội.
Tuy nhiên, thị trường còn đó và không có cơ hội này thì sẽ có cơ hội khác. Vì vậy, việc của chúng ta đâu phải là sợ hãi hay tiếc nuối khi cơ hội đã qua mà phải là đủ thông tuệ để nhận ra cơ hội đang tới. Vì vậy, bài học đầu tiên các huyền thoại dạy chúng ta rằng “Đừng sợ hãi vì mất cơ hội mà hãy rèn luyện kỷ luật cảm xúc để tạo ra sự thông tuệ chờ đón cơ hội tiếp theo”.
Bài học thứ 2 từ George Soros – Nhà giao dịch huyền thoại trên phố Wall: “Đúng sai không quan trọng, quan trọng khi đúng, bạn được bao nhiêu tiền và khi sai bạn mất bao nhiêu tiền”.
Ngay cả khi cơ hội đến, chúng ta vẫn có khả năng không thành công trong việc đầu tư đó. Hãy tỉnh táo và thiết lập kỉ luật quản trị rủi ro để “ngay khi phát hiện việc mình rơi xuống hố và ngừng đào cho chiếc hố sâu hơn”.
Để củng cố cho bài học số 2 hãy cũng nhìn nhận về hiện tượng “Over trade” hay còn gọi là giao dịch quá nhiều. Hành động này sẽ bào mòn tài khoản của bạn, đầu tiên về mặt chi phí giao dịch sau đó dẫn đến tâm lý bạn không cân bằng rồi quên mất kỷ luật và những kế hoạch ban đầu. Đó là hành động ‘cố đấm ăn xôi” và hậu quả của nó thường là đã sai càng thêm sai.
Bài học thứ 3: “Xác định chiến lược phù hợp và kiên định với chiến lược mình đã lựa chọn”. Dưới đây là khảo sát nhanh bằng 3 câu hỏi:
1. Bạn có sẵn sàng nắm giữ một danh mục cổ phiếu trên 5 năm không?
2. Sau khi mua một cổ phiếu bạn có thói quen bám bảng điện theo dõi biến động hàng ngày của cổ phiếu hay theo dõi xu hướng của thị trường trong ngắn hạn và đề phòng việc thị trường đảo chiều không?
3. Bạn có cho rằng rủi ro khi đầu tư chứng khoán là rủi ro giảm giá của chứng khoán sau khi bạn mua vào?
Nếu như bạn đang nghĩ mình là nhà đầu tư mà trả lời câu số 2 và 3 là “có” dù có trả lời câu 1 là “sẵn sàng nắm giữ cổ phiếu trên 5 năm” thì bạn sẽ được xếp vào đội ngũ những nhà giao dịch hay đầu cơ trên thị trường thay vì hàng ngũ những nhà đầu tư.
Nhà giao dịch hay nhà đầu tư đều là những thành phần tham gia trên thị trường chứng khoán, ai cũng có vai trò của người đó nên sẽ không có sự so sánh ai ‘chảnh’ hơn ai mà hãy giúp tôi nhớ rằng: ‘Hãy kiên định với sự lựa chọn chiến lược của bạn”.
Câu chuyện không phải là bạn là ai mà là bạn ý thức được hành động của mình và hành xử đúng với hình ảnh mà mình xác định, tránh trường hợp mình bước chân vào thì trường chứng khoán với tâm thế đầu tư nhưng lại lướt sóng T+ hoặc trở thành nhà đầu tư dài hạn và ‘kẹp hàng” bất đắc dĩ.
(Sưu tầm)