Câu chuyện chứng khoán tuần 13-17/4 ghi nhận 7 câu chuyện với tâm điểm là hoạt động bán ròng của khối ngoại với việc bỏ sung cổ phiếu ngân hàng vào danh mục thoái vốn.
Câu chuyện 1, về thanh khoản thị trường
Tuần qua thanh khoản cả ba sàn tăng rất mạnh. trung bình ở mức 5,2 nghìn tỷ đồng/ngày cho cả 3 sàn, tăng 4% so với tuần trước đó. Riêng ngày thứ 6 thanh khoản toàn thị trường đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với trung bình của tuần. Mức thanh khoản này gần về với mức bình quân của cả năm 2018 và 2019 lúc thị trường đang đà lên mạnh.
Thanh khoản cao không phải lúc nào cũng tốt (đỉnh 2009 và 2018) và thanh khoản thấp không phải lúc nào cũng xấu (đáy các chu kỳ bear đều có khối lượng rất thấp). Thanh khoản cao trong bối cảnh nước ngoài bán ròng hiện nay chỉ có thể lý giải một điều là dòng tiền mới vào thị trường vẫn rất lớn và thanh khoản tiếp tục cao.
Điều đó giúp VN-Index đóng cửa ở mức 789,6 điểm trong phiên thứ Sáu tuần qua, cả tuần tăng 3,49%. Dòng tiền phiên ngày cuối tuần qua được trải đều cho các nhóm cổ phiếu từ nhóm Cổ phiếu Lớn (vốn hóa >10 nghìn tỷ VND) và nhóm Cổ phiếu Trung bình (1 – 10 nghìn tỷ).
Biến động giá ngày 17/4/2020 của các nhóm cổ phiếu theo vốn hóa
Câu chuyện 2, về dòng vốn ngoại
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn miệt mài bán ròng mặc dù tuần qua có giảm tốc. Tuần qua, khối ngoại chỉ bán ròng 1,02 nghìn tỷ so với 1,8 ngàn tỷ tuần trước đó. Từ đầu tháng 4 đến nay, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 3,4 ngàn tỷ đồng. Tốc độ bán ròng như vậy đã giảm mạnh từ tháng 3.
Mua/bán ròng của khối ngoại từ đầu năm đến nay theo tháng, và theo tuần tháng 4
Tuần vừa rồi, ngoài VIC thì VNM cũng được bán mạnh và sau đó là 3 cổ phiếu ngân hàng (BID, HDB và VPB). Điểm thú vị là HPG sau khi bán ròng thì khối ngoại quay trở lại mua mạnh thành top mua ròng. Ngoài ra, VRE, HCM được mua đều liên tiếp trong khi ROS cũng được nước ngoài mua ròng.
Top Mua/bán ròng của khối ngoại tuần qua
Riêng thứ Sáu ngày 17/4/2020, nước ngoài bán ròng khá mạnh trở lại, lên 392 tỷ đồng trên HOSE, 28,2 tỷ đồng trên HNX và 13,4 tỷ đồng trên UPCOM. Mức này tăng 1,38 lần so với trung bình 5 phiên trước đó, trên HOSE.
Ngoài 3 mã đã nằm trong danh sách top bán ròng của tuần (BID, HDB và VPB) thì phiên cuối tuần trước có thêm 3 cổ phiếu ngân hàng nữa là CTG, STB và VCB cũng được bán ròng khá lớn. Xem hình dưới.
Top 10 mua/bán ròng của khối ngoại phiên giao dịch ngày 17/4/2020
Điều này tới sau những tin tức không mấy tích cực về ngành ngân hàng trong mấy tuần vừa qua trước yêu cầu phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, không trả cổ tức, giảm lợi nhuận để thực hiện gói hỗ trợ cho đến gần đây việc Fitch Ratings hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm một số ngân hàng.
Ngoài CTG và VCB bị hạ bậc tín nhiệm thì nằm trong danh sách Top 10 bán ròng còn lại ACB và MBB cũng bị hạ bậc nhưng hai cổ phiếu đều kín room sở hữu nước ngoài và khối ngoại không có giao dịch gì với nhà đầu tư Việt Nam mà chỉ giao dịch trong “nội khối nước ngoài” tuần qua.
Giá trị mua/bán ròng của NĐTNN của nhóm CP ngân hàng (tính trên cả 3 sàn)
Câu chuyện 3, bán ròng khối ngoại có thể là nhóm nào?
Các ETF (với quy mô dưới 1 tỷ đô vào Việt Nam) thì mức độ rút vốn đã giảm so với các tuần trong tháng 3. Ví dụ 3 ETFs thì chủ bị rút ròng 3,37 triệu EUR (tức khoảng 85,5 tỷ đồng).
Một số quỹ từ Hàn Quốc tham gia bán mạnh. Ví dụ, theo dõi top các cổ phiếu đột biến phiên ngày hôm thứ Sáu trên hệ thống FiinTrade (khối lượng giao dịch > 1,5 lần khối trung bình của 5 phiên trước đó), đáng chú ý đến BSR (cổ phiếu này tăng sát trần với 14,3 triệu cổ phiếu giao dịch, đây là khối lượng giao dịch lớn nhất kể từ BSR lên sàn UPCOM và cao gấp 5,5 lần khối lượng giao dịch bình quân của BSR từ đầu năm 2020).
“Vậy ai đã bán BSR? Nước ngoài bán ròng 1,5 triệu cổ phiếu BSR trong phiên. Với số liệu thanh khoản và cơ cấu cổ đông của BSR thì chúng tôi cho rằng nếu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không bán thì khả năng có quỹ KIM Vietnam Growth Equity Fund hoặc KITMC Worldwide Vietnam RSP Balance Fund”, theo báo cáo phân tích của FiinTrade.
Cổ phiếu BSR này được khối ngoại bán ròng ròng rã kể từ khi niêm yết trên UPCOM vào đầu 2018 và làm cho cổ phiếu này giảm từ giá khoảng 32.000 đồng/CP còn 6.200 đồng hiện nay.
Câu chuyện 4, về giao dịch tự doanh
Tự doanh bán ròng 966 tỷ đồng tuần qua, chủ yếu nằm ở MSN, GEX, DBC, E1VFVN30 trong khi đó họ mua ròng MWG, HAX, VPB và TCB. Riêng ngày thứ Sáu tuần rồi, lên đến 565 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng MSN (333,5 tỷ đồng), GEX (134,3 tỷ đồng) và E1VFVN30 (76,2 tỷ đồng). Phía mua ròng có STB (10 tỷ); PVT (6,2 tỷ) và HPG (2,9 tỷ). MSN là cổ phiếu có giao dịch tự doanh khá sôi động, tự doanh bán thỏa thuận 333,5 tỷ và được mua bởi các tài khoản cá nhân.
Top mua/bán ròng của tự doanh tuần 13/4/2020 đến 17/4/2020
Câu chuyện 5, cổ phiếu quỹ
Trong vài tuần mới, một phần dòng tiền hỗ trợ thị trường rất có thể sẽ đến từ chính các doanh nghiệp niêm yết thông qua các giao dịch mua cổ phiếu quỹ.
Theo số liệu của FiinTrade, giá trị mua ròng cổ phiếu quỹ dự kiến (đăng ký mua/bán còn hiệu lực từ 20/4 đến 27/5) ước khoảng 3,1 nghìn tỷ đồng. Đây có thể là nguồn tiền sẵn sàng “đối ứng” với việc bán ròng của khối ngoại hoặc làm lực đỡ giá khi cần thiết.
Điểm đáng lưu ý là vẫn có một số doanh nghiệp tranh thủ giá lên thì bán ra cổ phiếu quỹ. Số bán ròng trong tháng 4 là 142 tỷ, theo tính toán của FiinTrade.
Giá trị đăng ký mới mua/bán cổ phiếu quỹ theo tháng từ đầu năm 2020
Câu chuyện 6, cổ đông nội bộ và người liên quan
Trong bối cảnh khối ngoại và tự doanh bán ra, họ cùng với nhà đầu tư cá nhân, vẫn là lực đỡ đáng kể về giá và tạo thanh khoản. Nhóm này đã mua ròng khoảng 200 tỷ đồng cổ phiếu trên ba sàn trong 17 ngày đầu tháng 4, trong đó nhóm cổ đông nội bộ là cá nhân trong nước tiếp tục mua vào còn bên bán ra chủ yếu là tổ chức nước ngoài.
Giá trị mua/bán cổ phiếu của cổ đông nội bộ trong nước so sánh với nước ngoài
Về đăng ký giao dịch sắp tới, cổ đông là tổ chức nước ngoài dự kiến sẽ mua ròng là 236,8 tỷ đồng, chủ yếu đến từ đăng ký mua cổ phiếu VNM của hai cổ đông (Platinum Victory và F&N Dairy Investments).
Từ đầu năm đến nay, hai cổ đông lớn này của Vinamilk đã nhiều lần đăng ký mua cổ phiếu VNM, nhưng tỷ lệ thực hiện chỉ khoảng 7%. Nếu không tính đến đăng ký giao dịch của hai cổ đông này thì nhóm cổ đông nội bộ là tổ chức nước ngoài sẽ bán ròng hơn 17 tỷ đồng trong vài tuần tới.
Câu chuyện 7, kết quả kinh doanh quý 1/2020
Câu chuyện về mối tương quan giữa Thị giá (Price) và Giá trị (Value) được thể hiện khá sinh động. Theo thống kê liên tục của FiinGroup, tính đến hết ngày 17/04/2020, 109 doanh nghiệp (chiếm 14,6% vốn hóa thị trường) đã công bố chính thức hoặc ước tính kết quả kinh doanh Q1/2020.
Tổng doanh thu Q1/2020 của các doanh nghiệp này đạt 125,9 nghìn tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận trước thuế giảm mạnh hơn ở mức 57,2%, đạt 5,9 nghìn tỷ đồng. Trong số 109 doanh nghiệp, 85 doanh nghiệp báo lãi trong khi 24 doanh nghiệp báo lỗ.
Tổng quan KQKD Q1-2020 (Cập nhật đến 17/4/2020)
Nhóm cổ phiếu có tăng trưởng tốt cả về lợi nhuận và giá cổ phiếu đã phản ánh khá tốt bao gồm Thực phẩm & Đồ uống (DBC, KDF), Bán lẻ (DGW), Y tế và Công nghệ Thông tin (FPT). Nếu xét theo nhóm ngành, Du lịch & Giải trí và Dầu khí ghi nhận lỗ trong Q1-2020.
Đây cũng là hai ngành có mức sụt giảm LNTT cả về giá trị tuyệt đối và tương đối, chủ yếu do ước lỗ của 2 doanh nghiệp lớn là HVN và PLX.
(Theo FiinTrade)