Để đối phó với đợt ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông của cảnh sát giao thông trên phạm vi toàn quốc, nhiều người dân bắt đầu đổ xô đi mua bảo hiểm xe máy bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Bảo hiểm xe máy bỗng dưng bán chạy bất thường.
>> Coi chừng định kiến “bảo hiểm mua dễ, khó đòi”
Bán chạy bất thường
Nhiều người còn nhớ lại việc mua thẻ bảo hiểm bắt buộc xe máy lần này bán chạy không khác gì đợt tổng kiểm soát đội mũ bảo hiểm vài năm trước do tâm lý sợ bị phạt.
Ông Lê Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty TC Advisors (1 đại lý bảo hiểm tổ chức) nói vui rằng: “Con người hành động hoặc không hành động chủ yếu từ 2 động cơ tình yêu và nỗi sợ hãi. Bảo hiểm ra đời để khách hàng thể hiện tình yêu và trách nhiệm, nhưng đa số khách hàng chỉ mua vì nỗi sợ hãi, do đó, mấy hôm nay cả nước nháo hết cả lên đi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe máy vì sơ bị phạt”.
Ông Hải ước tính, nếu bán cho 60 triệu xe máy trong cả nước (với mức giá gốc nguyên giá 66.000 đồng/thẻ chứng nhận) sẽ mang lại doanh số mới 4.000 tỷ đồng cho ngành bảo hiểm.
Dạo quanh thị trường Hà Nội mấy ngày qua có thể thấy, chưa bao việc mua, bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc với xe máy lại giờ nóng đến thế. Trên các trang diễn đàn mạng phủ kín thông tin rao bán sản phẩm này. Việc rao bán còn len lỏi cả vào những trang facebook hội nhóm kín của các cư dân chung cư, nhóm phụ nữ… với số lượng lớn để có chính sách giá tốt.
Chị Thu Hương, cộng tác viên của đại lý bảo hiểm BIC chia sẻ, chỉ trong 1 ngày đã bán được hơn 200 thẻ bảo hiểm bắt buộc xe máy. Anh Nguyễn Tùng, cộng tác viên của đại lý bảo hiểm PJICO thì vui mừng cho biết, chỉ trong hơn nửa ngày đã bán được gần 100 thẻ.
Còn theo thông tin từ một số đơn vị bảo hiểm, tại Quảng Ninh, trong 2 ngày 15, 16/5 đã bán được khoảng 10.000 thẻ. Trong đó, Bảo hiểm Ngân hàng Quân đội (MIC) trong 2 ngày thông qua các đại lý bán ra gần 5.000 thẻ, Bảo hiểm Bảo Việt bán ra trên 2.000 thẻ, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) bán được gần 1.000 thẻ và Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIC) bán ra khoảng 600 thẻ.
Tranh thủ sức nóng của bảo hiểm xe máy, ngay cả những đại lý bảo hiểm nhân thọ cũng bán thêm sản phẩm bảo hiểm này, thậm chí tặng thêm đưa sản phẩm này thành sản phẩm khuyến mại để bán bảo hiểm nhân thọ theo kiểm mua 1 tặng 1..
Lãnh đạo 1 đơn vị thành viên của Bảo hiểm PJICO cho biết, do tâm lý đối phó, sản phẩm cũng có giá phải chăng, giá trị nhân văn cao, nên 2 ngày nghỉ cuối tuần, nhân viên bảo hiểm của không chỉ hãng này, mà của nhiều hãng khác không hề được ngơi nghỉ. Có nhà bảo hiểm còn phải in thêm thẻ chứng nhận bảo hiểm để đáp ứng sức nóng của thị trường.
Theo khảo sát của các phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, khi hỏi một số người dân mua thẻ bảo hiểm bắt buộc với xe máy, đa số cho biết, do thẻ cũ đã để hết hạn từ lâu, có người thì lần đầu biết đến sản phẩm này sau đợi tổng kiểm tra của cảnh sát giao thông.
Lại “mải bán quên tư vấn”
Cũng do tâm lý chỉ mua theo kiểu đối phó của người dân, cũng như tâm lý bán cho nhanh của bên bán, nên các đại lý cũng không tư vấn cho khách hàng.
Ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair cho biết: “Dạo khắp facebook thì thấy, người bán chủ yếu lấy cảnh sát giao thông phạt ra doạ khách hàng, mà không thấy ai tư vấn mua bảo hiểm xe máy được gì. Bảo sao người dân kỳ thị bảo hiểm xe máy như thu thuế”.
Anh Nguyễn Minh Hùng (Quốc Oai, Hà Nội) cho rằng, nếu không biết đợt kiểm tra, phạt tiền của cảnh sát giao thông, thì bản thân anh cũng như nhiều lái xe khác đến giờ cũng chẳng ai đi mua bảo hiểm xe máy bắt buộc.
Anh Hùng cho biết, không ít nơi bán bảo hiểm, người bán bảo hiểm chỉ cần ghi tên người trong cà vẹt và biển số xe là xong, việc mua bán bảo hiểm diễn ra trong tích tắc, mà không hề có một lời tư vấn về quyền lợi của người mua bảo hiểm xe và có hỏi thì nhân viên cũng bảo chỉ bán thôi, chứ không rõ quyền lợi thế nào.
“Tôi nghĩ các bên nên coi lại trách nhiệm của mình. Nếu mua bán theo kiểu đối phó, sau này không biết khi không may xảy ra tai nạn, không thể đòi được quyền lợi bảo hiểm, lại chê bảo hiểm lừa đảo, mua dễ khó đòi”, chị Đặng Thu Hà, một người bán sản phẩm bảo hiểm này tư vấn.
Liên quan đến những băn khoăn đến thủ tục bồi thường, ông Xuân cho biết, các thủ tục của bảo hiểm bắt buộc rất đơn giản, thậm chí còn nhanh gọn hơn cả bảo hiểm tự nguyện. Tuy nhiên, hiện nay khi xảy ra sự cố, đa phần người dân thường tự giải quyết, thỏa thuận với nhau chứ không gọi nhà bảo hiểm.
“Chủ yếu là do số tiền đền bù ít, chưa kể người dân e ngại vì sợ phiền, phức tạp… khi mời công an đến giải quyết theo luật định”, ông Xuân nói và cho biết thêm, nếu xảy ra sự cố, điều đầu tiên người dân phải làm là gọi đến theo số đường dây nóng (hotline) trên giấy bảo hiểm để được giám định và hướng dẫn.
Ông Lưu Hùng Kiên, Tổng giám đốc Moncover (1 đại lý bảo hiểm tổ chức) thừa nhận, đúng là 3 ngày qua tràn ngập thông tin bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc với xe máy, nhưng nhiều người không hiểu hết phạm vi bảo hiểm hay ý nghĩa nhân đạo của sản phẩm này, mà chỉ hiểu để tránh nỗi sợ (bị phạt) từ cảnh sát giao thông.
“Việc này chỉ đem lại lợi ích ngắn hạn cho các nhà bảo hiểm, nhưng về lâu dài, nếu không truyền thông được sản phẩm, thì khách mua vẫn chẳng biết dùng như thế nào và tất nhiên khi tổn thất xảy ra lại gặp nhiều lý do từ chối từ công ty bảo hiểm”, vị trên nói.
Điều đáng nói là không ít các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc xe máy của nhiều hãng bảo hiểm khác nhau đã được hạ giá đồng loạt (thay vì giá gốc là 66.000 đồng/thẻ bảo hiểm, thì được hạ giá còn 35.000 đồng/thẻ).
Hệ lụy của việc hạ giá để cạnh tranh thế nào, công tác giám sát từ phía cơ quan quản lý với sản phẩm bảo hiểm này ra sao, Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục đưa tin trên số báo tới.
Từ 15/5, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (Bộ Công an) ra quân thực hiện tổng kiểm tra phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Đợt ra quân kéo dài đến giữa tháng 6.
Theo đó, chủ xe môtô, xe máy, các loại xe tương tự môtô và các loại xe tương tự xe máy khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 80.000 – 120.000 đồng nếu không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe. Còn đối với chủ ôtô sẽ bị phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng.
Mức bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm khi có tai nạn xảy ra
Theo Điều 9, Thông tư 22/2016/TT-BTC, khi có tai nạn xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho những thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản của bên thứ ba với mức tối đa như sau:
Nếu có thiệt hại về người: 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn;
Nếu có thiệt hại về tài sản: 50 triệu đồng/vụ tai nạn đối với thiệt hại do xe máy gây ra; 100 triệu đồng/vụ tai nạn đối với thiệt hại do ô tô gây ra.
Bên bảo hiểm sẽ không bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau:
– Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại.
– Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.
– Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn thì được coi là không có Giấy phép lái xe.
– Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.
– Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.
– Chiến tranh, khủng bố, động đất.
– Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.
(Theo ĐTCK)