Thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong 2 phiên liên tiếp, đẩy chỉ số S&P 500 lên mức cao nhất kể từ ngày 11/3, trước khi giảm nhẹ trở lại. Đây là bước lùi cần thiết để nhà đầu tư nhìn lại, tránh rơi vào bẫy giá trị.
Có 2 lý do chính dẫn tới đà tăng hiện tại. Thứ nhất là tâm lý lạc quan hơn khi tốc độ lây nhiễm dịch Covid-19 có phần chậm lại.
Thứ hai là có nhận định cho rằng, định giá cổ phiếu đã rẻ tới mức khó có thể làm ngơ khi thị trường bước vào xu hướng giá xuống ở tốc độ nhanh nhất từ trước tới nay.
Về câu chuyện kiểm soát đại dịch, đây là vấn đề của kỳ vọng và không ai biết chắc diễn biến tiếp theo. Tuy nhiên, tạm gác yếu tố này sang một bên và tập trung vào động lực leo dốc thứ hai của thị trường: Ðịnh giá ở mức rất rẻ.
Nhiều quan điểm thận trọng được đưa ra đang nhắc nhở nhà đầu tư về bẫy giá trị: Hiện tượng khi giá cổ phiếu/tài sản đầu tư giảm giá nhanh chóng và được xem là rẻ trong các tính toán của nhà đầu tư.
Thực tế, giá cổ phiếu có vẻ rất rẻ, với việc chỉ số S&P 500 đang giao dịch ở P/E chỉ khoảng 14 lần, mức thấp nhất kể từ năm 2013, theo số liệu của Bloomberg. P/E được tính toán dựa trên giá thị trường của cổ phiếu chia cho EPS là thu nhập (lợi nhuận ròng) của một cổ phiếu.
Trong đó, EPS là biến số quan trọng nhất thể hiện khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ðáng chú ý, mức P/E thấp hiện tại được tính toán dựa trên các ước tính lợi nhuận 2020 cũ, trong khi nhiều tổ chức kinh tế đã dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp đang “bốc hơi” bởi đại dịch.
Thêm vào đó, các chiến lược gia tạm thời chưa công bố dự báo lợi nhuận mới nhằm chờ đợi các kết quả quý I được công bố để có được con số bám sát thực tế hơn.
Keith Parker, người đứng đầu bộ phận chiến lược chứng khoán tại UBS đã lên tiếng cảnh báo, nhiều tổ chức/chuyên gia kinh tế chưa cập nhật ước tính lợi nhuận mới năm 2020 cho các doanh nghiệp trong nhiều tuần.
Ðiều này đồng nghĩa với việc các số liệu lợi nhuận năm 2020 được công bố từ cuối năm ngoái đã không phản ánh được những bước ngoặt đột ngột của thị trường trong thời gian qua.
Diễn biến hiện nay của thị trường chứng khoán ít nhiều gợi nhắc tới thời điểm khủng hoảng 2008, khi thị trường cũng có những “động tác giả” dễ nhầm lẫn với việc đã bắt đầu xu hướng tăng.
Cụ thể, chỉ số S&P 500 tăng khoảng 18% vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/2008 và tăng khoảng 24% vào cuối tháng 11/2008, trước khi quay đầu giảm một mạch hơn 25% và chạm đáy thấp nhất 13 năm vào tháng 3/2009.
Một vấn đề khác khiến các chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo về bẫy giá trị là câu chuyện chất lượng tài sản.
Theo đó, cả thế giới đang chìm trong một đống nợ, tình trạng đã diễn ra từ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Viện Nghiên cứu tài chính quốc tế (IIF) vừa công bố báo cáo cho thấy, khối lượng nợ tại mọi lĩnh vực trên toàn cầu đã đạt kỷ lục mới 255.000 tỷ USD năm 2019. Con số này tương đương 322% GDP toàn cầu, nhiều hơn 87.000 tỷ USD so với thời điểm khủng hoảng tài chính 2008.
Với việc dịch Covdi-19 khiến các quốc gia phải tiến hành các gói kích thích kinh tế, khối nợ trên toàn cầu được IIF dự báo sẽ tăng đột biến trong năm nay.
Chỉ riêng tháng 3/2020, các khoản nợ công đã tăng lên mức kỷ lục – hơn 2.100 tỷ USD, gấp đôi mức trung bình 900 tỷ USD giai đoạn 2017-2019.
Những con số trên gợi nhắc tới các cuộc khủng hoảng nợ, khi thu nhập giảm, lãi suất tăng, khả năng trả nợ của cả chính phủ lẫn khu vực tư nhân càng thêm khó khăn. Ðây là một lý do nữa khiến cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo dường như đã ở ngay trước mắt.
Con số lợi nhuận quý I/2020 của các doanh nghiệp sẽ được công bố trong vài tuần tới. Khi đó, định giá của các cổ phiếu sẽ được tính toán lại.
Xét tới bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp khi dịch bệnh tác động mạnh tới nền kinh tế và chu kỳ suy thoái tới gần, nhà đầu tư cần cẩn trọng trước bẫy giá trị trên thị trường chứng khoán, khi nhầm lẫn việc mất giá của cổ phiếu với việc định giá rẻ.
(Theo ĐTCK)