Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/6: NT2, BMP, HPG, FPT, PLX, PTB

Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 19/6 của các công ty chứng khoán như Bảo Việt (BVSC), BSC, Bản Việt (VCSC).

>> Cổ phiếu nóng lộ nguy cơ bỏng tay

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/6: NT2, BMP, HPG, FPT, PLX, PTB
CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) là doanh nghiệp hoạt động tốt và thường xuyên trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao.

Khuyến nghị trung lập dành cho NT2 với mức giá mục tiêu 21.800 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) là doanh nghiệp hoạt động tốt và thường xuyên trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của NT2 sẽ sụt giảm nhẹ trong năm 2020 và 2021 do giá trên thị trường cạnh tranh dự kiến sẽ thấp hơn cũng như giá cố định giảm khi ký lại hợp đồng PPA.

Do đó chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu NT2. Mức giá mục tiêu cho NT2 theo Phương pháp DCF là 21.800 đồng/CP, cao hơn 2,1% so mức giá đóng cửa ngày 17/6/2020 là 21.350 đồng/CP.

Khuyến nghị tích cực dành cho BMP với mức giá mục tiêu 63.000 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Cổ phiếu BMP của CTCP Nhựa Bình Minh đóng cửa ở mức 49.700 đồng/cp vào ngày 17/06/2020, giao dịch tại mức EV/EBITDA năm 2020 là 3,8 lần và P/E năm 2020 đạt 8,4 lần so với mức bình quân ngành là 5,3 lần và 10,3 lần.

Chúng tôi nhận thấy BMP hấp dẫn với vị thế dẫn đầu thị trường trong thị trường ống nhựa tại Việt Nam, định giá hấp dẫn, lợi nhuận vượt trội, vị thế tài chính tốt và suất cổ tức hấp dẫn. Duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với mức giá kỳ vọng 1 năm không đổi là 63.000 đồng/cp (lợi nhuận kỳ vọng đạt 26,8%, PER hợp lý là 10,7 lần).

Chúng tôi duy trì quan điểm rằng BMP ở vị thế cạnh tranh để hưởng lợi nhiều nhất từ sự hợp nhất của ngành công nghiệp ống nhựa và việc đầu tư cơ sở hạ tầng gia tăng ở Việt Nam nhờ:

1) Tài sản thương hiệu mạnh cùng với mạng lưới phân phối rộng khắp;

2) Bảng cân đối kế toán chắc chắn và dòng tiền hoạt động mạnh là điều tiên quyết để vượt lên các đối thủ, nhờ không phải chịu gánh nặng chi phí lãi vay, tiềm năng lợi nhuận tốt nhất và dư địa gia tăng thị phần;

3) Chuỗi sản xuất bật nhất, không phụ thuộc nhập khẩu (97-98% nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc trong nước);

4) Đội ngũ lãnh đạo hàng đầu.

Những lợi thế cạnh tranh này chứng minh đã trang bị BMP riêng biệt, đã mang lại nhiều thành quả, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 gây nhiều trở ngại.

Có thể mở vị thế đối với HPG quanh vùng giá 26-27

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát đang hình hành nhịp hồi phục sau khi chạm lại ngưỡng đáy ngắn hạn 25.3. Thanh khoản cổ phiếu hiện vẫn nằm dưới ngưỡng trung bình 20 phiên nhưng đã có dấu hiệu hồi phục trở lại theo đà tăng của bước giá.

Chỉ báo MACD vẫn đang cho thấy dấu hiệu điều chỉnh trong khi chỉ báo RSI đang cho thấy nhịp hồi phục. Đường giá cổ phiếu cũng đã quay lại dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đang thành hình.

Như vậy, nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh quanh vùng giá 26-27 và có thể cân nhắc chốt lãi tại vùng kháng cự 32 trong các phiên giao dịch tới. Cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 24.0.

Khuyến nghị mua cho FPT với giá mục tiêu 55.300 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP FPT (FPT) công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2020 với doanh thu đạt 11,2 nghìn tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1,3 nghìn tỷ đồng (tăng 15%), chủ yếu thúc đẩy nhờ các mảng kinh doanh cốt lõi – xuất khẩu phần mềm, dịch vụ viễn thông và giáo dục.

Dù chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng đối với khả năng dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mảng xuất khẩu phần mềm của FPT trong các quý tiếp theo, kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm của FPT vượt dự báo cả năm của chúng tôi.

Do đó, chúng tôi nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng dự báo hiện tại, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho FPT với giá mục tiêu 55.300 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 23,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,3%, theo giá đóng cửa hôm nay.

Khuyến nghị khả quan cho PLX với giá mục tiêu 51.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (PLX) đã công bố tài liệu ĐHCĐ của công ty, bao gồm kế hoạch doanh thu đạt 122 nghìn tỷ đồng (giảm 37,4% so với năm ngoái) và lợi nhuận trước thuế đạt 1,6 nghìn tỷ đồng (giảm 72,2%) trong năm 2020.

Đáng chú ý, PLX hiện đặt mục tiêu sản lượng bán giảm 17%, chủ yếu do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến nhu cầu xăng dầu. PLX lưu ý rằng kế hoạch này dựa theo kịch bản dịch COVID-19 được kiểm soát vào cuối quý 2/2020.

Mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế của PLX lần lượt tương ứng 90% và 54,1% dự báo cả năm của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng chênh lệch giữa mục tiêu của công ty và dự báo của chúng tôi chủ yếu đến từ sản lượng bán giảm và khoản hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho thấp hơn. Chúng tôi sẽ tham gia ĐHCĐ trực tuyến diễn ra ngày 26/06 nhằm có thêm thông tin chi tiết.

PLX đề xuất chia cổ tức tiền mặt ở mức 3.000 đồng/CP (lợi suất 6,8%) cho năm 2019 và tối thiểu 1.200 đồng/CP (lợi suất 2,7%) cho năm 2020, phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Trong khi đó, PLX hiện đặt mục tiêu đầu tư ở mức 2,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2020 (đi ngang so với cùng kỳ năm trước).

Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho PLX với giá mục tiêu 51.100 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 18,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,7%). Theo giá đóng cửa hôm nay, PLX hiện được giao dịch tại P/E dự phóng năm 2020 và 2021 lần lượt là 31,4 lần và 16,7 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.

Khuyến nghị mua cho PTB với giá mục tiêu 79.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Kế hoạch kinh doanh năm 2020: Doanh thu đạt 5,2 nghìn tỷ đồng (giảm 7% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 374 tỷ đồng (giảm 18%). Các mục tiêu này lần lượt tương ứng 95% và 82% dự báo của chúng tôi.

Kế hoạch doanh thu giảm chủ yếu đến từ mức giảm dự kiến 46% trong doanh thu xe hơi trong khi lợi nhuận phần lớn bị ảnh hưởng bởi mức giảm dự kiến 22% trong lợi nhuận trước thuế mảng đá và khoản lỗ ròng nhỏ ở mảng đại lý xe hơi.

Kế hoạch của PTB thấp hơn dự báo của chúng tôi có thể đến từ quan điểm thận trọng của ban lãnh đạo đối với ngành xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam do các tác động bất lợi của dịch COVID-19 đến nhu cầu gỗ nội thất tại các thị trường nước ngoài – như Mỹ và EU – cũng như tác động tiêu cực của dịch bệnh đến tiêu thụ đá và xe hơi trong nước. Triển vọng thách thức hơn này sẽ ảnh hưởng cả doanh số và biên lợi nhuận của công ty, theo kế hoạch của PTB.

Kế hoạch cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2019: 3.000 đồng/CP (lợi suất khoảng 5,7%), vượt dự báo của chúng tôi là 1.000 đồng/CP. Chúng tôi lưu ý rằng PTB đã thanh toán đợt đầu ở mức 1.000 đồng/CP vào tháng 4/2020; chúng tôi kỳ vọng phần còn lại 2.000 đồng/CP (lợi suất 4%) sẽ được thanh toán trong 6 tháng cuối năm 2020.

Kế hoạch cổ tức cho năm tài chính 2020: 25% trên mệnh giá. Tỷ lệ cổ tức tiền mặt và cổ tức cổ phiếu cụ thể sẽ được quyết định trong thời gian tới. Chúng tôi hiện dự báo mức cổ tức tiền mặt 1.000 đồng/CP cho năm tài chính 2020 (lợi suất 2%).

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho PTB với giá mục tiêu 79.800 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 66% dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

(Theo ĐTCK)

Next Post

Thị trường tiền ảo ảm đạm, hàng loạt đồng giảm giá

T6 Th6 19 , 2020
Không khí giao dịch im ắng, ảm đạm tiếp tục duy trì trên thị trường tiền kỹ thuật số với xu hướng giảm giá chủ đạo những giờ qua.
Copyright All right reserved

Chuyên mục