Chứng khoán ngày 16/4: ‘phút 90’ vượt ngưỡng 780 điểm

HOSE – VJC trở lại

Áp lực chốt lời xuất hiện từ sớm khiến chỉ số VN-Index rớt xuống gần ngưỡng hỗ trợ 770 điểm, giảm 0,9% so với tham chiếu, xuống mức thấp nhất trong ngày. Rổ VN30 có tới 25 mã giảm giá.

Sau đó, chỉ số chính đã quay lại mốc tham chiếu vào lúc đóng cửa phiên sáng với 178 mã tăng giá và 149 mã giảm giá. Nhịp độ giao dịch kém sôi động khi giá trị giao dịch dưới 2 nghìn tỷ đồng, tương đương 133,6 triệu đơn vị.

Đà tăng được tiếp tục vào đầu phiên chiều, VN-Index vượt qua mốc 780 điểm vào 13h25. Tuy nhiên, do đây là ngưỡng kháng cự quan trọng, kèm theo lực cầu lại không đủ mạnh khiến chỉ số chính quay đầu giảm điểm xuống vùng 775 điểm vào cuối phiên chiều.

Tuy nhiên, ’30 chưa phải là Tết’, chỉ số VN-Index tăng gần 4 điểm trong phiên ATC, không những thoát sắc đỏ mà còn đóng cửa trên ngưỡng quan trọng, ở mức 780,7 điểm, tăng 0,45% so với tham chiếu.

Biểu đồ VN-Index ngày 16/4/2020.
Biểu đồ VN-Index ngày 16/4/2020. Nguồn: tradingview

Chốt phiên có 185 mã tăng và 172 mã giảm giá, trong đó, 28 mã tăng trần và 12 mã giảm sàn. Rổ VN30 có 15 mã tăng giá. Trong đó, VJC dẫn đầu với 4,69%; SAB theo sau tăng 3%; PLX tăng 2,76%. Còn lại đều tăng trên dưới 1%.

Đáng chú ý, SAB ghi nhận phiên thứ 12 liên tiếp không giảm. Tổng biên độ tăng từ cuối tháng 3 đến nay của mã này đạt 37%, giúp thị giá SAB lên 157.600 đồng so với đáy gần nhất là 115.000 đồng.

Đánh giá tác động lên chỉ số chính, ngành ngân hàng chỉ có 3 mã tăng nhẹ gồm VCB, STB, HDB. Do đó, ngành này góp phần khá ít lên VN-Index với 0,4 điểm ảnh hưởng.

Các cổ phiếu VJC, SAB với mức tăng giá ấn tượng đã góp vào chỉ số chính lần lượt 0,8 điểm và 0,85 điểm ảnh hưởng.

Theo thông báo mới từ các hãng hàng không, từ hôm nay, Vietjet, Vietnam Airlines đồng loạt tăng tần suất khai thác đường bay giữa Hà Nội và TP HCM theo sự điều hành, cấp phép của Cục Hàng không Việt Nam.

Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 17% về lượng và 13% về giá trị so với phiên trước, đạt 250,9 triệu đơn vị, tương ứng với 4,02 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 33,9 triệu đơn vị, giá trị gần 1 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, mã ROS (đứng giá) với 14,4 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là ITA (tăng trần) với 10 triệu đơn vị và STB (+0,2%) đạt 7,6 triệu đơn vị.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 13 liên tiếp với 179,23 tỷ đồng, tương đương 5,41 triệu đơn vị, giảm 3% về giá trị nhưng tăng 20% về lượng so với phiên trước.

Trong đó, VRE dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 19,8 tỷ đồng, tương đương 759,6 nghìn đơn vị.

Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất vẫn là VIC với 40,29 tỷ đồng, tương đương 421,95 nghìn đơn vị, ghi nhận phiên thứ 12 bán ròng liên tiếp. Tiếp đó, VNM bị bán ròng 35,8 tỷ đồng, BID bán ròng 24,2 tỷ đồng, VHM với 13 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch hôm nay, bốn mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, C47 (Xây dựng 47; đóng cửa giá trần) tăng 7,2 lần; TLH (Tập đoàn Thép tiến lên; giá trần) tăng 5,3 lần; VRC (Bất động sản và đầu tư VRC; giá trần) tăng 4,4 lần; HTT (Thương mại Hà Tây) tăng 4,1 lần.

HNX –  Thoát sắc đỏ

Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ số HNX-Index đã dành tới 2/3 thời gian của phiên hôm nay để giằng co dưới mốc tham chiếu. Cho đến cuối phiên, chỉ số này mới quay về mốc tham chiếu và đóng cửa ở 108,75 điểm, tăng 0,42 điểm (+0,38%), với 45 mã tăng giá và 32 mã giảm giá.

PVI (+5,86%), ACB (+0,99%) và VCS (+1,72%) là ba mã góp phần nhiều nhất vào đà tăng của chỉ số HNX-Index với lần lượt 0,26 điểm, 0,16 điểm và 0,1 điểm ảnh hưởng.

Khối lượng giao dịch giảm 34% về lượng và 35% về giá trị so với phiên trước, đạt 40,9 triệu đơn vị, tương ứng với 0,46 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Trong đó, PVX (đứng giá) dẫn đầu sàn khi đạt 4,86 triệu đơn vị. PVS (+0,8%) theo sau với 4,5 triệu đơn vị, SHB (-0,6%) đạt 2,6 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 16,7 tỷ đồng, tương đương 1,24 triệu đơn vị, tăng 97% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 14 mã và mạnh nhất là WCS được mua ròng 140 triệu đồng, tương đương 900 đơn vị.

Trong khi đó, khối này bán ròng 28 mã và mạnh nhất là SHB đạt 6,9 tỷ đồng, tương đương 386,8 nghìn đơn vị.

Trên sàn HNX hôm nay, hai mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, HOM (CTCP Xi măng Vicem Hoàng Mai) tăng 11,1 lần; LIG (CTCP Licogi 13) tăng 5,3 lần.

Bình luận cuối phiên

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index kết phiên ngay trên ngưỡng kháng cự quanh 780 điểm (fibonacci retracement 38,2% của nhịp giảm từ đầu năm), nên áp lực bán chốt lời trong phiên tại vùng này là tương đối mạnh.

Lực cầu từ nhà đầu tư trong nước tỏ ra khá yếu với việc thanh khoản có sự suy giảm xuống dưới mức trung bình 20 phiên. Việc khối ngoại bán ròng với khoảng 195 tỷ đồng trên hai sàn tiếp tục là điểm nhấn tiêu cực.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 kỳ hạn tháng 5 tăng mạnh so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó thu hẹp basis âm xuống còn 24,07 điểm, điều này cho thấy nhà đầu tư vẫn nghiêng về khả năng thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh sắp tới.

SHS dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần 17/4, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc quanh ngưỡng kháng cự 780 điểm (fibonacci retracement 38,2% của nhịp giảm từ đầu năm).

Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao sau khi đã giảm tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường tiến đến ngưỡng 780 điểm trong phiên hôm nay nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể tận dụng những nhịp hồi phục để tiếp tục hạ tỷ trọng cổ phiếu. Đối với những nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao nên hạn chế giải ngân trong giai đoạn này do rủi ro thị trường giảm trở lại là hiện hữu.

>> Chứng khoán ngày 15/4: VN-Index thử ngưỡng kháng cự 780 điểm

Next Post

Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 17/4: CEE, POM vào diện cảnh báo

T6 Th4 17 , 2020
Ngày 16/4, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có quyết định đưa cổ phiếu của CTCP Thép Pomina (POM – HOSE) vào diện cảnh báo kể từ ngày 23/4/2020.
Copyright All right reserved

Chuyên mục