Ngoài ASM, thị trường trong phiên chiều xuất hiện thêm điểm nóng, dòng tiền cũng hoạt động tích cực hơn giúp VN-Index đóng cửa với sắc xanh nhạt.
>> Quỹ đầu tư từ Trung Quốc dồn dập đổ tiền vào chứng khoán Việt Nam
Trong phiên giao dịch sáng nay, nhà đầu tư trong nước thận trọng theo giới đầu tư quốc tế chờ đợi các thông tin quan trọng từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và một số ngân hàng trung ương về chính sách tiền tệ khiến thị trường lình xình trong biên độ hẹp, thanh khoản giảm so với phiên trước.
Tuy nhiên, không vì thế mà thị trường không có những điểm nóng và trong phiên sáng nay đó là ASM khi tăng trần lên 7.970 đồng với thanh khoản hơn 7,5 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần.
Cùng với ASM, PVD cũng có phiên giao dịch tích cực sáng nay khi đứng đầu về thanh khoản và đóng cửa tăng 2,25% lên 11.350 đồng.
Bước vào phiên chiều, sức nóng của ASM không những hạ nhiệt mà còn nóng hơn khi tiền ồ ạt được tung vào trong khi lực cung cạn kiệt, khiến ASM vẫn an vị ở mức trần, nhưng thanh khoản thấp hơn nhiều so với phiên sáng, chỉ có thêm hơn 100.000 đơn vị được khớp trong cả phiên chiều, lên 7,66 triệu đơn vị, trong khi lượng dư mua trần lên tới hơn 1 triệu đơn vị, chưa kể lượng dư mua ATC.
PVD vẫn giữ được phong độ với giao dịch khá sôi động và giá chỉ giằng co quanh mức giá đóng cửa của phiên sáng và chốt phiên chiều cũng ở mức giá này (11.350 đồng) với 9,26 triệu đơn vị được khớp.
Với diễn biến chung, không có nhiều thay đổi khi VN-Index chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu, số mã tăng, giảm dần đưa về thế cân bằng. Tuy nhiên, nhờ 3 mã vốn hóa lớn nhất thị trường là VIC, VCB và VHM đảo chiều thành công, nên VN-Index có sắc xanh nhạt khi chốt phiên chứng khoán ngày 16/9.
Chốt phiên, VN-Index tăng 1,21 điểm (+0,14%), lên 897,47 điểm với 183 mã tăng và 198 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 290,4 triệu đơn vị, giá trị 5.049,8tỷ đồng, giảm 24% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 27,6 triệu đơn vị, giá trị 650,8 tỷ đồng.
Ba đại gia VIC, VCB, VHM đảo chiều thành công, nhưng mức tăng của rất nhẹ chỉ trên dưới 0,5%, trong đó VHM khớp trên 1 triệu đơn vị.
Các mã khác cũng chỉ giảm trên dưới 0,5% hoặc về giá tham chiếu. Giảm mạnh nhất vẫn là BCM giảm 2,43% xuống 42.100 đồng, trong khi PLX lại bật mạnh khi đóng cửa tăng 2,63% lên 50.800 đồng.
Trong nhóm này, mã có thanh khoản tốt nhất vẫn là STB với hơn 10 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HOSE, đóng cửa giảm 0,43% xuống 11.550 đồng. Ngoài ra, HPG cũng có giao dịch sôi động khi khớp 6,9 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 24.700 đồng.
Trong khi ASM là tâm điểm chú ý của phiên sáng, thì sang phiên chiều, HSG trở thành điếm nhấn khi bất ngờ có giao dịch rất sôi động. Dòng tiền ồ ạt được tung vào kéo mã này lên mức trần 13.900 đồng, dù phiên sáng biến động nhẹ. Tuy nhiên, không như ASM, lực cung tại HSG lại khá lớn khiến mã này không thể giữ được mức trần khi đóng cửa phiên chiều nay, bù lại đây lại là cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất, vượt trội so với phần còn lại, gấp hơn 2 lần so với mã đứng thứ 2 về thanh khoản.
Cụ thể, chốt phiên chứng khoán ngày 16/9, HSG tăng 6,15% lên 13.800 đồng, khớp 20,59 triệu đơn vị, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua trong hơn 1,36 triệu đơn vị.
Trong khi đó, trên HNX, chỉ số chính của sàn này lại bị đẩy lùi khá mạnh, xuyên đáy của phiên sáng trong nửa đầu phiên chiều trước khi được kéo trở lại vào nửa cuối phiên, nhưng không kịp về được điểm xuất phát.
Chốt phiên chứng khoán ngày 16/9, HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,04%), xuống 127,87 điểm với 80 mã tăng và 78 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 64 triệu đơn vị, giá trị 847,3 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% về khối lượng, nhưng tăng mạnh 20% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 11 triệu đơn vị, giá trị 326 tỷ đồng.
Trên sàn này, PVS vẫn là mã có thanh khoản lớn nhất với tổng khớp 9,58 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,2% lên 12.900 đồng đúng bằng mức giá của phiên sáng.
Trong khi đó, cũng có giao dịch sôi động là DST với tổng khớp hơn 6 triệu đơn vị, nhưng biến động giá lại trái ngược với PVS khi đóng cửa ở mức sàn 4.700 đồng và còn dư bán sàn hơn 0,7 triệu đơn vị.
Trong các mã lớn, ngoài PVS, có mức tăng tốt sáng nay trong nhóm cổ phiếu lớn trên sàn HNX còn có VIF tăng 4,22% lên 17.300 đồng, THD tăng 3,68% lên 81.700 đồng, VCG đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 0,84% lên 36.000 đồng, NTP cũng đảo chiều tăng 0,92% lên 33.000 đồng, NVB cũng đảo chiều tăng 2,35% lên 8.700 đồng. Tuy nhiên, ngoài NVB có thanh khoản tốt 3,4 triệu đơn vị, các mã còn lại có thanh khoản rất thấp.
Trong khi đó, cả 2 mã vốn hóa lớn nhất sàn là ACB, SHB đều giảm giá với mức giảm lần lượt 0,47% xuống 21.200 đồng và 1,38% xuống 14.300 đồng và đều khớp trên 2 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, chỉ số chính của sàn này cũng chỉ dao động trong sắc xanh suốt phiên, nhưng biên độ hẹp và thấp hơn phiên sáng, nhưng đóng cửa lại nhỉnh hơn phiên sáng.
Chốt phiên chứng khoán ngày 16/9, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,33%), lên 59,76 điểm với 110 mã tăng và 80 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,7 triệu đơn vị, giá trị 396 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,39 triệu đơn vị, giá trị 63,5 tỷ đồng.
Sau khi gây chú ý phiên sáng, trong phiên chiều, cổ phiếu TLP gần như bất động và đóng cửa ở mức tham chiếu 10.100 đồng, nhưng không phản ánh chính xác cán cân cung cầu. Thanh khoản vẫn đứng yên như phiên sáng với 7,99 triệu đơn vị, dù vậy vẫn đứng đầu thị trường.
Trong các mã lớn đáng chú ý, LPB vẫn giữ được phong độ về thanh khoản với 4,8 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 9.900 đồng. BSR khớp 1,9 triệu đơn vị và đóng cửa cũng ở mức tham chiếu 6.800 đồng. OIL tăng 2,56% lên 8.000 đồng, khớp 1,26 triệu đơn vị.
Một mã khác có thanh khoản tốt sáng nay là G36 với 1,8 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 7,27% lên 5.900 đồng. KSH tăng trần lên 900 đồng, khớp 1,1 triệu đơn vị. Một số mã tí hon khác cũng tăng trần hôm nay là ATB, PVV, VHG, VNH.
Trên thị trường phái sinh, tất cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng theo VN30 và đều tăng mạnh hơn. Cụ thể, VN30-Index tăng 0,14% lên 834,5 điểm, còn VN30F2009 đáo hạn ngày mai 17/9 tăng 0,19% lên 834,6 điểm với 56.137 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 27.616 hợp đồng. Thanh khoản phiên này khá thấp trước ngày đáo hạn.
Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng vẫn giữ ở con số 33 mã như phiên sáng, trong khi số mã giảm ít hơn 1 mã, còn 46 mã giảm, trong đó CVRE2001 từ mức giảm 50% xuống sàn 10 đồng/chứng quyền trong phiên sáng, đã bật ngược tăng 50% lên 30 đồng/chứng quyền khi đóng cửa phiên chiều với 411.440 đơn vị được chuyển nhượng. Trong khi đó, CHPG2017 đã vượt qua CMWG2008 trở thành mã có thanh khoản tốt nhất hôm nay với 491.010 đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 7,69% xuống 600 đồng/chứng quyền. CMWG2008 có 416.910 đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa tăng 12,84% lên 1.230 đồng.
(Theo ĐTCK)