Thị trường chứng khoán ngày 21/4 chứng kiến chỉ số VN-Index ‘bốc hơi’ 28 điểm sau 6 phiên tăng liên tiếp. Sụt giảm ‘thảm hại’ của giá dầu thô thế giới được cho là nguyên nhân chính.
HOSE – Kết thúc chuỗi 6 phiên tăng điểm liên tiếp
Thông tin được thị trường quan tâm nhiều nhất sáng nay là sự sụt giảm ‘thảm hại’ của giá dầu thô thế giới, đặc biệt giá dầu thô WTI kỳ hạn tháng 5 của Mỹ rơi vào ‘vùng âm’ vào đêm qua. Điều này đã khiến nhóm cổ phiếu dầu khí chịu áp lực chốt lời lớn và giảm giá mạnh từ sớm, trong đó, PVD và PVT có thời điểm chạm sàn trong phiên giao dịch hôm nay.
Chỉ sau 20 phút giao dịch, chỉ số VN-Index rớt xuống vùng 781 điểm, thấp hơn 13 điểm (-1,56%) so với tham chiếu. Sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử với 252 mã giảm giá. Rổ VN30 có tới 29 mã giảm giá, trong đó, ROS dẫn đầu giảm sàn và PLX giảm 5%. Duy nhất SAB tăng trần và trở thành trụ đỡ “cô đơn” kìm hãm đà giảm của thị trường.
Dòng tiền bắt đáy gia tăng trước ngưỡng hỗ trợ tâm lý 780 điểm giúp chỉ số chính đảo chiều đi lên sát mốc 790 điểm, tăng trở lại gần 9 điểm so với đáy trước đó vào lúc 10h. Điểm tựa thị trường lúc này vẫn là SAB. Tiếc rằng, do áp lực chốt lời quá lớn, VN-Index lại một lần nữa mất đà cho đến hết phiên sáng và tạm dừng tại 768,7 điểm, giảm 26,27 điểm (-3,3%) so với tham chiếu.
Giá trị giao dịch phiên sáng nay tăng ‘đột biến’ 26% so với sáng qua và đạt 3,53 nghìn tỷ đồng, tương đương 239,5 triệu đơn vị.
Đến chiều, đà giảm vẫn tiếp tục với áp lực xả hàng ngày càng mạnh ở nhiều nhóm cổ phiếu, VN-Index rớt xuống vùng 761 điểm, thấp hơn gần 33 điểm (-4,1%) so với tham chiếu, tạo đáy thấp nhất trong ngày. Thị trường chìm trong sắc đỏ với hơn 320 mã giảm giá, gấp 8 lần số mã tăng. Dòng tiền chảy mạnh ở mức giá thấp. Chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 766,84 điểm, giảm 28,13 điểm (-3,54%) so với tham chiếu.
Chốt phiên hôm nay có 56 mã tăng và 312 mã giảm giá, trong đó, 7 mã tăng trần và 59 mã giảm sàn.
Rổ VN30 đều giảm giá, trong đó, sáu mã giảm sàn gồm CTD, PLX, ROS, SBT, VPB, VRE. Nhóm giảm trên 5% gồm BID, GAS, CTG, MBB, MWG, HDB, STB, REE, SSI.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm ngân hàng phần lớn đều giảm trên 4% trừ VCB và EIB giảm nhẹ chưa đến 1%. Tổng cộng, ngành này đã góp vào đà giảm của VN-Index 7,8 điểm ảnh hưởng.
Nhóm cổ phiếu Vingroup gồm VIC giảm 3,33%, VRE giảm sàn và VHM giảm dưới 1%, đã góp vào đà giảm của chỉ số chính 4,8 điểm ảnh hưởng.
Hai cổ phiếu lớn ngành dầu khí gồm GAS và PLX đã tạo áp lực lên chỉ số chính 3,5 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch hôm nay tăng 18% cả về lượng và giá trị so với phiên trước, đạt 397,4 triệu đơn vị, tương ứng với 6,1 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,9 triệu đơn vị, tương đương 1 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã ROS (giảm sàn) với 24,4 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là STB (-5,9%) với 16,2 triệu đơn vị và ITA (đứng giá) đạt 12,6 triệu đơn vị.
Khối ngoại bán ròng phiến thứ 16 liên tiếp
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 16 liên tiếp với 210,6 tỷ đồng, tương đương 13,6 triệu đơn vị, giảm 38% về giá trị và 10% về lượng so với phiên trước.
Trong đó, HPG tiếp tục dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 60,47 tỷ đồng, tương đương 2,92 triệu đơn vị. VHM theo sau được mua ròng hơn 28 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là BID với 36,3 tỷ đồng, tương đương hơn 1 triệu đơn vị. STB theo sau bị bán ròng 33 tỷ đồng. VIC bị bán ròng 32 tỷ đồng, ghi nhận phiên thứ 15 bán ròng liên tiếp.
Trong phiên giao dịch hôm nay, 11 mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, VRC ( Bất động sản và đầu tư VRC) tăng 12 lần; SJF (Đầu tư Sao Thái Dương; đóng cửa giá trần) tăng 7,4 lần; MCG (Cơ điện và xây dựng Việt Nam; đóng cửa giá sàn) tăng 6,5 lần; FRT (Bán lẻ kỹ thuật số FPT) tăng 5,9 lần;
KSB (Khoáng sản và xây dựng Bình Dương) tăng 5,3 lần; DHC (Đông Hải Bến Tre) tăng 5,2 lần; BCE (Xây dựng và giao thông Bình Dương) tăng 5 lần; VPH (Vạn Phát Hưng) tăng 4,7 lần; ELC (Đầu tư phát triển công nghệ điện tử – viễn thông) tăng 4,5 lần; APC (Chiếu xạ An Phú; giá trần) tăng 4,2 lần; CSM (Công nghiệp cao su miền Nam) tăng 4 lần.
HNX – Tụt xuống mức thấp nhất trong 9 phiên qua
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ số HNX-Index liên tục lao dốc cho đến khi đóng cửa tại 104,7 điểm, giảm 4,99 điểm (-4,55%), với 24 mã tăng giá và 58 mã giảm giá. Đây là mức thấp nhất trong 9 phiên qua.
SHB (-9,77%) và ACB (-4,35%) là hai mã góp phần nhiều nhất vào đà giảm của chỉ số HNX-Index với lần lượt 1,25 điểm và 0,7 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch tăng 8% về lượng và 6% về giá trị so với phiên trước, đạt 78 triệu đơn vị, tương ứng với 0,73 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, HUT (đứng giá) dẫn đầu sàn khi đạt 10,4 triệu đơn vị. PVS (-9,3%) theo sau với 10,3 triệu đơn vị, KLF (+6,7%) đạt 9,4 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 30,4 tỷ đồng, tương đương 5,4 triệu đơn vị, giảm 12% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 26 mã và mạnh nhất là VCS được mua ròng 781 triệu đồng, tương đương 13 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 23 mã và mạnh nhất là SHB đạt 15,4 tỷ đồng, tương đương 964,9 nghìn đơn vị.
Trên sàn HNX hôm nay, năm mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, APS (CTCP Chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương) tăng 12 lần; SCI (CTCP SCI E&C; đóng cửa giá trần) tăng 7,6 lần; HHG (CTCP Hoàng Hà; đóng cửa giá sàn) tăng 4,8 lần; ACM (CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường) tăng 4,7 lần; PVC (Tổng CTCP Dung dịch khoan và hóa chất dầu khí; giá sàn) tăng 4,5 lần.
Bình luận cuối ngày
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm và có thể lùi về vùng hỗ trợ 700-730 điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, có thể sẽ xuất hiện các phiên hồi phục kỹ thuật đan xen trong quá trình giảm điểm.
Do đó, công ty này khuyến cáo nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 15-20% cổ phiếu. Sau khi đã thực hiện bán chốt lời tại vùng 790-820 điểm, nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài quan sát. Đối với các nhà đầu tư vẫn còn các vị thế ngắn hạn, có thể tận dụng các nhịp bulltrap trong một vài phiên kế tiếp để canh bán.
Còn công ty chứng khoán MB (MBS) đánh giá, thị trường điều chỉnh giảm là điều đã được giới đầu tư chờ đợi vì sau hơn 3 tuần tăng liên tiếp, các cổ phiếu đã có mức tăng bình quân từ 20 đến 30% sẽ kích thích các nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận.
Đây cũng là phiên điều chỉnh rõ nét nhất kể từ cuối tháng 3 khi thị trường bước vào đợt tăng ngắn vừa qua, nguyên nhân có thể đến từ yếu tố kỹ thuật và giá dầu sụt giảm mạnh đêm qua.
Thanh khoản được đẩy lên mức cao nhất 1,5 năm và luôn có những ý kiến trái chiều giữa người bán và người mua. Dẫu vậy thì điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp.
>> Chứng khoán ngày 20/4: SAB tiếp tục dẫn dắt giúp VN-Index tiến sát mốc 800 điểm