Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 30/9 của các công ty chứng khoán như MBS, BSC, Bản Việt (VCSC).
>> Chứng khoán Việt Nam đang bị định giá thấp
Khuyến nghị mua đối với MWG với giá mục tiêu 137.800 đồng/cổ phiếu
CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) thử nghiệm thành công và bắt đầu mở rộng mô hình Điện Máy Xanh Supermini nhằm khai thác nhu cầu thị trường chưa được đáp ứng tốt ở huyện, xã, thị trấn vùng sâu vùng xa.
Tính đến 31/8/2020, có 19 cửa hàng Điện Máy Xanh Supermini, ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, và Hậu Giang, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt 1.2 tỷ đồng/tháng, đóng góp cho MWG gần 40 tỷ đồng doanh thu lũy kế tính đến cuối tháng 8.
Doanh thu trên mỗi cửa hàng Bách hóa xanh tăng từ 1.1 tỷ lên 1.2 tỷ/ tháng. Tổng doanh thu của chuỗi Bách hóa xanh trong tháng 8 tăng 80% so với cùng kì năm ngoái. Sau khi hoàn thành kế hoạch mở 100 cửa hàng/tháng trong 6 tháng đầu năm, kể từ tháng 7, Bách hóa xanh tập trung nâng cao chất lượng doanh số trên mỗi cửa hàng.
Tung ra thị trường mô hình Bách hóa xanh “5 tỷ” diện tích 500 m2 và mục tiêu doanh số 5 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Tính đến 31/8/2020, MWG đã mở 25 cửa hàng BHX “5 tỷ”, doanh thu mang về đáng ấn tượng, trung bình 4 tỷ đồng/tháng/cửa hàng, có cửa hàng doanh thu lên tới 5,5 tỷ đồng/tháng.
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG và điều chỉnh tăng giá mục tiêu từ 129.000 lên 137.800 đồng/cổ phiếu so với báo cáo gần nhất. Chúng tôi thực hiện đánh giá lại tình hình kinh doanh của công ty và dự báo doanh thu có thể đạt 119.235 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế tăng lên 5.509 tỷ đồng, lần lượt tăng 16,7% và 10,7% thực hiện của năm 2019.
Khuyến nghị nắm giữ TPB với giá mục tiêu 25.400 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 2.034 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2019 nhờ tăng trưởng mạnh ở cả thu nhập lãi thuần (tăng 30%) và thu nhập ngoài lãi (tăng 23%); lợi nhuận đạt 50% kế hoạch và 45% dự phóng của chúng tôi.
Chi phí dự phòng nợ xấu đã tăng mạnh 49% trong 6 tháng năm 2020 do tác động của dịch Covid-19. Dự kiến lợi nhuận cả năm của TPB tăng trưởng 17% so với năm 2019 do tăng trưởng tín dụng tích cực, đẩy mạnh mảng đầu tư trái phiếu và hạn chế nợ xấu.
Chúng tôi đưa ra khuyến nghị nắm giữ TPB với giá mục tiêu 25.400 đồng/CP (7% upside) với phương pháp so sánh P/B và chiết khấu thu nhập thặng dư (RI), với mức P/B hiện thời của ngân hàng là 1.2x.
Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu VNM nằm tại mức 120.5
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam đang ở trong trạng thái tiếp tục tăng giá sau khi đã có nhịp điều chỉnh vào nửa cuối tháng 7 do ảnh hưởng của làn sóng Covid thứ hai. Hôm nay, thanh khoản tăng cao đã đẩy giá cổ phiếu tăng khá ấn tượng 3.7%.
Các chỉ báo xu hướng hiện đều ủng hộ cho trạng thái tích cực của VNM. Tuy nhiên, do chỉ báo RSI đã đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có thể sẽ xuất hiện sự điều chỉnh trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VNM nằm tại xung quanh giá 107. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 120.5, cắt lỗ nếu mốc 98.5 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị khả quan dành cho DRC
CTCK Bản Việt (VCSC)
Theo nguồn truyền thông trong nước, tại cuộc họp giữa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HSX: GVR) và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), GVR cho biết công ty đang cân nhắc gia tăng tỷ trọng trong mảng sản xuất sản phẩm cao su thông qua việc thâu tóm các công ty con của Vinachem – các công ty có thương hiệu và công suất sản xuất mạnh mẽ trong ngành sản xuất lốp xe.
Vinachem có 3 công ty con lớn đã niêm yết hoạt động trong ngành sản xuất lốp xe: CTCP Cao su Đà Nẵng (HSX: DRC), CTCP Cao su Sao Vàng (HSX: SRC) và CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (HSX: CSM).
Chúng tôi cho rằng diễn biến này là tích cực cho các công ty con của Vinachem – đặc biệt là DRC vì công ty có thương hiệu phổ biến trong mảng lốp xe tải và có thể là mục tiêu cho các hoạt động M&A sắp tới của GVR.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho DRC với tổng mức sinh lời dự phóng 4,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,2%.
(Theo ĐTCK)