Diễn biến dịch Covid-19 ngày 22/3…
13:27 22/03
Bệnh ‘viêm phổi lạ’ xuất hiện ở Italy từ tháng 11
Vnexpress dẫn nguồn tin từ SCPM cho biết, bệnh “viêm phổi lạ” xuất hiện ở vùng Lombardy, miền bắc Italy tháng 11/2019, trước khi các bác sĩ biết dịch ở Trung Quốc, theo bác sĩ hàng đầu Italy.
“Các bác sĩ đa khoa nhớ rằng họ đã nhận thấy bệnh viêm phổi rất lạ, rất nghiêm trọng, đặc biệt ở người cao tuổi, từ tháng 12, thậm chí tháng 11 năm ngoái”, Giuseppe Remuzzi, giám đốc Viện nghiên cứu Dược lý Mario Negri ở Milan, cho biết trong cuộc phỏng vấn với National Public Radio của Mỹ cuối tuần qua. “Điều này có nghĩa virus đã xuất hiện, ít nhất ở vùng Lombardy, và từ trước khi chúng tôi biết dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc”.
Bình luận của Remuzzi được đưa ra khi các nhà khoa học tiếp tục tìm kiếm nguồn gốc virus. Chuyên gia về bệnh hô hấp ở Trung Quốc Zhong Nanshan trước đó cho biết dù Trung Quốc là nước đầu tiên báo cáo mầm bệnh, vẫn chưa chắc chắn virus thực sự đến từ đâu.
Remuzzi nói rằng chỉ gần đây ông mới nghe các bác sĩ Italy nói về dịch bệnh, điều đó có nghĩa nó đã tồn tại và lây lan mà con người không biết. Lombardy ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại địa phương vào ngày 21/2, nhưng trước đó khu vực này đã ghi nhận các ca ngoại nhập.
Italy hiện ghi nhận hơn 59.000 ca nhiễm và hơn 5.400 ca tử vong, là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới với vùng Lombardy chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi đó, Trung Quốc ghi nhận hơn 81.000 ca nhiễm và hơn 3.200 ca tử vong.
13:18 22/03
Bác sĩ đầu tiên ở Việt Nam bị lây nhiễm chéo, số người nhiễm Covid-19 tăng lên 116 người
Một bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được xác định dương tính Covid-19, là nhân viên y tế đầu tiên ở Việt Nam bị lây nhiễm chéo, sáng 23/3 và “bệnh nhân 116”. Bệnh nhân này là nam 29 tuổi, làm việc tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2, Đông Anh.
Bác sĩ tham gia chống dịch từ ngày 31/1 với các công việc: Khám sàng lọc các bệnh nhân nghi nhiễm đến bệnh viện, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính và cấp cứu một số bệnh nhân nặng.
Trong quá trình làm việc, bác sĩ được cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân. Sau giờ làm việc, bác sĩ nghỉ và sinh hoạt ở khu vực cách ly dành cho nhân viên y tế trong bệnh viện.
Ngày 19/3, nam bác sĩ xuất hiện triệu chứng đau rát họng. Ngày 20/3, anh có thêm triệu chứng ho, đau mỏi cơ, sốt. Hôm sau, bác sĩ tự cách ly tại khu vực đệm của khoa Cấp cứu, kết quả xét nghiệm tại bệnh viện dương tính với Covid-19 và gửi mẫu bệnh phẩm sang viện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Các nhân viên y tế cùng làm việc với nam bác sĩ đã được đưa vào diện giám sát. Xét nghiệm lần đầu ngày 21/3 tất cả nhân viên này âm tính với Covid-19. Hiện tại bệnh nhân được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khỏe ổn định.
Hai ca còn lại, gồm:
“Bệnh nhân 114”, nam, 19 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội. Bệnh nhân là du học sinh Việt Nam tại Hà Lan về nước ngày 15/3 trên chuyến bay SQ176 (quá cảnh tại Singapore).
“Bệnh nhân 115”, nữ, 44 tuổi sống tại Czech. Bệnh nhân là con gái của “bệnh nhân 94”, một trong 5 người cùng một gia đình từ Czech về Việt Nam trên chuyến bay SU290.
13:14 22/03
Nhật có thể hoãn Olympic 2020
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay (23/3) phát biểu trước quốc hội rằng Nhật vẫn cam kết tổ chức một Thế vận hội “viên mãn”, nhưng thêm rằng “nếu điều đó trở nên khó khăn, việc chúng ta phải hoãn sự kiện có thể không tránh khỏi, bởi chúng ta phải đặt an toàn của các vận động viên lên trên hết”.
Đây là lần đầu tiên ông Abe thừa nhận khả năng Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 có thể không được khai mạc vào ngày 24/7 như dự kiến, khi Covid-19 tiếp tục lan rộng và diễn biến phức tạp trên thế giới.
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cũng thay đổi quan điểm khi nói rằng họ sẽ thúc đẩy việc lên kế hoạch cho các kịch bản khác nhau, kể cả hoãn Olympic 2020.
“Hủy kỳ Olympic này không phải một lựa chọn”, Thủ tướng Abe nói, lặp lại ý kiến từ người đứng đầu IOC Thomas Bach. Bach trước đó nói rằng Olympic không thể bị hoãn như một trận bóng đá và việc trì hoãn “sẽ không giải quyết bất kỳ vấn đề nào và không giúp ích cho ai”.
IOC chịu trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng về Thế vận hội. Ủy ban chịu áp lực ngày càng tăng từ các vận động viên và hiệp hội thể thao trên toàn thế giới về việc hoãn Thế vận hội mùa hè 2020 do ảnh hưởng của Covid-19. Canada cũng đang hối thúc hoãn Thế vận hội và cho biết sẽ không gửi vận động viên tới tham dự.
13:12 22/03
Thủ tướng Đức Angela Merkel bị cách ly vì tiếp xúc với người nhiễm Covid-19
Phát ngôn viên Chính phủ liên bang Đức Steffen Seibert cho biết: “Sau cuộc họp báo ngày 22/3, bà Angela Merkel đã được thông báo về tình trạng dương tính với virus corona của bác sỹ tiếp xúc với bà hôm thứ Sáu vừa qua. Người này đã thực hiện tiêm vắc xin ngừa phế cầu cho Thủ tướng”.
“Thủ tướng Đức đã quyết định tự cách ly và vẫn sẽ tiến hành những công việc hàng ngày từ nhà riêng. Trong thời gian tới, bà sẽ phải chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 và sẽ được kiểm tra sức khỏe thường xuyên”.
Mặc dù bà Merkel vẫn chưa xuất hiện triệu chứng nào, tuy nhiên trước sự bùng phát lây lan mạnh mẽ của virus corona tại khắp châu Âu, quyết định thận trọng tự cách ly được xem là đúng đắn và cần thiết.
Trước đó vào ngày 18/3, Thủ tướng Angela Merkel đã có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình kêu gọi tất cả người dân Đức chung tay khắc phục dịch Covid-19. Nhà lãnh đạo Đức mô tả cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra là thách thức lớn nhất đối với nước Đức kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.
13:10 22/03
Trung Quốc ba ngày không thêm ca nhiễm Covid-19 ‘nội địa’
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay (23/3) cho hay số ca nhiễm mới Covid-19 ở Trung Quốc ngày 22/3 giảm so với một ngày trước đó, từ 46 ca xuống còn 39 ca, tất cả đều có nguồn gốc nước ngoài, song không nói rõ quốc tịch của những người này.
Tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc đại lục tính đến nay là 81.093, trong đó số người chết là 3.270, tăng 9 ca so với một ngày trước.
Đây là ngày thứ ba liên tiếp NHC không phát hiện bất cứ ca nhiễm mới Covid-19 nào trong nội địa Trung Quốc. Trước đó, nước này chỉ ghi nhận một ca nhiễm mới “nội địa” vào ngày 21/3. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn Covid-19 ở Trung Quốc.
Trung Quốc tuyên bố về cơ bản đã khống chế được sự lây lan của Covid-19. Một số khu vực của tỉnh Hồ Bắc gần đây đã nới hạn chế đi lại, một số thành phố nhỏ cũng cho phép những người khỏe mạnh trở về quê hoặc quay lại làm việc.
Tuy nhiên, tình trạng ngoại nhập Covid-19 ngày càng gây lo ngại, có thể đe dọa toàn bộ nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của nước này. 10 tỉnh thành của Trung Quốc đang áp đặt biện pháp cách ly bắt buộc với người đến từ nước ngoài nhằm ngăn Covid-19 “nhập ngược”.
>> Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo Thường vụ Quốc hội diễn biến dịch Covid-19
13:07 22/03
Thượng nghị sĩ Mỹ Rand Paul dương tính với Covid-19
Ngày 22/3, Thượng nghị sỹ Rand Paul cho biết ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trở thành thượng nghị sỹ Mỹ đầu tiên tuyên bố mắc bệnh này.
Tài khoản mạng xã hội Twitter chính thức của ông Rand Paul thông báo: “Thượng nghị sỹ Rand Paul đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Ông ấy cảm thấy ổn và đang được cách ly. Ông ấy không có triệu chứng và được xét nghiệm để đề phòng sau khi đi lại nhiều nơi và tham dự nhiều sự kiện. Ông ấy không nhớ đã tiếp xúc trực tiếp với bất cứ người nào bị nhiễm bệnh.”
13:02 22/03
Nga điều 9 máy bay quân sự chở hàng hóa và y bác sỹ sang giúp Ý đối phó đại dịch Covid-19
Theo thông báo của Bô Quốc phòng Liên bang Nga, các máy bay Ilyushin Il-76 đã được tập hợp nhanh chóng từ các vùng Pskov, Ulyanovsk, Orenburg và nhóm phi hành đoàn cũng đã được thành lập.
Bộ Quốc phòng Nga sẽ cử khoảng 100 chuyên gia trong lĩnh vực dịch tễ học đến Ý để hỗ trợ cuộc chiến chống lại virus corona. Bên cạnh đó, Moscow cử thêm tám đội y bác sỹ và điều dưỡng cùng các trang thiết bị y tế và hệ thống khử trùng trong chuyến đi này.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã thông báo, thay mặt Tổng thống Vladimir Putin, cơ quan này đề ra chiến dịch trên không sẽ đưa 8 đội gồm các chuyên gia dịch tễ và bác sĩ quân đội Nga đến Ý vào ngày 22/3, cùng với đó là hệ thống khử trùng khí dung tự động và trang thiết bị y tế cần thiết.
Hôm thứ Bảy (21/3), Tổng thống Putin, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, đã cam kết sẵn sàng cung cấp và hỗ trợ nhân lực và trang thiết bị cần thiết cho Ý.
12:54 22/03
Hơn 32.000 ca mắc Covid-19, các bang của Mỹ được phép tuyên bố “thảm họa”
Theo Reuters, tại cuộc họp báo hôm qua 22/3, chủ nhân Nhà Trắng cho biết, ông đã đồng ý với các đề xuất của bang New York, Washington, California ban bố tình trạng thảm họa để tăng cường ứng phó dịch.
Việc ban bố tình trạng thảm họa cho phép các bang được chính phủ liên bang hỗ trợ ngân sách cũng như các biện pháp hỗ trợ khác để ứng phó với dịch Covid-19.
Tổng thống Trump cho biết thêm, ông đã chỉ đạo Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang cung cấp thêm trang thiết bị y tế cho 3 bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 nói trên.
Trong đó, New York sẽ được bổ sung thêm 4 trạm y tế liên bang với 1.000 giường bệnh, California được bổ sung 8 trạm với 2.000 giường, Washington được bổ sung 3 trạm y tế liên bang và 3 trạm quy mô nhỏ hơn với 1.000 giường.
12:53 22/03
Số ca nhiễm Covid-19 Tây Ban Nha vượt Mỹ
Bộ Y tế Tây Ban Nha hôm nay thông báo thêm 3.076 ca nhiễm Covid-19 và 394 ca tử vong, mức tăng tương đương 14,6% và 30% so với một ngày trước đó.Tây Ban Nha hiện ghi nhận 28.572 ca nhiễm và 1.720 ca tử vong, là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất châu Âu do Covid-19.
Với số liệu mới này, Tây Ban Nha đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm. Trước đó một ngày, Mỹ vượt qua quốc gia châu Âu này, đẩy Tây Ban Nha xuống vị trí thứ tư.
Lo ngại về tình trạng quá tải tại các bệnh viện Tây Ban Nha tăng lên khi 1.785 người đang được chăm sóc tích cực.
“Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần và tâm lý cho những ngày rất khó khăn phía trước”, Thủ tướng Pedro Sanchez hôm qua cảnh báo khi phát biểu trên truyền hình.
Tây Ban Nha đã phong tỏa toàn quốc sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày, bắt đầu từ 14/3.
Khoảng 46 triệu dân Tây Ban Nha phải ở nhà, chỉ ra ngoài để đi làm, mua thức ăn, đến hiệu thuốc, bệnh viện hoặc các trường hợp khẩn cấp khác.
Tất cả cửa hàng phải đóng cửa, trừ trạm xăng, hiệu thuốc, cửa hàng bán thực phẩm và nhu yếu phẩm. Khách hàng phải duy trì khoảng cách với nhau ít nhất một mét.
Toàn bộ quán bar, nhà hàng và quán cà phê phải đóng cửa nhưng được phép cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà.
12:50 22/03
Israel phát triển giải pháp AI dự báo khu vực lây lan virus Covid-19
Ngày 22/3, Viện Khoa học Weizmann (WIS) cho biết các nhà khoa học Israel đã phát triển một giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng dự báo về tình trạng lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Theo WIS, giải pháp trên có thể cho phép các cơ quan chức năng của bất cứ quốc gia nào tập trung các nỗ lực vào những khu vực được dự báo sẽ xảy ra tình trạng bùng phát dịch.
Giải pháp mới được các nhà nghiên cứu của WIS phối hợp với các nhà khoa học từ Đại học Do Thái Jerusalem, tổ chức y tế Clalit Health Services cùng Bộ Y tế Israel khởi xướng.
Theo WIS, sáng kiến này đã thu hút mối quan tâm lớn từ cộng đồng quốc tế.
Giải pháp AI – có khả năng năng giám sát, xác định và dự báo các khu vực lây lan của virus SARS-CoV-2 – dựa trên những câu hỏi ẩn danh dành cho công chúng và phân tích dữ liệu thu được từ các câu trả lời.
Những câu hỏi này theo dõi sự phát triển của các triệu chứng do virus gây ra, và phân tích dựa trên các thuật toán AI và dữ liệu lớn.
12:47 22/03
41 quốc gia châu Phi ghi nhận đã bị lây lan dịch bệnh Covid-19
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 22/3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết đến nay, đã có tổng cộng 1.198 ca nhiễm chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 ở 41 quốc gia thuộc châu lục này.
Theo CDC châu Phi, con số trên được cập nhật trong ngày 22/3 và hiện số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 đã lên tới 37 trường hợp ở 7 quốc gia trong khu vực.Cũng theo cơ quan này, Ai Cập hiện đứng đầu châu Phi với 294 trường hợp mắc Covid-19, Nam Phi đứng thứ hai với 240 bệnh nhân, và tiếp đó là Maroc với 104 trường hợp.