Đó là nhận định của công ty FiinGroup trong báo cáo thị trường cuối ngày hôm qua, 13/4. Theo đó, Giá trị giao dịch thỏa thuận trên HOSE lên đến 1.175 tỷ, cao hơn giá trị giao dịch bình quân 5 phiên trước đó 1,7 lần và tập trung vào 4 mã VHM (308 tỷ đồng), VIC (154 tỷ đồng), FPT (145 tỷ đồng), và VPB (100 tỷ đồng).
“Tay to” vững quan điểm đầu tư
“Về lý thuyết, giao dịch thỏa thuân lớn theo chúng tôi là dấu hiệu khá tốt cho tâm lý các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Bởi các “tay to” đã khá vững về quan điểm đầu tư thì mới có các giao dịch lớn như vậy ở mức giá đó”, theo FiinGroup.
Khi kiểm tra số liệu giao dịch thỏa thuận này theo các loại nhà đầu tư thì thấy như sau:
– VHM và VIC được thỏa thuận chủ yếu bởi nhà đầu tư trong nước. Các tổ chức nước ngoài trao tay thỏa thuận nhau lần lượt 4,8 tỷ và 8,3 tỷ và phần thỏa thuận còn lại (300 tỷ đồng của VHM và 149,8 tỷ đồng của VIC) được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước.
– FPT: toàn bộ 145 tỷ đồng giao dịch thỏa thuận bởi các tổ chức nước ngoài với nhau.
– Riêng VPB, nước ngoài thỏa thuận bán 380 triệu đồng được đối ứng mua bởi một tổ chức trong nước. Phần Thỏa thuận còn lại được thực hiện bởi các cá nhân trong nước.
Một diễn biến đáng chú ý khác trong phiên giao dịch ngày 13/4 là ngành hàng không có cổ phiếu HVN tăng trần lên 23.550 đồng với lượng dư mua lớn. HVN đã tăng 32,3% từ đáy 17.800 đồng ngày 30/3/2020 nhưng vẫn còn giảm 30,2% so với giá đầu năm.
Trong khi nước ngoài vẫn túc tắc bán ròng HVN thì các nhà đầu tư trong nước có lẽ vẫn kỳ vọng vào các biện pháp cứu trợ của Chính phủ và có thể nối lại đường bay nội địa sớm vào 16/4 tới đây.
Không chỉ khối ngoại, chính doanh nghiệp cũng bán ròng cổ phiếu quỹ
Trong phiên này, các nhà đầu tư tiếp tục bán ròng phiên thứ 10 liên tiếp với 247,6 tỷ đồng trên HOSE, 15,32 tỷ đồng trên HXN và 8,63 tỷ đồng trên UPCOM. Top bán ròng của khối ngoại hôm nay có VIC (83,9 tỷ đồng); HDB (50,8 tỷ đồng), MSN (20,5 tỷ đồng) và VPB (16,9 tỷ đồng). Điểm đáng chú ý là trong top 10 bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài có tới 5 cổ phiếu ngành ngân hàng.
Dòng tiền đối ứng cho bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài phiên này đến từ phía cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức trong nước. Cá nhân tiếp tục mua ròng 80 tỷ đồng trong khi đó tổ chức trong nước bán ròng 44,3 tỷ (nếu không tính tự doanh bán ròng 109 tỷ thì tổ chức trong nước cũng mua ròng 65 tỷ đồng).
Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng VIC 87,7 tỷ đồng đối ứng với 83,6 tỷ đồng nước ngoài bán ròng, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước mua ròng tổng cộng 40,6 tỷ đồng HDB đối ứng với nước ngoài bán ròng 49,9 tỷ đồng, tổ chức trong nước mua ròng 58,4 tỷ đồng BID đối ứng với nước ngoài bán ròng 58,3 tỷ đồng.
Mặc dù động lực hỗ trợ sự đi lên của thị trường trong thời gian gần đây chủ yếu là dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước.
“Điều này càng khẳng định không chỉ việc “tranh thủ” bán ròng của cổ động nội bộ như chúng tôi đề cập trong báo cáo hôm qua mà còn chính doanh nghiệp niêm yết cũng bán ròng 8,2 tỷ đồng cổ phiếu quỹ dù họ đã đăng ký mua ròng 2,204 tỷ đồng (tính đến hết ngày 13/4/2020)”, báo cáo của FiinGroup có đoạn. Lưu ý rằng trong tháng trước đó, doanh nghiệp niêm yết mua ròng 163 tỷ đồng cổ phiếu quỹ trong tháng 3 khi thị trường giảm mạnh.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý I có gì?
Trong một diễn biến khác liên quan đến kết quả kinh doanh quý 1-2020 của doanh nghiệp, theo tổng hợp của FiinGroup, tính đến ngày 13/4/2020, có 26 doanh nghiệp (chiếm 12,7% vốn hóa toàn thị trường) đã công bố chính thức hoặc sợ bộ kết quả kinh doanh cho Q1/2020.
Tổng doanh thu Q1/2020 của những doanh nghiệp này đạt 98,85 nghìn tỷ đồng, giảm 16,2% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận trước thuế giảm mạnh hơn rất nhiều, ở mức 62,6%, đạt 4,6 nghìn tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý là chỉ có 11/25 công ty có tăng trưởng doanh thu và 10/25 đơn vị có tăng trưởng lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ. Đây là điều không bất ngờ với giới đầu tư. Điều bất ngờ có lẽ là nhiều cổ phiếu dù lãi hay lỗ, dù tăng trưởng hay không thì cổ phiếu đã tăng mạnh khoảng 20-30% ở hầu hết các cổ phiếu lớn có vốn hóa từ 1 ngàn tỷ trở lên.
Có 3 nhóm cổ phiếu “ngôi sao” duy trì được tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận bao gồm: (i) nhóm công ty công nghệ như FPT và VLA; (ii) nhóm các công ty thực phẩm như DBC (nông nghiệp và chăn nuôi) và TAC; và (iii) nhóm khác như một số công ty vật liệu xây dựng hoặc xây lắp như Vicoston (VCS) và cả đơn bị bán lẻ như DGW.