HOSE – VN-Index lấy lại đà tăng
Phần lớn các cổ phiếu thuộc rổ VN30 đang tăng giá trở lại sau nhịp điều chỉnh nhẹ cuối tuần trước. Liên tục đi lên từ khi bắt đầu giao dịch, chỉ số VN-Index chạm đỉnh ở mức 774 điểm vào lúc 10h45, tăng 17 điểm (+2,2%) so với tham chiếu. Đây cũng là đỉnh duy nhất trong ngày.
Sau khi đạt đỉnh, chỉ số chính đi xuống liên tục dưới áp lực chốt lời và tạm dừng phiên sáng ở mức 768,59 điểm, tăng 10,65 điểm (+1,41%) so với tham chiếu. Giá trị giao dịch không chênh lệch nhiều so với phiên trước đó với 2,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 135,1 triệu đơn vị.
Đến chiều, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm nhưng chậm hơn, đến 14h12 thì chạm đáy ngày ở mức 763,77 điểm, vẫn cao hơn 6 điểm so với tham chiếu. Độ rộng thị trường theo hướng cân bằng hơn khi số mã tăng trong rổ VN30 còn 17 và số mã giảm tăng lên 8.
Chốt phiên chỉ số VN-Index tăng nhẹ lên mức 765,79 điểm, tăng 7,85 điểm (+1,04%) so với tham chiếu. Toàn sàn HOSE có 230 mã tăng và 119 mã giảm giá, trong đó có 29 mã tăng trần và 9 mã giảm sàn.
Rổ VN30 có 21 mã tăng giá, trong đó 2 mã tăng trần gồm VPB và VRE. Tuy nhiên, VJC cũng gây chú ý khi 6,05% và MWG tăng 4,6%. Ở phía ngược lại, MSN giảm mạnh nhất với 3,5%.
Ảnh hưởng lên VN-Index
Đánh giá tác động lên chỉ số chính, ngành ngân hàng đều tăng giá hôm nay, tuy nhiên, ngoài VPB tăng trần, TCB tăng 2,69% thì các mã còn lại chỉ tăng trên dưới 1%. Do đó, tổng ngành này góp phần vào đà tăng của VN-Index với 2,3 điểm ảnh hưởng.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu Vingroup cũng đều tăng giá, trong đó VRE tăng trần nên cũng đã kéo VN-Index lên thêm 2,25 điểm ảnh hưởng.
Cổ phiếu hàng không ‘bay cao’
Nhóm hàng không, với HVN tăng trần và VJC tăng trên 6%, cũng góp phần vào đà tăng của chỉ số chính với 1,6 điểm.
Đáng chú ý, sau 3 phiên tăng mạnh liên tiếp, cổ phiếu VJC đã tăng 17% lên 115.700 đồng và HVN tăng 19% lên 23.55 đồng.
Đà tăng của nhóm cổ phiếu này xuất phát từ thông tin hai hãng bay có thể trở lại với đường bay nội địa trong trường hợp lệnh cách ly xã hội dừng sau ngày 15/4. Đồng thời, Bộ Công thương đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giảm thuế môi trường với xăng dầu, chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí xăng dầu của doanh nghiệp hàng không.
Ngoài ra, VPB cũng tăng vọt sau thông báo con trai Tổng giám đốc đăng ký mua vào 12 triệu cổ phiếu.
Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 30% về lượng và 4% về giá trị so với phiên trước, đạt 235,3 triệu đơn vị, tương ứng với 4,28 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 35 triệu đơn vị, giá trị 1,2 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã ROS (-0,5%) với 13,5 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là POW (+3,2%) với 9,3 triệu đơn vị và HPG (+2,9%) đạt 9 triệu đơn vị.
Khối ngoại bán ròng phiên thứ 10 liên tiếp
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 10 liên tiếp với 247,6 tỷ đồng, tương đương 6 triệu đơn vị, tăng 3 lần về giá trị và 19% về lượng so với phiên trước.
Trong đó, VRE dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 24,31 tỷ đồng, tương đương 963,3 nghìn đơn vị. HPG theo sau với 14,3 tỷ đồng. Và các mã VCB, HCM, NLG cũng được mua ròng hơn 10 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất vẫn là VIC với 83,57 tỷ đồng, tương đương 874 nghìn đơn vị, ghi nhận phiên thứ 9 bán ròng liên tiếp. Tiếp đó, BID bị bán ròng 58,33 tỷ đồng, tương đường 1,57 triệu cổ phiếu. HDB bán ròng 49,9 tỷ đồng, tương đương 2,5 triệu cổ phiếu.
Trong phiên giao dịch hôm nay, năm mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, TRC (CTCP Cao su Tây Ninh) tăng 19,4 lần; CRE (CTCP Bất động sản Thế Kỷ) tăng 9,2 lần; TNA (CTCP Thương mại xuất nhập khẩu Thiên Nam; đóng cửa tại giá trần) tăng 7,2 lần; HAX (CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh; giá trần) tăng 5,3 lần; DMC (CTCP Xuất nhập khẩu y tế DOMESCO) tăng 5,2 lần.
HNX – Phiên tăng điểm thứ 8
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, sau khi tăng lên trên ngưỡng 107 điểm từ đầu phiên, chỉ số HNX-Index duy trì độ cao khá ổn định cho đến khi đóng cửa tại mức 107,16 điểm, tăng 0,98 điểm (+0,92%), với 74 mã tăng giá và 61 mã giảm giá.
SHB (+1,71%) và ACB (+1%) là hai mã góp phần nhiều nhất vào đà tăng của chỉ số HNX-Index với lần lượt 0,22 điểm và 0,16 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch giảm 22% về lượng, tuy nhiên tăng 3% về giá trị so với phiên trước, đạt 41,6 triệu đơn vị, tương ứng với 0,48 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, PVS (+0,8%) dẫn đầu sàn khi đạt 6,5 triệu đơn vị. SHB theo sau với 3,3 triệu đơn vị, SHS (tăng trần) đạt 3 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 15,4 tỷ đồng, tương đương 1,08 triệu đơn vị, tăng 9% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 26 mã và mạnh nhất là VCS được mua ròng 587 triệu đồng, tương đương 9,9 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 22 mã và mạnh nhất là SHB đạt 10,27 tỷ đồng, tương đương 576,2 nghìn đơn vị.
Trên sàn HNX hôm nay, duy nhất mã PV2 (CTCP Đầu tư PV2) có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày.
Bình luận cuối ngày
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS), về kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng điểm trở lại. Khối lượng giao dịch suy giảm xuống dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền có phần thận trọng trở lại.
Không những vậy, chỉ số hình thành nến Shooting Star tại vùng kháng cự 767 điểm (Fib 127.2), phát đi tín hiệu cảnh báo chỉ số có thể đảo chiều tại vùng kháng cự trên. Tuy nhiên, chỉ số vẫn duy trì đóng cửa trên MA20, kèm theo +DI cắt lên –DI, cho thấy xu hướng phục hồi ngắn hạn đang tiếp diễn.
Thêm vào đó, các chỉ báo như MACD và RSI đang hướng lên tích cực cho tín hiệu hỗ trợ đà tăng điểm. Do đó, trong trường hợp tích cực, chỉ số có thể vượt qua được ngưỡng kháng cự trên thì chỉ số có thể hướng tới vùng tâm lý 800 điểm.
Đồng thời, trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có nhịp giảm trở lại tại vùng kháng cự trên, thì nhịp giảm này có thể chỉ là nhịp điều chỉnh kỹ thuật về vùng hỗ trợ xu hướng quanh 715 điểm (MA20).
Đối với sàn Hà Nội, HNX Index có diễn biến tương tự. Chỉ số tiếp tục duy trì đà tăng điểm và đóng cửa trên MA20, cho thấy xu hướng phục hồi ngắn hạn đang tiếp diễn. Đồng thời, bộ chỉ báo MACD và RSI đang đi lên tích cực, cho thấy chỉ số có thể tiến lên thử thách ngưỡng tâm lý 110 điểm.
Nhìn chung, thị trường vẫn giữ được xu hướng phục hồi ngắn hạn. Do đó, PHS duy trì khuyến nghị, nhà đầu tư nên tận dụng các phiên rung lắc kỹ thuật để tái cơ cấu lại danh mục của mình hợp lý hơn.
>> Sự kiện chứng khoán ngày 14/4 đáng chú ý: Hàng loạt đăng ký mua