Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ, ven rừng có rất nhiều khỉ ra kiếm ăn. Cho đến một ngày kia, xuất hiện một anh thanh niên tới hỏi mua khỉ với giá 10 đồng một con.
Dân làng bèn hò nhau đi bắt khỉ về bán. Sau khi họ bắt được vài ngàn con khỉ và bán cho anh thanh niên nọ thì số khỉ vãn dần.
Dân làng định nghỉ ngơi thì anh thanh niên lại nói sẽ tăng giá mua khỉ lên 20 đồng một con. Vậy là mọi người lại hăng hái đi tìm bắt khỉ.
Đến khi số khỉ cạn kiệt, dân làng bèn về nhà nghỉ ngơi. Nhưng anh thanh niên lại nâng giá lên 25 đồng một con. Lần này chỉ có vài người bắt được khỉ để bán. Khỉ hiếm đến nỗi tìm cả ngày trong rừng và cả ở quanh làng cũng chẳng thấy con nào, thì làm sao có thể bắt được chúng.
Anh thanh niên nâng giá lên 50 đồng một con mà mãi chẳng mua được con nào. Mặc dù, rất thất vọng nhưng anh vẫn nói với mọi người rằng: “Bây giờ tôi có việc phải lên tỉnh, mấy ngày nữa mới về. Người giúp việc của tôi sẽ ở lại thay tôi mua khỉ. Nếu ai bắt được khỉ thì bán cho nó nhé!”
Anh thanh niên đi được mấy ngày mà dân làng vẫn không ai bắt được khỉ để bán. Người giúp việc của anh thanh niên chỉ cho dân làng thấy những cái lồng đầy khỉ và nói: “Tôi chán công việc này lắm rồi, mặc kệ ông chủ với lũ khỉ của ông ta. Tôi sẽ bán cho mọi người 35 đồng một con, khi nào chủ tôi quay lại các vị hãy bán cho ông ta 50 đồng”.
Dân làng mừng rỡ liền dốc hết tiền bạc trong nhà ra, tranh nhau mua khỉ. Những người chậm chân thì kêu gào khóc lóc, người mua được nhiều thì sung sướng hả hê. Họ hồi hộp chờ đợi anh thanh niên quay lại.
Nhưng đợi mãi mà chẳng thấy anh thanh niên và người giúp việc đâu. Chỉ thấy quanh làng toàn khỉ là khỉ. Dân làng ai cũng tức giận đỏ hết cả mặt nhưng không biết bán lũ khỉ cho ai.
Sau này, người ta gọi khỉ dưới cái tên cổ phiếu. Những người hiểu biết gọi câu chuyện đó là sự tích về sự ra đời của thị trường chứng khoán. Và việc giận đến đỏ mặt là lý do tại sao bảng giá khi thị trường đi xuống thường hiện màu đỏ.
(Sưu tầm)