Từ đầu năm đến nay, ngành sữa vẫn ghi nhận sự tăng trưởng và các doanh nghiệp trong ngành vẫn rất sôi động với các thương vụ M&A, ra mắt sản phẩm mới, tăng cường xuất khẩu,…
>> Rủi ro tiềm ẩn sau những khoản vay từ Trung Quốc
Theo báo cáo của Nielsen, nhu cầu các sản phẩm sữa trong nước ít chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, chỉ giảm 4% về giá trị so với mức giảm 7,3% trong tăng trưởng tiêu thụ hàng FMCG.
Tiêu thụ sữa hiện chiếm 12% tổng tiêu thụ hang FMCG tại Việt Nam, không thay đổi so với năm 2019. Thậm chí, doanh số bán lẻ của sữa còn ghi nhận tăng trưởng 3,4% trong 6 tháng đầu năm 2020.
Ngành sữa tăng trưởng trong bối cảnh các hoạt động M&A, đầu tư mới diễn ra sôi động.
Cuối năm ngoái, công ty sữa lớn nhất Việt Nam là Vinamilk hoàn tất thâu tóm sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) thông qua công ty mẹ GTNFoods.
Ngay sau khi về tay Vinamilk, sữa Mộc Châu ghi nhận tăng trưởng doanh thu nội địa 9,7% trong 6 tháng đầu năm 2020, vượt trội so với mức tăng bình quân toàn ngành. Bản thân Vinamilk cũng được lợi khi đạt mức tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ.
Với việc các doanh nghiệp lớn khác trong ngành, như Vinasoy ghi nhận doanh thu giảm 6% trong nửa đầu năm, nhiều khả năng Vinamilk đang thâu tóm được nhiều thị phần sữa hơn.
Đến giữa năm nay, ngành sữa xuất hiện thương vụ M&A mới khi Blue Point và VietCapital mua lại CTCP sữa Quốc tế (IDP). Liên tục thua lỗ tới âm cả vốn chủ sở hữu, song IDP bất ngờ lãi lớn ngay sau khi về tay chủ đầu tư mới.
Quý 2/2020, công ty ghi nhận doanh thu 1.114 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ. Biên lãi gộp IDP vọt lên mức 36%, ngang ngửa với tỷ suất lợi nhuận của những doanh nghiệp đầu ngành FMCG như Masan Consumer, Vinasoy.
Nhờ lợi nhuận tăng mạnh và huy động được thêm 332 tỷ đồng từ bán cổ phiếu, vốn chủ sở hữu của IDP từ mức âm 41 tỷ đồng hồi đầu năm đã tăng lên 441 tỷ đồng. Hiện tại, IDP vẫn còn lỗ lũy kế 428,5 tỷ đồng.
Bên cạnh hoạt động thâu tóm, các thương hiệu mới trong nước cũng đẩy mạnh tốc độ phát triển, như Vitadairy.
Ở chiều ngược lại, chủ quản thương hiệu sữa đậu nành Fami và Vinasoy, Đường Quảng Ngãi vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2020 với doanh thu 1.761 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Lũy kế nửa đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu 3.122 tỷ, giảm hơn 20% so với nửa đầu năm ngoái, lợi nhuận sau thuế giảm 16,5% xuống còn 488 tỷ đồng.
Đường Quảng Ngãi cho biết, quý 2 năm nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và Việt Nam diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nền kinh tế và hoạt động của công ty. Một số sản phẩm có sản lượng tiêu thụ thấp, doanh số và lợi nhuận giảm so với cùng kỳ, cụ thể là dòng sản phẩm Vinasoy giảm 9% lượng tiêu thụ.
Nhóm phân tích SSI Research nhận định, ngành sữa đang thay đổi cấu trúc sau đại dịch Covid-19. Cụ thể, kênh bán lẻ hiện đại (MT) tiếp tục tăng trưởng vượt kênh truyền thống. Sữa là một trong top sản phẩm có lượng mua qua các nền tảng thương mại điện tử tăng trong thời kỳ đại dịch.
Doanh thu qua các kênh thương mại hiện đại đã tăng trưởng hai chữ số trong nhiều quí, tuy nhiên mới chỉ chiếm 10-15% doanh thu của các công ty sữa.
Nhận thấy xu hướng này, các công ty F&B đã và đang tích cực tăng cường thâm nhập vào kênh MT. Tuy nhiên, kênh này có thể có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn do chi phí bán hàng và chiết khấu cao.
Mặt khác, thị trường trong nước bão hòa có thể thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu sữa nhiều hơn. Hiện tất cả các nhà sản xuất sữa trong nước đã chính thức được xuất khẩu sang Trung Quốc, điều này có lợi cho các doanh nghiệp hàng đầu như Vinamilk, TH True Milk, Vinasoy, Mộc Châu Milk.
Trong khi đó, chiến lược cao cấp hóa sản phẩm lên phân khúc cao hơn đang bị chững lại. Mặc dù sữa là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhu cầu từ người tiêu dùng thu nhập thấp vẫn có thể bị ảnh hưởng do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Theo Tổng cụ thống kê, thu nhập trung bình người dân đã giảm 5,1% trong đại dịch, trong đó người dân ở nông thôn chịu tác động nặng nền hơn.
Điều này ảnh hưởng tới việc tăng giá các sản phẩm sữa. Người tiêu dùng đang trở nên nhạy cảm hơn với giá trong giai đoạn 2020 – 2021, vì vậy quá trình cao cấp hóa cũng như tăng giá sữa sẽ chậm lại.
Theo SSI Research, trong kịch bản tốt là dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn vào giữa năm 2021, các doanh nghiệp sữa lớn như Vinamilk hay Vinasoy mới có thể tiếp tục đà tăng trưởng ổn định và giành thêm thị phần.
(Theo TheLEADER)