Thời gian gần đây, các sản phẩm xe điện đang nổi lên như một biểu tượng mới của công nghệ, của ngành công nghiệp “sạch”, không phát thải. Tuy nhiên, liệu xe điện có thực sự phát huy hiệu quả trong công cuộc bảo vệ môi trường?
>> Siêu lợi nhuận của Tân Hiệp Phát: bán chai nước 12.000 đồng lãi 4.000 đồng
Khoảng vài chục năm trở về trước, hình ảnh “khói nhà máy quyện trong sương sớm” đã trở thành biểu tượng của sự phát triển, của nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, môi trường ngày càng suy thoái với tốc độ khủng khiếp đã khiến nhận thức của xã hội hoàn toàn thay đổi.
Giờ đây, khi đang phải hít thở bầu không khí đầy khói bụi, mọi người bắt quy kết trách nhiệm lên đầu những nguồn xả thải: từ các nhà máy sử dụng năng lượng nhiệt cho đến các phương tiện giao thông.
Trong bối cảnh đó, xe điện – dòng xe không động cơ đốt trong và không xả thải – đã được các nhà sản xuất miêu tả như một sản phẩm hướng tới tương lai tươi xanh và bền vững.
Xe điện trỗi dậy
Thị trường xe điện đang chứng kiến một tốc độ tăng trưởng vượt bậc, nhờ vào thành tựu của công nghệ cũng như sự hỗ trợ từ phía chính phủ. So với năm 2010, giá pin lithium sử dụng trong xe điện đã giảm khoảng hơn 6 lần, bên cạnh việc tăng cường hiệu suất và nhiều tính năng tiện ích và đảm bảo độ an toàn. Người tiêu dùng cũng dần ưu ái dòng sản phẩm này hơn, bởi ai cũng muốn “làm một điều gì đấy” để bảo vệ môi trường.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các chiến lược thúc đẩy dòng sản phẩm xe điện cũng đang được tiến hành, thông qua những biện pháp như trợ giá hay đầu tư lắp đặt mạng lưới trạm sạc điện.
Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch cung cấp một gói đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với mục đích phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, trong đó có 1.4 tỷ đô la sẽ được dùng để xây dựng các trạm sạc cho xe điện.
Ở Việt Nam, người tiêu dùng cũng đang phát sốt với dòng sản phẩm xe máy điện, xe đạp điện hướng tới khách hàng mục tiêu là học sinh, sinh viên, phụ nữ và người cao tuổi. Mới đây, hãng xe hơi Việt Vinfast cũng đã gây xôn xao dư luận về những hình ảnh sản phẩm xe ô tô điện của hãng được thử nghiệm trên đường phố Hà Nội.
Tháng 6 vừa qua, cả thế giới đã phải sửng sốt khi chiếc “pin triệu dặm” được sản xuất thành công tại Trung Quốc, báo hiệu một tương lai không xa khi xe điện hoàn toàn đủ điều kiện để lấn át những chiếc xe hoạt động bằng động cơ đốt trong.
Trước thị trường đầy tiềm năng, các tập đoàn xe hơi và nhà đầu tư liên tục rót vốn vào các dự án phát triển sản phẩm xe điện, với hy vọng có thể trở thành kẻ dẫn đầu trong cuộc đua “hướng tới sự phát triển bền vững”.
Cái giá phải trả cho sự “không phát thải”
Một lý do khiến người tiêu dùng chọn mua xe điện có lẽ vì họ đã quá mệt mỏi với việc hít thở bầu không khí ô nhiễm bởi sự xả thải từ những phương tiện giao thông truyền thống.
Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thế bức tranh môi trường thì những chiếc xe điện không hề “hoàn hảo” như chúng ta vẫn tưởng. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến nằm ở chính loại pin Lithium-ion (Li-ion) đang được sử dụng rộng rãi trong không chỉ xe điện mà còn những thiết bị di động như điện thoại, máy tính xách tay, máy tính bảng…
Pin Li-ion được cấu tạo khá phức tạp với nhiều thành phần hóa học, trong đó bao gồm kim loại coban.
Thống kê cho thấy, khoảng 60 – 70% coban trên thế giới đến từ Congo – một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Sự trỗi dậy của pin Li-ion kéo theo nhu cầu coban tăng vọt đã giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân miền Nam Congo nhưng cũng lại gây ra những hệ lụy nghiêm trọng: tình trạng làm việc tồi tệ, lạm dụng lao động trẻ em và gây ô nhiễm nguồn nước, đất đai trầm trọng.
Trước thực trạng này, nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng và vào cuộc, còn các nhà sản xuất xe điện hay thiết bị di động thì cam kết sẽ xem xét lại tính bền vững trong chuỗi cung ứng pin Li-ion của mình. Tuy nhiên mọi nỗ lực dường như đem lại kết quả không mấy khả quan.
Bên cạnh đó, các chuyên gia về môi trường cũng đang lên tiếng cảnh báo về vấn đề khủng hoảng rác thải pin đã qua sử dụng nếu thị trường xe điện phát triển với tốc độ quá nhanh, trong khi vẫn chưa có những phương án hiệu quả để xử lý những viên pin đã qua sử dụng.
Theo đó, nếu không được xử lý, những viên pin này có thể gây ra rủi ro cháy, nổ, đồng thời rò rỉ những hóa chất độc hại làm ô nhiễm nguồn nước và đất đai. Quá trình thu gom và xử lý pin đã qua sử dụng cũng khó khăn và chứa đựng nhiều rủi ro hơn nhiều so với rác thải nhựa hay rác hữu cơ.
Vừa qua, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và môi trường trình Quốc hội cũng đã đưa pin, ắc quy và các sản phẩm linh kiện điện tử vào danh sách bắt buộc thực hiện công cụ chính sách Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR). Tuy nhiên, thực tế công tác tái chế pin vẫn còn rất nhiều vướng mắc.
Theo một nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Ủy ban Châu Âu, chỉ có khoảng 5% pin Li-ion được tái chế sau khi đã qua sử dụng, một con số quá ít ỏi so với tiềm năng phát triển của thị trường xe điện trong tương lai sắp tới.
Một thực trạng nữa khiến xe điện không thực sự bảo vệ môi trường, khi hiện nay ở nhiều quốc gia, điện vẫn chủ yếu được sản xuất bằng than. Như vậy, tiêu thụ năng lượng điện vẫn gián tiếp đóng góp một lượng khí thải các bon gây ra hiệu ứng nhà kính.
Vậy có nên sử dụng xe điện?
Trước những mặt trái của ngành công nghiệp xe điện, chúng ta vẫn không thể nào phủ nhận những ưu điểm của dòng xe này so với những phương tiện giao thông chạy bằng động cơ đốt trong.
Tuy nhiên, xe điện không phải là chìa khóa để giải quyết vấn đề về môi trường, mà chính bản thân con người mới phải chịu trách nhiệm về việc đó. Thay đổi hành vi tiêu dùng, hạn chế sự lãng phí năng lượng không cần thiết, bên cạnh việc bền vững hóa toàn bộ chuỗi cung ứng mới chính là phương án hữu hiệu để đối phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống.
(Theo TheLEADER)