Nhiều người không tìm hiểu kỹ đã sập bẫy ‘tín dụng đen’ qua app và rơi vào vòng xoáy nợ nần, bị các nhóm cho vay khủng bố tinh thần mình và cả người thân.
>> 7 sai lầm về tài chính cá nhân mà Warren Buffett và Bill Gates tránh xa
Đường dây cho hàng vạn người vay qua ứng dụng trên thiết bị di động (app) với lãi suất hơn 1.000%/năm gây bức xúc dư luận vừa bị Công an TP.HCM triệt phá. Tuy nhiên, hàng loạt băng nhóm cho vay dạng này hiện vẫn ngang nhiên tung hoành.
Với đường dây “tín dụng đen” cho vay theo hình thức qua ứng dụng, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại, người dân dễ dàng nhận được tiền vay chỉ trong vòng vài phút. Nhiều người không tìm hiểu kỹ đã sập bẫy và rơi vào vòng xoáy nợ nần, bị các nhóm cho vay khủng bố tinh thần mình và cả người thân.
“Bẫy vay online” tràn ngập trên mạng
Ngoài ứng dụng vay tiền mang tên “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online” của băng nhóm cho vay vừa bị triệt phá nói trên, ngày 22.4, PV Thanh Niên lên Google gõ “vay tiền online” thì lập tức hiện ra hàng loạt app cho vay tiền online nhanh.
Điển hình như trang web idongvn.com giới thiệu nhiều trang cho vay online với lời chào mời hấp dẫn “Giải ngân trong vòng 3 phút, lãi suất thấp, có thể vay tới 20 triệu đồng”. Tại trang web có hướng dẫn cài đặt ứng dụng vay tiền “OneClick money”. Theo hướng dẫn, lên Google gõ “idongvn.com” thì trang web này sẽ xuất hiện. Người vay chọn, sẽ hiện ra dòng chữ “vay tiền hôm nay – nhận ngay ưu đãi lãi suất 0%”. Sau đó người vay nhấn vào ứng dụng “OneClick money”…
Theo chúng tôi tìm hiểu, chị T.T.H.L (43 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) là một trong những nạn nhân của app “OneClick money”. Chị L. cho hay tháng 2.2020, chị vay gần 100 triệu đồng của nhiều app, trong đó có “OneClick money”, với lãi suất đến 90%/tháng nhưng đến nay vẫn còn nợ 10 triệu đồng của 2 app. Thực tế vay 5 triệu đồng, sau khi trừ nhiều khoản phí, chị chỉ nhận được 3,5 triệu đồng; vay 10 triệu đồng chỉ nhận 7 triệu đồng; nếu chậm trả thì bị phạt 300.000 đồng/ngày.
“Khi đòi tiền, nhân viên của app gọi điện chửi bới, dọa dẫm, gọi liên tục gây áp lực. Khi không trả kịp, họ đăng hết thông tin của mình lên Zalo, Facebook như mình là tội phạm”, chị L. kể và cho biết thêm, hôm 21.4 một nhân viên của app “OneClick money” gọi cho chị đòi nợ, dọa nếu 16 giờ không trả thì tất cả thông tin sẽ được đưa lên mạng. “Dịch bệnh Covid-19 khiến tôi phải ở nhà, không đi làm được, khó khăn nhưng họ vẫn đòi nợ và phạt nặng nếu trả chậm”, chị L. nói.
Tương tự, chị C.T.T.H (32 tuổi, ngụ Hà Nội) cũng là một trong những nạn nhân vay nặng lãi của 20 app. Ngày 21.4, sau khi đọc trên Báo Thanh Niên thông tin Công an TP.HCM triệt phá đường dây cho 60.000 khách vay nặng lãi qua ứng dụng, chị H. bức xúc: “Đó là những ngày khủng khiếp nhất của cuộc đời. Tôi đã lấn sâu vào 20 app vay nặng lãi vì lấy tiền từ app nọ trả app kia, như bị quẫn trí lu mờ, ngu muội nên đã rơi vào bẫy vay nặng lãi và tưởng chừng không thoát ra nổi, trả mãi mà không hết tiền vay của những kẻ hút máu người cho vay nặng lãi qua app”. Theo chị H., do bị đe dọa, gây áp lực cho gia đình, người thân, bạn bè nên giữa tháng 4.2020, bố mẹ của chị vay mượn gần 100 triệu đồng để trả nợ.
“Cuối năm 2019 tôi bắt đầu vay tiền qua ứng dụng như: tubevay, ccvay, kkvay, skyvay. Mới đầu vay chỉ vài ứng dụng, sau đó vay thêm nhiều ứng dụng khác. Ban đầu được vay 3,5 triệu đồng, nhận được 2,1 triệu trong vòng 6 ngày. Tiếp đó tôi thanh toán hết và vay lại được lên 5 triệu vay trong 6 ngày, nhưng thực tế chỉ nhận được 3,5 triệu đồng. Nếu không thanh toán kịp, họ bắt tôi phải nộp thêm phí phạt là 450.000 đồng/ngày. Cứ thế tăng lên, tôi phải trả số tiền lên 8 triệu đồng”, chị H. kể lại và nói: “Từng ngày trôi qua, “lãi mẹ đẻ lãi con” với lãi suất cắt cổ, phí phạt từ 450.000 – 600.000 đồng/ngày và có thể tăng lên gấp nhiều lần nếu không trả kịp. Dù vậy, họ vẫn gửi cho tôi thêm nhiều ứng dụng khác “chào mời”, gọi điện thoại cho tôi vay tiền”.
Theo chị H., chị bị dồn đến bước đường cùng khi một ngày bị hàng loạt app đòi nợ. Không chỉ gọi điện thoại đòi nợ chị H. mà người của các app còn gọi cho cả gia đình, bạn bè của chị khủng bố tinh thần.
Chiều 22.4, PV Thanh Niên vào app Sago từng cho chị H. vay tiền để tìm hiểu. Liên hệ qua điện thoại quảng cáo trên app, một nữ nhân viên chăm sóc khách hàng chào mời, muốn vay ở Sago thì đầu tiên phải có CMND, thẻ ATM, số điện thoại có sử dụng Zalo, lãi suất vay tùy thuộc vào từng gói. “Nếu vay 2,5 triệu đồng thì người vay thực nhận 1 triệu mấy, bên thẩm định họ sẽ gọi tư vấn rõ hơn…”, người này nói.
Cơ quan công an tập trung triệt xóa
Nói về thủ đoạn của các băng nhóm cho vay qua app, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM cho rằng những kẻ cầm đầu đường dây cho vay nặng lãi trên app thường sống ở Trung Quốc, chỉ điều hành qua mạng và bằng điện thoại nên loại tội phạm nói trên chưa bị triệt phá triệt để. Hiện nay tình trạng này đang gây nhức nhối, gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Vì vậy, Ban Giám đốc Công an TP chỉ đạo phải triệt phá, xử lý nghiêm loại tội phạm này, không để các đối tượng hoạt động ngoài vòng pháp luật như vậy.
Về vấn đề này, một lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cũng nhấn mạnh, thủ đoạn của một số đối tượng người nước ngoài là lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra app như “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online” để cho vay tiền trực tuyến với lãi suất cao. Khi khách có nhu cầu vay tiền thì phải tải ứng dụng về máy điện thoại.
Đây là biến tướng của loại tội phạm cho vay “tín dụng đen”, vì vậy cần được cơ quan công an tập trung ngăn chặn. Hoạt động “tín dụng đen” này sử dụng công nghệ cao, ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến, với lãi suất rất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người vay và người cho vay. Đây cũng là thủ đoạn mới, các đối tượng phạm tội hết sức tinh vi.
Theo khuyến cáo của lãnh đạo PC02 Công an TP.HCM, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, nhiều người không có việc làm, khó khăn về tiền bạc nên dễ vướng vào việc vay tiền nặng lãi trên app để sử dụng cá nhân tạm thời. Cứ nghĩ rằng số nợ ít, chậm trả cũng không sao; nhưng khi đổ bể, bị các đối tượng gọi điện cho người thân, bạn bè đòi nợ, người vay vừa xấu hổ với người thân vừa phải trả với số tiền lãi lớn để được yên thân.
Vì vậy mọi người cần hết sức cảnh giác, tuyệt đối tránh vay nặng lãi qua app vì rất dễ thiệt thân. Không chỉ bản thân người vay mà người thân, bạn bè, đồng nghiệp dễ bị ảnh hưởng nếu người vay không trả kịp tiền.
(Theo Thanh niên)