>> Khoảng 30 nghìn tỷ hỗ trợ hộ nghèo, lao động mất việc do Covid-19
Quản lý tài chính cá nhân thế nào cho hiệu quả để đảm bảo chi tiêu trong mùa dịch Covid-19 khi túi tiền của bất kỳ cá nhân nào trong xã hội cũng đang bị ảnh hưởng trực tiếp? Liệu có nên đầu tư trong thời điểm này hay không và đâu là kênh đầu tư hiệu quả?
Trong những ngày qua, dịch Covid-19 đã phủ một “bóng đen” lên bức tranh hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Doanh thu sụt giảm, doanh nghiệp đóng cửa, phá sản, người lao động mất việc… Xét về góc độ cá nhân, “túi tiền” của bất kỳ ai, dù đang làm việc ở bất cứ ngành nghề, vị trí nào cũng đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch này.
Ngoại trừ một số ít trường hợp, đa số người dân đang thấy số tiền tích lũy trước đây của mình vơi dần theo mỗi tuần, mỗi tháng trong khi nguồn thu nhập có xu hướng giảm hoặc chẳng còn bao nhiêu. Đáng quan ngại hơn, nhiều người không biết số tiền còn lại có đủ cho chi tiêu của gia đình đến khi hết dịch hay không.
Điều này, theo ông Dương Hải, Phó giám đốc thường trực Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (VCFO), sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn trong hành vi chi tiêu của rất nhiều người, đặc biệt là nhóm người có thu nhập trung bình hoặc thấp.
Mức độ ưu tiên cho chi tiêu trong thời gian hiện nay và ngay sau khi kết thúc đại dịch vẫn là thực phẩm cơ bản cho cuộc sống hàng ngày, tiền điện nước, tiền thuê nhà, các dịch vụ học tập và giải trí trên nền tảng trực tuyến, dịch vụ học tập giải trí và đồ chơi cho trẻ em trong gia đình, các phương tiện và dược phẩm bảo vệ sức khỏe. Giấy vệ sinh, khẩu trang, nước rửa tay vì bất kể lý do gì vẫn đang được tìm mua không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở rất nhiều nơi trên thế giới.
Các khoản chi tiêu được xếp mức ưu tiên thấp trong giai đoạn này sẽ bao gồm mua sắm các đồ đạc thiết bị đắt tiền, chi nâng cấp nhà ở trừ sửa chữa bắt buộc. Bên cạnh đó, chi phí cho việc mua quần áo, trang sức đều nằm ở nhóm ưu tiên thấp.
Tuy nhiên ông Hải cho biết, có một quan sát thú vị là trong những thời gian nền kinh tế gặp khó khăn hoặc khủng hoảng thì phụ nữ mua son môi nhiều hơn hẳn so với giai đoạn trước đó. Theo ông Hải, đó là cách để phụ nữ gửi thông điệp ra bên ngoài rằng “tôi vẫn xinh đẹp”, và đó cũng là cách để họ làm mình tự tin và tích cực hơn. Trong số những thứ có thể mua để đạt được cả hai nhu cầu nói trên thì son môi thường có chi phí thấp hơn so với những loại khác như váy, túi xách hay trang sức.
Mẹo quản lý tài chính cá nhân
Ông Dương Hải, Phó Giám đốc Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (VCFO)
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng, ông Hải cho rằng có một số phương án các cá nhân nên thực hiện để quản trị tài chính cá nhân thật hiệu quả trong mùa dịch.
Thứ nhất, mục tiêu của quản lý tài chính cho đại đa số cá nhân trong giai đoạn này nên tập trung vào bảo vệ duy trì tổng giá trị tài sản. Một số ít hơn có thể đặt mục tiêu tiếp tục gia tăng tổng giá trị tài sản, nhưng số lượng người ở nhóm này ít hơn nhiều.
Thứ hai, việc chi tiêu hàng ngày nên tập trung cho những khoản thiết yếu. Còn trong trường hợp các cá nhân có điều kiện thì chi tiêu cũng là một cách hỗ trợ cho nền kinh tế.
Thứ ba, tiết kiệm lúc nào cũng là việc nên làm. Trong điều kiện bình thường, lời khuyên của ông Hải là dành tiết kiệm khoảng 10% thu nhập. Khi thu nhập ít đi, tỷ trọng tiết kiệm trên tổng thu nhập có xu hướng giảm đi, thậm chí không còn khoản tiền bỏ ra tiết kiệm định kỳ nữa. Ông Hải cho rằng, gửi tiết kiệm ở các ngân hàng được đánh giá có mức rủi ro thấp hoặc trung bình là quyết định thận trọng và phù hợp trong giai đoạn này.
Thứ tư, trong trường hợp buộc phải vay để chi tiêu cho nhu cầu cấp bách, có thể tìm đến các ngân hàng hoặc công ty tài chính. Các khoản vay tiêu dùng tín chấp thường có lãi suất cao hơn đáng kể so với các khoản vay có tài sản đảm bảo.
Thứ năm, các cá nhân cũng nên xem lại kế hoạch tài chính của mình. Nếu lượng tiền chỉ đủ chi một cách tằn tiện cho giai đoạn hai đến ba tháng tới trong khi nguồn thu nhập không có sự đảm bảo chắc chắn thì nên nghĩ đến câu hỏi tiền sẽ từ đâu đến. Từ vay ngân hàng, hay mượn tạm người thân? Hoặc nếu phải bán thứ gì đó mình đang sở hữu thì nên bán thứ nào trước tiên?
Thứ sáu, việc tìm thêm một khoản thu nhập mới là vấn đề hoàn toàn cần nghĩ đến. Phương án của nhiều người hiện nay là tìm các công việc có thể thực hiện trên nền tảng trực tuyến như bán hàng, dạy học…
Thứ bảy, ông Hải cho rằng đây cũng là cơ hội hiếm có để đầu tư. Một khách hàng của ông Hải trong những ngày giữa tháng 3/2020, khi thị trường chứng khoán ngập tràn sắc đỏ, đã quyết định mua cổ phiếu của một doanh nghiệp kinh doanh bền vững hàng đầu.
Người này tin rằng thị trường đang ở vùng hoảng loạn với những lời tuyên bố ngược chiều của vài nguyên thủ cường quốc trên thế giới. Chưa đầy mười ngày sau, người này đã bán toàn bộ số cổ phiếu đã mua để chốt lời trong khi vốn là một nhà đầu tư dài hạn. Khi được hỏi tại sao lại quyết định lướt sóng, người này trả lời, bất kỳ ai cũng nên linh hoạt trong lúc này, linh hoạt để tồn tại, linh hoạt để chiến thắng.
Ông Hải khẳng định vẫn có những cơ hội đầu tư trong giai đoạn đầy biến động này. Thị trường càng biến động lớn thì cơ hội đầu tư càng lớn, và ai cũng hiểu rằng rủi ro cũng sẽ càng cao. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam nói riêng cũng như một vài nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật, Đức… chưa bộc lộ những vấn đề nghiêm trọng về cấu trúc hay tính cân bằng tại thời điểm hiện tại.
Đại dịch Covid-19 vẫn mang tính chất ngắn hạn và rồi sẽ qua đi, rất khó để dự đoán bao lâu nữa Việt Nam sẽ công bố hết dịch. Tuy nhiên, thời gian dịch càng dài thì khả năng hồi phục của nền kinh tế càng khó khăn hơn. Tương tự như vậy, nếu trong thời gian nền kinh tế chưa kịp hồi phục sau cơn đại dịch mà lại bộc lộ thêm một vài vấn đề nghiêm trọng trong cấu trúc hệ thống kinh tế thì cơ hội đầu tư sẽ trở nên rủi ro hơn bao giờ hết.
Nếu quyết định đầu tư ở giai đoạn này, ông Hải cho rằng, mỗi người có những thế mạnh riêng và mối quan tâm khác nhau.
Với những người thích đầu tư vào cổ phiếu, thị trường chứng khoán vẫn luôn là một nơi chứa đựng đầy bất ngờ. Đây là dịp tốt để sở hữu các cổ phiếu của các doanh nghiệp phát triển bền vững nhưng bị ảnh hưởng tiêu cực chung (rủi ro hệ thống) của thị trường chứng khoán.
“Tôi vẫn có niềm tin vào thị trường chứng khoán về trung và dài hạn mặc dù vẫn còn các khiếm khuyết về vận hành hay những lỗ hổng về báo cáo tài chính và sự minh bạch. Gần 30 năm làm việc trong ngành tài chính ngân hàng, tôi hiểu rõ những lỗ hổng trong báo cáo tài chính và tính minh bạch ảnh hưởng đến thị trường cổ phiếu như thế nào”, ông Hải chia sẻ.
Nếu muốn đầu tư một cách thụ động mà không phải tính toán quá nhiều, hoặc đơn giản chỉ là vì bận rộn, ông Hải cho rằng, kênh tiền gửi tiết kiệm luôn có sẵn để giúp chiến thắng sự mất giá của đồng tiền. Rất nhiều năm qua, mức lãi suất thực dương là điều luôn thấy.
Tỷ giá của đồng Việt Nam với đô la Mỹ và một số đồng tiền mạnh trong những tuần vừa qua có rất nhiều biến động. Theo quan sát của ông Hải, đồng bạc xanh đang có xu hướng mạnh lên trên thế giới. Khá nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Mỹ đang gặp đối mặt nhiều rủi ro nên đầu tư vào USD lúc này là không thận trọng. Đồng ý rằng nền kinh tế Mỹ khá lộn xộn nhưng chuyên gia của VCFO nhận định trên thực tế, những nền kinh tế lớn khác còn tệ hơn. Tỷ giá là vấn đề song phương, không phải đơn phương.
“Tôi vẫn đang giữ một tỷ lệ nhỏ tài sản của tôi bằng đô la Mỹ và thấy thú vị khi giá trị của đồng tiền này thường có xu hướng tăng trong nhiều năm vừa qua”, ông Hải tiết lộ.
Bất động sản nhà ở, đặc biệt ở những ví trí thuận lợi luôn có lợi thế về tính thanh khoản và sự phục hồi về giá sau những khủng hoảng hoặc sau sự cố lớn như Covid-19. Mỗi nhà đầu tư có duyên với một phân khúc bất động sản cụ thể. Là một người có nhiều năm kinh nghiệm về quản trị tài chính, cá nhân ông Hải nghiêng về các bất động sản có tính thanh khoản cao để có thể dễ thu hồi vốn khi cần thiết.
Kênh cuối cùng có thể tính đến là vàng. Trong những tuần gần đây giá vàng biến động rất lớn làm nản lòng một số nhà đầu tư. Theo ông Hải, nếu mua vàng để lướt sóng ngắn hạn kiếm lời, vàng đang là một kênh đầu tư rủi ro rất cao vào thời điểm này. Lúc này, nếu dùng đồng Việt Nam hay đô la Mỹ để đo lường mức độ thành công trong việc đầu tư ngắn hạn vào vàng thì có thể lỗ hoặc lãi rất nhiều.
“Còn nếu mua vàng như một phương tiện cất trữ giá trị thì lại khác. Vàng lúc này chính là giá trị, cái gì so với nó thì so, chứ vàng chẳng cần so nó với cái gì cả. Bây giờ bạn mua 10 chỉ, thì bao năm sau nó vẫn là 1 cây. Vì vậy, nếu định kỳ bạn bỏ tiền ra mua dăm cây, ba chỉ vàng cất đi thì hành động đó không bao giờ là sai cả”, ông Hải nhận định.
(Theo TheLEADER)