Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên HOSE vào tháng 7 là DAT với 362% với tất cả các phiên tăng trần. Ngược lại, cổ phiếu giảm giá mạnh nhất là DAH với 65,3%.
>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/7: VSC, IMP, DGC, GVR, FRT
Kết thúc tháng 7, VN-Index giảm 26,72 điểm, hay 3,2%, xuống mức 798,39 điểm. Giá trị giao dịch trung bình phiên giảm 33% so với tháng 6, đạt 4,68 nghìn tỷ đồng, khối lượng trung bình phiên giảm 38% xuống mức 281,5 triệu đơn vị.
Chỉ số VN-Index tháng trước ghi nhận 12 phiên tăng điểm và 11 phiên giảm.
Trong Top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn HOSE tháng 7, DAT (CTCP Đầu tư du lịch và phát triển thủy sản) dẫn đầu khi tăng 362% từ 11.650 đồng/ cổ phiếu lên 53.800 đồng/cổ phiếu với việc tăng trần tất cả các phiên trong tháng.
Công ty Thủy sản (DAT) năm nay đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng, thấp hơn 20% so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 35,8%, đạt 40 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2020, công ty ghi nhận doanh thu gần 955 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm 31,5%, xuống 18,5 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 47,75% kế hoạch doanh thu và 46,25% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Cũng nằm trong danh sách này, APG (CTCP Chứng khoán APG) đã tăng 39,7% lên 11.650 đồng/ cổ phiếu. Quý II năm nay công ty lãi hơn 1,88 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 1,13 tỷ đồng. Nguyên nhân do lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng và chi phí dự phòng tài sản tài chính giảm.
Ở phía ngược lại, DAH (Tập đoàn khách sạn Đông Á) giảm mạnh nhất với 65,3% xuống mức 5.860 đồng/ cổ phiếu với 18/23 phiên giảm sàn dù không có nhiều thông tin liên quan.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu DAH giảm mạnh thì ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Tổng giám đốc đăng ký mua 1,5 triệu cổ phiếu DAH. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận từ 23/7 đến 21/8.
DIC (CTCP Đầu tư và thương mại DIC) theo sau khi giảm giá 39,1%. Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo việc hủy niêm yết gần 26,6 triệu cổ phiếu DIC. Ngày hủy niêm yết có hiệu lực 10/8 và ngày giao dịch cuối cùng 7/8. Nguyên nhân là tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất (2019).
Cổ phiếu SJF của Đầu tư Sao Thái Dương đứng thứ ba khi giảm 36,9%. Trước đó, Đầu tư HAFA liên tục bán ra tổng cộng gần 6,5 triệu cổ phiếu SJF, giảm lượng sở hữu từ hơn 9,72 triệu cổ phiếu (12,27%) xuống còn hơn 3,22 triệu cổ phiếu (4,08%) và không còn là cổ đông lớn của Sao Thái Dương. Thời gian giao dịch là từ 29/6 đến 2/7. Cổ phiếu SJF bắt đầu giảm mạnh từ 16/6 đến nay và mất 55,3% giá trị.
Nhóm cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trên sàn HOSE – ngân hàng tháng 7 đa số đều giảm giá trừ TPB đứng giá. Cụ thể, TCB giảm 7,2%; EIB giảm 7%; STB giảm 6%; MBB giảm 5,1%; VCB giảm 4,9%; HDB giảm 3,4%; BID giảm 3,3%; CTG giảm 1,6%; VPB giảm 1,2%.
Top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE tháng 7 có ba mã tăng giá gồm SAB tăng 7%; NVL tăng 5,9%; VHM tăng 2,9%. Bảy mã giảm giá gồm TCB, GAS và VNM cùng giảm 5,1%; VCB; BID; VIC giảm 1,7%; CTG.
Trong khi đó, trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 2,25 điểm trong tháng 7, hay 2%, xuống mức 107,51 điểm. Giá trị giao dịch trung bình phiên giảm 42% so với tháng 6, đạt 418 tỷ đồng; khối lượng trung bình phiên giảm 44% lên mức 41,1 triệu đơn vị.
Chỉ số HNX-Index tháng 7 ghi nhận 10 phiên tăng điểm và 13 phiên giảm.
Trong nhóm cổ phiếu tăng giá nhanh nhất trên sàn Hà Nội, SCI (CTCP SCI E&C) dẫn đầu khi tăng 168% từ 14.500 đồng/ cổ phiếu lên 38.900 đồng/cổ phiếu với 10 phiên trần.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của SCI E&C, cổ đông đã thông qua phương án phát hành hơn 12 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/đơn vị để tăng vốn điều lệ. Thời gian dự kiến là quý III – quý IV năm nay.
Ở phía ngược lại, LO5 (CTCP Lilama 5) giảm mạnh nhất với 47,2% xuống mức 1.900 đồng/ cổ phiếu .
Top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn Hà Nội trong tháng 7 có bốn mã tăng giá gồm DL1 tăng 9,8%; IDC tăng 3,9%; PHP tăng 3,2%; PVI tăng 2,3%. Sáu mã giảm giá gồm PVS giảm 10,1%; SHB giảm 9,2%; VCS giảm 8,2%; VIF giảm 6,5%; VCG giảm 1,5%; ACB giảm 1,3%.