Mục tiêu đến năm 2025 có 55% người Việt mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm.
>> Kịch bản ứng phó làn sóng thứ hai của Covid-19
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 là 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm.
Doanh số thương mại điện tử của mô hình thương mại điện tử doanh nghiệp – người tiêu dùng (B2C) (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Dịch vụ phụ trợ cho thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt đạt 50%, trong đó qua các tổ chức trung gian thanh toán chiếm 80%, chi phí trung bình cho chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm 10% giá thành sản phẩm trong thương mại điện tử.
70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử, xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử.
Về tương quan phát triển thương mại điện tử giữa các vùng kinh tế, các địa phương ngoài Hà Nội và TP.HCM chiếm 50% giá trị giao dịch thương mại điện tử B2C của toàn quốc; 50% số xã và các đơn vị hành chính tương đương trên cả nước có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến.
Quyết định cũng đặt yêu cầu 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến, 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (gồm cả mạng xã hội), 40% doanh nghiệp tham gia trên các ứng dụng di động, 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2019 do Google và Temasek công bố cuối năm ngoái, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 81% – nhanh thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.
Còn theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2019 được Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phát hành, mức tăng trưởng của thị trường Việt Nam cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử cũng tăng vọt. Năm 2018, cả nước có 39,9 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, tăng 11,8% so với năm 2017 và tăng gần gấp đôi chỉ sau 3 năm. Giá trị mua sắm trực tuyến bình quân đầu người đạt 202 USD, tăng 8,6%.
Trong khi đó, tỷ trọng doanh thu từ thương mại điện tử trên tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước năm 2019 đạt 4,2%, tăng 0,6% so với năm trước đó.
Trong báo cáo thường niên của We Are Social và Hootsuite hồi đầu năm, 66% người dân Việt Nam sẽ tiếp cận với internet trong năm nay; 98% trong số đó mua hàng qua mạng theo nhận định của Nielsen. Thị trường bán lẻ trực tuyến đã trở nên sôi động hơn trong những năm gần đây cùng với xu hướng internet hóa cộng đồng.
(Theo TheLEADER)