Chứng khoán ngày 20/4, VN-Index đóng cửa phiên tại 794,97 điểm, tăng 5,37 điểm, trong đó SAB góp phần vào đà tăng với 2,1 điểm ảnh hưởng.
HOSE – SAB nổi bật
Bất chấp chuỗi ngày dài bán ròng mạnh của nhà đầu tư ngoại, việc kiểm soát tốt dịch bệnh sau hơn 2 tuần cách ly xã hội, cùng tác động tích cực từ sự phục hồi của thị trường chứng khoán thế giới đã giúp tâm lý nhà đầu tư trong nước hưng phấn và dòng tiền nội chảy mạnh.
Trải qua 12 phiên giao dịch trong tháng 4, chỉ số VN-Index đã có tới 11 phiên tăng điểm và 1 phiên điều chỉnh, do đó đã tăng tới 127 điểm, tương đường 19,18% và chốt tuần trước sát mốc 790 điểm.
Sự hưng phấn được duy trì khi bước vào phiên ngày 20/4, lực cầu tiếp tục gia tăng ở nhóm cổ phiếu lớn, sau 20 phút đầu giao dịch, chỉ số VN-Index tăng tới gần 8 điểm và dần tiệm cận ngưỡng kháng cự mới 800 điểm. Sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện tử với 213 mã tăng giá. Còn rổ VN30 có 22 mã tăng với sự dẫn dắt của SAB và MWG khi tăng hơn 3%.
Tuy nhiên, một số công ty chứng khoán nhận đinh, 800 điểm được xem là ngưỡng tâm lý quan trọng giúp thị trường chính thức xác nhận xu hướng hồi phục ngắn hạn sau đợt giảm sâu cuối tháng 3. Đây là vùng kháng cự mạnh nên khó tránh khỏi áp lực bán gia tăng, chỉ số chính quay đầu rớt 10 điểm xuống vùng 786 điểm, thấp hơn 3 điểm so với tham chiếu, tạo đáy thấp nhất trong ngày vào lúc 10h5’. Thời điểm này, tuy rằng, rổ VN30 chỉ có 6 mã tăng giá, nhưng trong đó, SAB làm trụ đỡ lớn kìm hãm đà giảm của thị trường khi tăng giá 5%.
Dòng tiền vớt đáy gia tăng mạnh sau đó giúp chỉ số VN-Index lấy lại đà tăng và tạm dừng phiên sáng tại 795,15 điểm, tăng 5,55 điểm (+0,7%) so với tham chiếu. Thị trường ghi nhận thêm một phiên sáng giao dịch sôi động khi giá trị giao dịch đạt 2,79 nghìn tỷ đồng, tương đương 197,45 triệu đơn vị, tăng 1% về giá trị và 12% về khối lượng so với phiên trước đó.
Đến chiều, đà tăng tiếp tục được duy trì, VN-Index lần nữa hướng tới mốc 800 điểm. Như đã nói ở trên, áp lực bán lần nữa tăng mạnh khi chỉ số này đạt 797 điểm, cao hơn 9 điểm so với tham chiếu. Tuy nhiên, tâm lý hưng phấn trên thị trường giúp VN-Index chỉ điều chỉnh nhẹ so với mức đỉnh và đóng cửa phiên tại 794,97 điểm, tăng 5,37 điểm (+0,68%).
Chốt phiên hôm nay có 212 mã tăng và 154 mã giảm giá, trong đó, 38 mã tăng trần và 4 mã giảm sàn.
Rổ VN30 có 13 mã tăng giá, trong đó duy nhất mã SAB tăng trần. Ba mã tăng trên 3% gồm PLX tăng 6,04%, POW tăng 3,98%; STB tăng 3%.
Ở phía ngược lại của rổ, MBB giảm mạnh nhất với 2,06%, các mã giảm còn lại giảm trên dưới 1%.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, ở cổ phiếu riêng lẻ, SAB góp phần vào đà tăng của chỉ số VN-Index với 2,1 điểm ảnh hưởng.
Hai cổ phiếu lớn ngành năng lượng gồm PLX và GAS cũng trở thành trụ lớn của chỉ số chính với 1,5 điểm ảnh hưởng.
Nhóm cổ phiếu hàng không đa số đều tăng giá ngoại trừ VJC giảm nhẹ 0,17%, nên góp phần vào đà tăng điểm của VN-Index với 0,7 điểm ảnh hưởng.
Trong khi đó, ngành ngân hàng có duy nhất mã VCB tăng nhẹ 0,7%. Do đó, ngành này đã kìm hãm đà tăng lên VN-Index với 0,9 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch hôm nay tăng 8% về lượng nhưng giảm nhẹ 3% về giá trị so với phiên trước, đạt 336 triệu đơn vị, tương ứng với 5,2 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 31,46 triệu đơn vị, giá trị 0,83 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã ITA (tăng trần) với 22,4 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là ROS (-1,5%) với 16,4 triệu đơn vị và PVD (tăng trần) đạt 12,2 triệu đơn vị.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 15 liên tiếp với 342 tỷ đồng, tương đương 15,18 triệu đơn vị, giảm 13% về giá trị nhưng tăng 2% về lượng so với phiên trước.
Trong đó, HPG tiếp tục dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 28,42 tỷ đồng, tương đương 1,3 triệu đơn vị.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là VIC với 65,74 tỷ đồng, tương đương 686 nghìn đơn vị, ghi nhận phiên thứ 14 bán ròng liên tiếp. Tiếp đó, DBC bán ròng 48,4 tỷ đồng, VNM với 42,81 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm nay, bảy mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, ACC (CTCP Bê tông Becamex; đóng cửa giá trần) tăng 210 lần; SGT (CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn; giá trần) tăng 48,2 lần; PGC (Tổng công ty Gas Petrolimex) tăng 9,3 lần; TIP (CTCP Phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa) tăng 6,6 lần; ITA (CTCP Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo; giá trần) tăng 5,6 lần; SZC (CTCP Sonadezi Châu Đức; giá trần) tăng 4,6 lần; CSM (CTCP Công nghiệp cao su miền Nam) tăng 4,5 lần.
HNX – Nhóm ngân hàng trở thành gánh nặng
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng vọt qua ngưỡng 111 điểm vào đầu phiên sáng, cao hơn gần 2 điểm so với tham chiếu. Sau đó, áp lực bán gia tăng khiến HNX-Index bật lại và dao động ở vùng 110 điểm trong gần hết thời gian còn lại.
Sau phiên ATC, chỉ số HNX-Index đóng cửa tại 109,68 điểm, giảm 0,78 điểm (-0,71%), với 98 mã tăng giá và 57 mã giảm giá.
SHB (-3,33%), ACB (-1,43%) và VCS (-3,1%) là ba mã góp phần nhiều nhất vào đà giảm của chỉ số HNX-Index với lần lượt 0,44 điểm, 0,24 điểm và 0,2 điểm ảnh hưởng.
Ở phía ngược lại, PVS (+5,74%) dẫn đầu kìm hãm đà giảm của chỉ số chính với 0,2 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch tăng 43% về lượng và 24% về giá trị so với phiên trước, đạt 72,15 triệu đơn vị, tương ứng với 0,69 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, PVS dẫn đầu sàn khi đạt 10,1 triệu đơn vị. HUT (+6,3%) theo sau với 8,9 triệu đơn vị, SHB (-3,3%) đạt 4,9 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 36,17 tỷ đồng, tương đương 6,51 triệu đơn vị, tăng 28% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 20 mã và mạnh nhất là VCS được mua ròng 150 triệu đồng, tương đương 2,3 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 37 mã và mạnh nhất là PVS đạt 12 tỷ đồng, tương đương 960 nghìn đơn vị.
Trên sàn HNX hôm nay, bảy mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, HKB (Nông nghiệp và thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc) tăng 13 lần; PLC (Tổng công ty hóa dầu Petrolimex; đóng cửa giá trần) tăng 6,8 lần; DGC (Bột giặt và hóa chất Đức Giang) tăng 6,3 lần; KVC (Sản xuất xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ) tăng 6,1 lần; DHT (Dược phẩm Hà Tây) tăng 6 lần; ACM (Tập đoàn khoáng sản Á Cường; giá trần) tăng 5,1 lần; BII (Đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư) tăng 4,6 lần.
Bình luận cuối ngày
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index dự báo sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 800-820 điểm. Tuy nhiên, BVSC lưu ý rằng, chỉ số có thể gặp phải áp lực rung lắc và điều chỉnh khi tiếp cận vùng cản này trong một vài phiên kế tiếp.
Dòng cổ phiếu dẫn dắt và vốn hóa lớn đang có dấu hiệu chững lại ở các vùng giá cao sau một nhịp tăng trưởng mạnh về giá. Dòng tiền đang có sự dịch chuyển đến các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều thuộc nhóm midcap và penny.
BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 15-20% cổ phiếu. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì nắm giữ vị thế hiện có và thực hiện bán chốt lời dần từ vùng 790 đến 820 điểm.
Ngoài ra, Công ty chứng khoán MB (MBS) nhận định, thị trường đã bước vào sóng tăng điểm, nhà đầu tư đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi xu hướng tăng của thị trường và mạnh tay xuống tiền. Thanh khoản đã ở mức bùng nổ khi tiến tới gần mốc 800 điểm, như vậy có thể thấy dòng tiền đã được kích hoạt và nhà đầu tư đã chờ đợi thị trường tạo sóng rõ ràng để mua vào mạnh mẽ.
Về kỹ thuật, điểm số tăng liên tiếp kèm sự hỗ trợ của thanh khoản là dấu hiệu xác nhận xu hướng tăng bền vững. Với quán tính tăng như hiện nay, mốc cản 815 điểm hoàn toàn có thể bị chinh phục, tuy vậy những nhịp rung lắc vẫn xuất hiện trước khi thị trường hướng đến vùng giá mục tiêu.
Theo MBS, nhà đầu tư ngắn hạn hạn chế mua đuổi cổ phiếu giá cao và nên tận dụng nhịp tăng điểm này để chốt lời những cổ phiếu đã đạt mục tiêu lợi nhuận.
>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/4: Hạ giá FPT khuyến nghị mua