Người hùng của Warren Buffett – ông vua quỹ chỉ số John Bogle, đã đưa ra ba lời khuyên quý báu cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
>> 7 nguyên tắc để trở thành tỷ phú của Warren Buffett
Wa.rren Buffett từng viết trong bức thư gửi cổ đông năm 2016: “Nếu cần dựng một bức tượng để tôn vinh người đã giúp đỡ nhiều nhất cho các nhà đầu tư Mỹ, người đó chính là John ‘Jack’ Bogle. Đối với tôi và hàng triệu nhà đầu tư, ông ấy là một người hùng”.
Người mà Warren Buffett nhắc đến chính là Nhà sáng lập, Chủ tịch Quỹ đầu tư Chỉ số Vanguard John Bogle, người mà hàng chục năm qua luôn khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào các Quỹ đầu tư chỉ số với chi phí cực thấp nhưng đem lại lợi nhuận hợp lý ổn định trong dài hạn.
Ông vua quỹ chỉ số – người hùng của Warren Buffett đưa ra những lời khuyên quý báu cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ sau:
Đầu tư đơn giản, cắt giảm chi phí
Có thể nói đầu tư đơn giản là tư tưởng chủ đạo trong phong cách của John Bogle. Tư tưởng đó được gói gọn trong một công thức:
Suất sinh lợi ròng = Suất sinh lợi gộp – thuế và loại phí.
Các nhà đầu tư thường quá chú trọng vào suất sinh lợi gộp mà bỏ qua thuế và phí, đó là một sai lầm nghiêm trọng. Warren Buffett đồng tình: “Những nhà đầu tư biết tránh những khoản chi phí cao và không cần thiết và chỉ cần nắm giữ dài hạn một danh mục gồm các cổ phiếu tốt thì gần như chắc chắn sẽ có lợi nhuận cao”.
Tác giả Alexander Elder cũng nói trong cuốn sách “Trading for a living”, thị trường chứng khoán không phải là một cuộc chơi với tổng bằng 0 (zero-sum game) mà là một cuộc chơi với tổng âm (minus-sum game) vì người thua mất nhiều hơn người thắng nhận được.
Phần chênh lệch chính là chi phí giao dịch và thuế. Để chiến thắng trên thị trường chứng khoán, một nhà đầu tư không những phải vượt lên trên các nhà đầu tư khác mà còn phải vượt lên các khoản thuế và phí.
Để tiết kiệm chi phí và thuế, John Bogle khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào các quỹ đầu tư chỉ số thụ động (Index Fund) vì cả chi phí quản lý, quản trị, giao dịch và thuế của các quỹ này đều thấp hơn đáng kể so với các quỹ đầu tư chủ động. Hơn nữa trong dài hạn, lợi nhuận của các quỹ chỉ số không hề thua kém các quỹ đầu tư chủ động.
Những nhà đầu tư muốn tự mình lựa chọn cổ phiếu cũng cần lưu ý điểm này. Giao dịch nhiều thì chắc chắn sẽ mất nhiều phí và thuế hơn nhưng chưa chắc đã mang lại lợi nhuận cao hơn.
Tính đơn giản trong đầu tư còn thể hiện nhà đầu tư nên ưu tiên sử dụng đa dạng các công cụ đầu tư đơn giản như cổ phiếu lớn, trái phiếu có xếp hạng cao, biết cân bằng lợi nhuận – rủi ro và cả chi phí. Không nên chạy theo những sản phẩm mới, lạ, phức tạp mà mình không hiểu rõ.
Phong độ chỉ là nhất thời
Suất sinh lợi cao đột biến của một danh mục đầu tư thường không thể duy trì lâu, và sẽ sớm quay trở về mức trung bình của thị trường (mean reversion), thậm chí là dưới trung bình. Nói cách khác, không có cái gì chỉ đi theo một chiều mãi.
John Bogle từng lập một bảng xếp hạng gồm 681 quỹ đầu tư trong giai đoạn 1982 – 1992. Mỗi năm ông chọn 20 quỹ có suất sinh lợi tốt nhất, thứ hạng cao nhất rồi theo dõi xem năm sau các quỹ này xếp thứ bao nhiêu. Kết quả, quỹ nào năm trước đứng số 1 thì trung bình năm sau chỉ đứng số 100. Còn tính chung cả 20 quỹ đầu bảng năm trước thì sang năm sau chỉ còn đứng thứ 284.
Năm 2006 ông lại thực hiện khảo sát 1440 quỹ giai đoạn 1995 – 2005 và thu được kết quả tương tự. Quỹ nào năm ngoái xếp thứ 1 thì năm sau tụt xuống vị trí thứ 949, tức là dưới trung bình. Tính chung cả 20 quỹ đầu bảng năm trước, thứ hạng năm sau chỉ là thứ 619.
Gần đây hơn, vào năm 2008 Warren Buffett đặt cược 1 triệu USD rằng đầu tư vào quỹ chỉ số sẽ mang lại thành quả cao hơn là đặt vào 5 quỹ đầu cơ (hedge fund) do công ty quản lý tài sản Protégé Partners lựa chọn. Năm quỹ đầu này có khởi đầu rất thành công khi đánh bại quỹ chỉ số S&P 500 trong năm 2008.
Tuy nhiên chỉ số S&P 500 đã giành chiến thắng tất cả các năm sau đó. Đúng 10 năm sau ngày đánh cược, chỉ số S&P 500 mà Warren Buffett lựa chọn đã tăng 125,8% trong khi 5 quỹ đầu cơ kia chỉ thu về khoản lợi nhuận bình quân là 36%.
Nhà đầu tư nào không hiểu nguyên lý “lợi nhuận sẽ quay về mức trung bình” mà tin lời quảng cáo rồi mù quáng đổ tiền vào những quỹ hay cổ phiếu có tăng trưởng ấn tượng trong 1 năm chắc chắn sẽ không tránh khỏi thất vọng vào những năm về sau.
Đừng thay đổi kỳ vọng vì những thông tin nhiễu tạp
Bogle cảnh báo: “Đừng thay đổi kỳ vọng của mình chỉ vì những thông tin nhiễu tạp trên thị trường”. Cha đẻ của thuyết đầu tư giá trị, Benjamin Graham cũng đồng ý với nhận định này: “Vấn đề lớn nhất – thậm chí là kẻ thù lớn nhất – của nhà đầu tư thường chính là bản thân mình”.
Nhiều nhà đầu tư có kiến thức và kỹ năng nhưng bản lĩnh thiếu vững vàng nên ùa theo tâm lý đám đông, kết quả là chịu cảnh bị dẫm đạp bởi nghìn vạn con bò, con gấu trong đám đông thị trường.
Các công ty môi giới chứng khoán cũng góp phần làm lung lay tâm lý vì họ muốn nhà đầu tư giao dịch và trả phí nhiều hơn. Họ hay nói “Đừng ngồi im như thế, làm gì đi”. Còn Bogle thì lại nói “Đừng làm gì cả, cứ ngồi im đó”. và “Đừng có ngày nào cũng táy máy với danh mục đầu tư của mình”.
Thay đổi chiến lược nhầm thời điểm có thể là sai lầm nghiêm trọng nhất mà nhà đầu tư mắc phải. Một trong những ví dụ điển hình nhất của việc đầu tư theo đám đông là dòng tiền nóng chảy vào các quỹ đầu tư cổ phiếu công nghệ trong thời kỳ bong bóng dot-com những năm 1999 – 2000.
Khi giá cổ phiếu còn thấp vào năm 1990, lượng đầu tư ròng chỉ là 18 tỷ USD. Đến năm 1999 và 2000 khi thị trường ở mức đỉnh, và bong bóng chuẩn bị xì hơi, các nhà đầu tư lại đổ vào tới 420 tỷ USD, không phải các quỹ chỉ số với tăng trưởng bền vững mà vào các quỹ đầu tư mạo hiểm với tăng trưởng nóng. Đến khi thị trường sụp đổ, dòng tiền chỉ còn lại vỏn vẹn 50 tỷ USD vào năm 2002.
Khi các quỹ này đem lại suất sinh lợi tốt và có giá trị tài sản ròng cao, họ quảng cáo rầm rộ và các nhà đầu tư thi nhau đổ tiền vào mà không cần suy nghĩ. Đến khi các quỹ này làm ăn thất bát thì nhà đầu tư lại bán rẻ chứng chỉ quỹ hoặc rút tiền ra để cắt lỗ.