“Thay vì tắm nắng hoặc bơi lội, nhiều người đã trở thành nhà đầu tư F0”, báo cáo chiến lược mới đây của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam viết.
>> Thị trường chứng khoán Việt Nam: Quỹ ETF nội hút vốn ngoại
Dữ liệu được FiinTrade thống kê theo báo cáo tài chính của 40 công ty chứng khoán trên thị trường cho thấy tại ngày 30/6/2020, lượng tiền gửi của nhà đầu tư về giao dịch chứng khoán tăng mạnh 77,2% so với đầu năm, đạt 20 nghìn tỷ, trong đó chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư trong nước (chiếm 95%).
Lượng tiền này cao gần gấp 5 lần giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE từ đầu quý 3/2020 đến ngày 8/9/2020. Nhóm phân tích FiinTrade nhận định, thời điểm cuối tháng 6 là giai đoạn VN-Index điều chỉnh từ 900 về 825 điểm, vì vậy lượng tiền tăng mạnh rất có thể do nhà đầu tư trong nước bán chứng khoán hoặc nộp tiền để “bắt đáy”.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu rộng đến mọi mặt của nền kinh tế thì thị trường chứng khoán đang tỏ ra ngoại lệ khi liên tiếp tạo sóng và thu hút nhiều nhà đầu tư mới.
“Năm nay chúng ta chỉ có thể mơ về những bãi biển đầy nắng vì Covid-19 buộc các chính phủ hạn chế người dân tụ tập. Vì vậy, thay vì tắm nắng hoặc bơi lội, nhiều người đã trở thành nhà đầu tư F0 và thực hiện các giao dịch suốt ngày đêm”, báo cáo chiến lược mới đây của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam viết.
Các nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán với dòng tiền dồi dào được xem là động lực giúp VN-Index thăng hoa và ghi nhận tháng tăng mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Chỉ số đóng cửa phiên cuối tháng trước tại 881,65 điểm và vượt nhiều chỉ số chứng khoán hàng đầu thế giới như Nasdaq, S&P 500, Nikkei 225… về mức độ tăng trưởng.
Trong tháng 8, hơn 28.300 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở bởi nhà đầu tư trong nước. Số lượng tài khoản mới không còn đột biến như giai đoạn giãn cách xã hội, nhưng vẫn tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sang đến tháng 9, sau vài phiên điều chỉnh, VN-Index vượt ngưỡng 900 điểm. Báo cáo của KIS tin rằng dòng tiền trong nước vẫn chưa cạn kiệt và dự báo tháng 9 sẽ là giai đoạn sôi động nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong quãng thời gian còn lại của năm nay.
Một số phiên ghi nhận trạng thái đảo chiều trong ngày do bên mua đuối sức, nhưng tín hiệu tích cực là bên cầm cổ phiếu cũng không bán bằng mọi giá.
Theo Công ty Chứng khoán MB, trong số bình quân 5.200 tỷ đồng được sang tay mỗi phiên có đóng góp không nhỏ bởi các doanh nghiệp niêm yết sở hữu lượng tiền nhàn rỗi để đầu tư cổ phiếu hoặc mua cổ phiếu quỹ. Các tổ chức trong nước đã mua ròng hơn 3.160 tỷ đồng trong tháng 8, chênh lệch rất lớn so với vị thế bán ròng 440 tỷ đồng của tháng 7.
Cùng chung nhận định, báo cáo chiến lược tháng 9 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường chứng khoán đang hấp dẫn hơn so với vàng hay bất động sản trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều bất định, bởi yêu cầu vốn thấp và tính thanh khoản cao.
Dư nợ cho vay ký quỹ tăng mạnh kể từ cuối tháng 7 cho thấy sự hào hứng của các nhà đầu tư hiện tại trên thị trường. VDSC ước tính sơ bộ, cho vay ký quỹ cuối tháng 8 đã tăng 40% so với tháng 6.
Lạc quan, song đa phần các công ty chứng khoán không quá tự tin vào dư địa tăng trưởng của VN-Index trong năm nay. VDSC cho rằng xung lực từ tháng 8 và kỳ vọng về dòng tiền ngoại mới có thể giúp VN-Index đạt tới 920 điểm. Tuy nhiên, lực tăng có thể khó bền vững khi dư nợ ký quỹ cũng đã tăng mạnh theo cùng đà tăng của các nhóm cổ phiếu.
Trong khi đó, MBS dự báo VN-Index dao động trong vùng 870-895 điểm theo kịch bản cơ sở. Nếu có thêm nhiều động lực hỗ trợ, chỉ số có thể vọt lên vùng 905-925 điểm. Phía KIS VIệt Nam dự đoán việc bứt phá trên ngưỡng 900 điểm sẽ đẩy chỉ số lên vùng kháng cự 950 điểm, trong khi nếu đảo chiều sẽ kéo chỉ số trở lại hỗ trợ 850 điểm.
(Theo TheLEADER)