Bán tháo – Bailing out / Sell Off – chỉ việc bán nhanh bán gấp một chứng khoán hay một loại hàng hóa nào đó bất chấp giá cả, có thể bán với mức giá thấp hơn rất nhiều so với khi mua vào, như một biện pháp cứu vãn thua lỗ hơn nữa khi chứng khoán hay mặt hàng này đang theo chiều rớt giá trên thị trường. Với thị trường chứng khoán, mọi thông tin đều là tài nguyên quí giá, thì chỉ cần một tín hiệu “không lành” đã có thể gây lên hiện tượng bán tháo.
Ta có thể xem một ví dụ, bắt đầu từ thông tin đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng: Tổng Công ty Bảo Minh có khả năng bị phong toả tài khoản do chậm chi trả bảo hiểm đối với Công ty Hoàng Long trong vụ cháy nhà máy sản xuất mì ăn liền nhãn hiệu “Rồng Vàng”. Mà trên thực tế việc chi trả tiền bảo hiểm cho Công ty Hoàng Long vẫn chưa được thực hiện là do yêu cầu của nhiều cơ quan chức năng liên quan chứ không phải Bảo Minh cố tình không thực hiện. Chịu ảnh hưởng của những thông tin bất lợi, cổ phiếu Bảo Minh trên sàn Hà Nội nhiều phiên liên tiếp bị bán tháo giá sàn với khối lượng lớn.
Thuật ngữ “Bailing out” còn mang nghĩa “cứu trợ”, trợ giúp khẩn cấp cho các định chế tài chính gặp khó khăn, đặc biệt sự trợ giúp của các cơ quan quyền lực đối với các ngân hàng thương mại. Khi một Ngân hàng thương mại đứng trên bờ vực phá sản do có hiện tượng cùng một lúc khách hàng đến đòi rút tiền, Ngân hàng Trung Ương sẽ có hai cách để “bail out”: một là dùng uy tín của mình để trấn an khách hàng và xin hoãn lại việc rút tiền; hai là cho ngân hàng thương mại vay tiền để giải quyết một số khoản nợ lớn, và từ đó gây lại lòng tin đối với khách hàng. Hiện nay các tổ chức quốc tế như IMF hay WB cũng cho các ngân hàng các nước thành viên vay như một hình thức “bailing out”.