Tỷ lệ giá trên thu nhập (chỉ số P/E) là một cách để đánh giá xem cổ phiếu của một công ty là rẻ, đắt hay được định giá tương đối hợp lý dựa trên việc so sánh giá cổ phiếu hiện tại của nó với lợi nhuận mà công ty làm ra. Tuy nhiên trên thị trường chứng khoán xảy ra một nghịch lý có thời điểm chỉ số P/E trở nên rẻ hơn nhưng giá cổ phiếu lại có xu hướng đổ đèo.
Vậy nguyên nhân đến từ đâu? Cách sử dụng chỉ số này vào phân tích đầu tư hiệu quả?
>> Cắt lỗ là gì, khi nào nhà đầu tư chứng khoán nên cắt lỗ?
>> Cách xác định đỉnh và đáy của thị trường theo phân tích kỹ thuật
1. Chỉ số P/E là gì?
P/E là một công cụ thuộc bộ môn phân tích cơ bản, dùng để định giá cổ phiếu (dĩ nhiên cần kết hợp với nhiều chỉ số khác). Nó đo lường mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu so với thu nhập của cổ phiếu đó. Nói cách khác, nó cho thấy rằng nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra mức giá bao nhiêu cho 1 cổ phiếu dựa trên mức thu nhập của cổ phiếu đó. Các bạn cũng có thể hiểu P/E chính là số năm (thời gian) cần để nhà đầu tư hòa vốn khi đầu tư vào doanh nghiệp nếu lợi nhuận không đổi.
Theo lý thuyết, nếu P/E của doanh nghiệp càng cao thì nhà đầu tư mất nhiều thời gian hơn để thu hồi vốn và ngược lại P/E thấp thì nhà đầu tư mất ít thời gian hơn để thu hồi vốn. Tuy nhiên, chưa phải lúc nào doanh nghiệp có P/E thấp thì cổ phiếu đó đang được định giá rẻ.
2. Công thức tính
P/E = Giá thị trường / EPS
Hay P/E = Vốn hóa công ty / Lợi nhuận sau thuế
Trong đó:
P = Price = Market Price: Giá thị trường tại thời điểm giao dịch.
EPS = Earning Per Share: Lợi nhuận ròng của một cổ phiếu
Công thức EPS: = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức cổ phiếu ưu đãi) / Tổng số cổ phiếu thường đang lưu hành)
3. P/E được dùng như nào?
Thứ nhất: Để biết doanh nghiệp đó có đang được định giá ở mức rẻ hay đắt, ngoài chỉ số P/E, nhà đầu tư cần phải nhìn vào P/E forward chứ không phải nhìn vào P/E hiện tại. Mà P/E forward phụ thuộc vào triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp: Bởi vì chỉ số P/E là chỉ số được tính toán dựa trên công thức Price/Earning per share.
Nếu như P/E đang ở mức thấp, giá cổ phiếu không thay đổi hoặc tăng trưởng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai thì doanh nghiệp đang được định giá rẻ. Và ngược lại, nếu như trong tương lai doanh nghiệp không có sự tăng trưởng về lợi nhuận, dẫn đến P/E sẽ tăng và doanh nghiệp được định giá ở mức đắt.
Ví dụ: Như CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Hose: HSG), P/E của HSG trong quá khứ giao dịch trung bình quanh mức 8 lần và hiện tại P/E của doanh nghiệp đang ở mức 2 lần, theo lý thuyết cần 2 năm để một NĐT sở hữu cổ phiếu HSG có thể hoàn vốn, đây có thể là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, không thể chỉ nhìn mức P/E thấp ở hiện tại để đánh giá HSG thực sự hấp dẫn để đầu tư. Nhìn vào kết quả kinh doanh trong Q3/2021, doanh thu vẫn có sự tăng trưởng nhưng lợi nhuận công ty đã bắt đầu sụt giảm và đến Q1/2022, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cùng sụt giảm.
Do đó, nếu như trong tương lai doanh nghiệp tiếp tục gặp khó và lợi nhuận sụt giảm, dẫn đến chỉ số P/E sẽ tăng trong trường hợp giá cổ phiếu không thay đổi thì doanh nghiệp sẽ không còn ở mức định giá rẻ.
Thứ hai, tùy thuộc vào đặc điểm của các ngành nghề như: hàng rào gia nhập ngành, mức độ phức tạp của ngành nghề, trình độ công nghệ… doanh nghiệp sẽ có mức định giá khác nhau.
Ví dụ như các doanh nghiệp hoạt động trong ngành có rào cản gia nhập ngành thấp thì doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với áp lực giảm lợi nhuận trong tương lai là lớn và ngược lại rào cản gia nhập ngành cao thì các đối thủ cạnh tranh khó có thể gia nhập vào thị trường và “power” của doanh nghiệp với khách hàng đầu ra và nhà cung cấp lớn, dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp có xu hướng ổn định hơn.
Thứ ba, vị thế của doanh nghiệp trong ngành: Đối với những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao so với đối thủ trong ngành như về quy mô, thương hiệu, chi phí… thì thường sẽ được trả với mức P/E cao hơn so với những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh thấp hơn.
Hơn nữa, nếu như doanh nghiệp hoàn thiện thêm cả về chuỗi giá trị hoặc gia nhập vào một phân khúc mới thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội tăng trưởng cả về lợi nhuận và chỉ số P/E.
Ví dụ: như đối với ngành dệt may, đi từ chuỗi giá trị may mặc từ khâu cắt may (CMT) cho đến khâu thương hiệu (OBM). Đối với những doanh nghiệp nằm ở khâu CMT sẽ có biên gộp thấp hơn so với khâu FOB, ODM… Cụ thể, đối với MSH có tỷ trọng hàng may mặc FOB cao nhất ngành, dẫn đến biên lợi gộp tốt nhất. Do đó, MSH sẽ phải có mức định giá cao hơn so với doanh nghiệp cùng ngành may mặc.
4. Một số tip sử dụng chỉ số P/E hiệu quả
Hệ số P/E luôn được sử dụng để đánh giá mức độ rẻ hay đắt của một cổ phiếu. Nhưng nếu chỉ nhìn vào mỗi tỷ lệ P/E của công ty thì không thể biết là cổ phiếu đắt hay rẻ.
Bạn cần so sánh tỷ lệ P/E:
Của cổ phiếu với cổ phiếu của các công ty cùng ngành
Của cổ phiếu với chính chỉ số P/E trong lịch sử của nó
Của một ngành với ngành khác
Của toàn thị trường so với tỷ lệ P/E trung bình trong lịch sử của thị trường
Sau khi bạn đã đánh giá các yếu tố về khả năng tăng trưởng, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, của nền kinh tế đều tốt.
=> Thì một tỷ lệ P/E thấp là rất hấp dẫn. Thấp so với chính nó trong lịch sử. Hoặc thấp so với các đối thủ cạnh tranh trong khi khả năng tăng trưởng, chất lượng của nó lại tương đương với đối thủ cạnh tranh thì rõ ràng đây là món hời của nhà đầu tư.
Xét về tổng thể, định giá cổ phiếu trong ngắn hạn thường chạy trước kết quả kinh doanh, do vậy, trong một ngành nghề tăng trưởng hoặc một cổ phiếu có nền tảng vững mạnh bước vào giai đoạn tăng trưởng thường thị trường sẽ trả cho cổ phiếu một cái giá cao hơn mức định giá trong hiện tại. P/E cao chưa chắc đã là xấu, P/E thấp chưa hẳn đã tốt.
Do vậy vấn đề cổ phiếu đắt hay rẻ cần phải đặt vào bối cảnh của thời gian đầu tư cũng như triển vọng lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp có được đảm bảo hay không.
Nguồn: fialda.com