Từ tháng 6/2020, hàng loạt chính sách, quy định liên quan đến các lĩnh vực đầu tư xây dựng, bảo hiểm, tài sản công, ngân sách nhà nước, hỗ trợ nghề nghiệp… sẽ có hiệu lực.
>> Hai nguy cơ cho tương lai kinh tế Việt Nam
Sân golf 18 lỗ không được vượt quá 90 ha
Nghị định 52/2020NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf có hiệu lực thi hành từ 15/6. Theo nghị định này, diện tích sân golf tiêu chuẩn (18 lỗ) không quá 90ha (bình quân không quá 5ha trên một lỗ golf); diện tích sân golf xây dựng lần đầu không được quá 270 ha (54 lỗ).
Từ khi nhận được quyết định cho thuê đất, nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng sân trong thời hạn không quá 36 tháng với sân golf 18 lỗ hoặc không quá 48 tháng với các loại sân golf khác.
Các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf gồm đất mục đích quốc phòng, an ninh; đất thuộc các khu vực có yếu tố cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển…
Các hoạt động bị cấm khi kinh doanh sân golf gồm tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc, gá bạc trái phép; cản trở hoặc không chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra; không cung cấp thông tin hoặc không báo cáo khi cơ quan quản lý yêu cầu.
4 tài sản không được kê biên
Nghị định 44/2020/NĐ-CP quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành án với pháp nhân thương mại có hiệu lực từ ngày 1/6/2020.
Theo đó, bốn loại tài sản cơ quan thi hành án không được kê biên, cưỡng chế gồm: tài sản bị cấm lưu thông, tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động, lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động; nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế không phục vụ kinh doanh; trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.
Ngoài các loại tài sản trên, đơn vị thi hành án hình sự công an cấp tỉnh được phép kê biên phương tiện giao thông; quyền sử dụng đất; tài sản gắn liền với đất; tài sản đang cầm cố, thế chấp… của pháp nhân thương mại khi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực.
Tự ý cho thuê ô tô công bị phạt đến 20 triệu đồng
Thông tư 29/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 2/6.
Trong đó, khoản 1 Điều 6 nêu rõ việc xử phạt hành vi vi phạm quy định về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp… vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được thực hiện theo quy định.
Riêng đối với cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của tổ chức chính trị – xã hội sử dụng tài sản công vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thì xử phạt theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 63.
Theo đó, cơ quan, tổ chức cho thuê xe ô tô công sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng. Với cùng hành vi vi phạm, nếu do cá nhân thực hiện sẽ bị phạt tiền bằng nửa mức phạt đối với tổ chức. Do vậy, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi tự ý cho thuê trụ sở làm việc.
Các tỉnh được tạm ứng ngân quỹ nhà nước
Thông tư số 23/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định tạm ứng, vay ngân quỹ nhà nước của ngân sách nhà nước hoặc tạm ứng ngân quỹ nhà nước để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách cấp tỉnh có hiệu lực thi hành từ 1/6.
Theo thông tư này, Bộ trưởng Bộ Tài chính có quyền quyết định mức tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách trung ương để xử lý thiếu hụt tạm thời. Các tỉnh cũng có thể xin tạm ứng ngân quỹ nhà nước nhưng không được vượt quá số còn lại của dự toán chi ngân sách địa phương đã được Bộ Tài chính giao.
Việc tạm ứng, cho ngân sách nhà nước vay từ ngân quỹ nhà nước chỉ được thực hiện trong khả năng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi; đảm bảo không ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, chi trả của Kho bạc Nhà nước…
Bãi bỏ nhiều văn bản trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm
Ngày 17/4/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 28 năm 2020 bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành trong lĩnh vực chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm và tài chính ngân hàng để phù hợp với pháp luật hiện hành. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 2/6/2020.
Cụ thể, một số văn bản trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm được bãi bỏ như: Quyết định số 99/2005/QĐ-BTC về việc ban hành quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dễ cháy và dễ nổ trên đường thủy nội địa; Thông tư số 99/2011/TT-BTC hướng dẫn quản lý tài chính đối với việc thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu; Thông tư số 121/2011/TT-BTC hướng dẫn một số điều về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013…
Người mới ra tù dưới 18 tuổi được ưu tiên vay vốn, đào tạo nghề
Nội dung này được đề cập tại Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/6/2020.
Theo đó, người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.
Với đối tượng mới ra tù khác sẽ được tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới ba tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định hiện hành.
(Theo TheLEADER)