Nhờ VIC đột biến tăng trần vào cuối phiên, VN-Index ‘chuyển bại thành thắng’ khi đóng tuần này sát ngưỡng 870 điểm, tăng 0,6% so với cuối tuần trước.
>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/6: NT2, BMP, HPG, FPT, PLX, PTB
HOSE – VIC tạo bất ngờ
Bước vào phiên ngày 19/6, chỉ số VN-Index vọt lên vùng 860 điểm ngay sau đợt ATO, cao hơn 5 điểm so với tham chiếu.
Lực cầu đã cải thiện so với các phiên trước giúp chỉ số chính duy trì độ cao và tạm dừng phiên sáng tại 860,02 điểm, tăng 4,75 điểm (+0,56%) so với tham chiếu. Thanh khoản tăng 14% so với sáng qua, đạt 2,45 nghìn tỷ đồng, tương đương 230,34 triệu đơn vị.
Đến chiều, sự ‘hào phóng’ của bên mua vẫn là động lực chính giúp VN-Index từ từ đi lên. Tuy nhiên, đến gần cuối phiên, đột biến đã xảy ra với ông lớn ngành bất động sản VIC khi giá tăng trần sau 2 phiên điều chỉnh trước đó. Điều này giúp VN-Index tăng vọt và đóng cửa tại đỉnh ngày 868,56 điểm, tăng 13,29 điểm (+1,55%) so với tham chiếu.
Tuần này, chỉ số VN-Index đã tăng nhẹ 0,6%, đồng thời ghi nhận 3 phiên tăng điểm và 2 phiên giảm.
Chốt phiên hôm nay có 298 mã tăng và 103 mã giảm giá, trong đó, 25 mã tăng trần và 7 mã giảm sàn.
Rổ VN30 có 22 mã tăng giá, trong đó duy nhất VIC tăng trần. Hai cổ phiếu tăng giá trên 3% khác gồm BVH, STB.
So với cuối tuần trước, rổ VN30 chỉ có 12 mã tăng giá, trong đó ba mã tăng trên 5% gồm NVL, VRE, VIC. Ở phía ngược lại, SBT và CTD dẫn đầu khi đều giảm 6,1%.
So với ngày 29/5, rổ này có 13 mã tăng giá, trong đó ba mã tăng trên 10% gồm STB, HDB và NVL. Trái lại, ở 16 mã giảm giá, CTD dẫn đầu rớt 16,6% và ROS theo sau với 11,7%.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, với việc VIC và VRE tăng giá, VHM đứng giá, nhóm cổ phiếu Vingroup đã đóng góp chính vào đà tăng của VN-Index với 6,2 điểm ảnh hưởng.
Tất cả các cổ phiếu ngân hàng đều tăng giá hôm nay. Do đó, ngành này cũng đẩy 3,3 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch hôm nay tăng 57% về lượng và 45% về giá trị so với phiên trước, đạt 440 triệu đơn vị, tương đương 6,2 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 67,8 triệu đơn vị, tương đương 1,6 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã HQC (+5,8%) với 56,8 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Tiếp theo là ITA (tăng trần) với 38,8 triệu đơn vị và FLC (+5,4%) đạt 17,4 triệu đơn vị.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng với 47,61 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với phiên trước. Nhưng về khối lượng, khối này đã mua ròng 43,6 nghìn đơn vị.
Trong đó, VIC dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 96,95 tỷ đồng, tương đương 1 triệu đơn vị. HPG theo sau được mua ròng 41,3 tỷ đồng; NVL với 36,85 tỷ đồng; BVH với 24 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là VNM với 86,59 tỷ đồng, tương đương 751,8 đơn vị. Tiếp đến, MSN bị bán ròng 53,34 tỷ đồng; PDR với 47,98 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm nay, duy nhất ICT (CTCP Viễn thông – Tin học Bưu điện; đóng cửa giá trần) có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày.
HNX – Thanh khoản tăng mạnh
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, thanh khoản tăng giúp chỉ số HNX-Index liên tục đi lên và đóng cửa tại 115,36 điểm, tăng 2,62 điểm (+2,33%), với 115 mã tăng giá và 53 mã giảm giá.
Tuần này, chỉ số HNX-Index giảm 1,3%, đồng thời ghi nhận 2 phiên tăng điểm và 3 phiên giảm.
SHB (+5%), ACB (+2,52%) và VCG (+4,58%) là ba mã góp phần lớn nhất vào đà tăng của chỉ số chính với 1,3 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch giảm nhẹ 2% về lượng nhưng tăng 20% về giá trị so với phiên trước, đạt 52,4 triệu đơn vị, tương đương 513,5 tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, CEO (+4,5%) dẫn đầu sàn khi đạt 4,3 triệu đơn vị. HUT (đứng giá) theo sau với 4,1 triệu đơn vị, PVS (+3,7%) đạt 6,6 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX trở lại bán ròng 0,43 tỷ đồng, tương đương 113,8 nghìn đơn vị, trong khi đó, phiên trước mua ròng 4,74 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại mua ròng 35 mã và mạnh nhất là VCS với 561 triệu đồng, tương đương 8,9 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 30 mã và dẫn đầu là SHS đạt 1,25 tỷ đồng, tương đương 98 nghìn nghìn đơn vị.
Trên sàn Hà Nội hôm nay, hai mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 5 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, BLF (CTCP Thủy sản Bạc Liêu) tăng 21,8 lần; DS3 (CTCP Quản lý đường sông số 3; đóng cửa giá trần) tăng 5 lần.
Bình luận cuối phiên
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, tuần tới, thị trường dự báo sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. VN-Index nhiều khả năng sẽ dao động trong vùng được giới hạn bởi cận dưới 840-845 điểm và cận trên 883-888 điểm.
Chỉ số có thể chịu áp lực điều chỉnh nhẹ trong những phiên đầu tuần trước khi quay lại xu hướng tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự 883-888 điểm.
Mặc dù vậy, BVSC vẫn lưu ý rằng, chỉ số có thể bước vào nhịp giảm điểm sâu nếu để mất vùng hỗ trợ 840-845 điểm. Hoạt động chốt NAV bán niên của các quỹ có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng nhất định đến một số phiên giao dịch trong tuần tới.
Ngoài ra, điểm tiêu cực trong ngắn hạn vẫn là kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết. Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp kém tích cực.
Do đó, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở dưới 25% cổ phiếu. Thêm nữa, nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài thị trường để chờ đợi các tín hiệu xu hướng rõ ràng hơn hoặc có thể thực hiện mở các vị thế trading ngắn với tỷ trọng thấp nếu thị trường xuất hiện các phiên điều chỉnh và kiểm định thành công vùng hỗ trợ 860-863 điểm trong những phiên đầu tuần tới.