VN-Index lỡ mốc 770 điểm nhưng vẫn tăng 16% trong tháng 4. Trong tháng 4, tất cả các mã trong rổ VN30 đều tăng giá.
HOSE – Nghỉ lễ vui vẻ trong sắc xanh
Bước vào phiên cuối cùng của tháng 4, tâm lý nhà đầu tư phần lớn vẫn thận trọng như hai phiên trước. Chỉ số VN-Index vọt lên vùng 772 điểm, cao hơn 5 điểm (+0,67%) so với tham chiếu vào lúc 10h10, đạt đỉnh cao nhất trong ngày. Thị trường tiếp tục phân hóa mạnh với biên độ nhỏ, phía bên tăng giá chiếm ưu thế giúp chỉ số chính duy trì đà tăng.
Tuy nhiên, sau khi lên được 5 điểm, áp lực chốt lời gia tăng khiến chỉ số chính quay đầu giảm điểm và tạm dừng phiên sáng tại đáy thấp nhất trong ngày 768,26 điểm, tăng 1,05 điểm (+0,14%) so với tham chiếu. Giá trị giao dịch tăng 9,4% so với sáng qua, đạt 2,22 nghìn tỷ đồng, tương đương 139,4 triệu đơn vị.
Đến chiều, hai cổ phiếu họ Vingroup gồm VHM và VIC tăng giảm trái chiều trở thành 2 thái cực kéo đẩy mạnh chỉ số chính. Mặc dù giằng co mạnh, chỉ số VN-Index vẫn lấy lại đà tăng và quay lại vùng đỉnh ngày 772 điểm vào 13h45. Rổ VN30 có 21 mã tăng giá, trong đó nhóm ngân hàng và VJC, POW dẫn đầu với mức tăng trên 2%.
Tưởng chừng như có thể thuận lợi kết thúc phiên ở trên mức 770 điểm, nào ngờ, phiên ATC đã đẩy chỉ số VN-Index xuống hơn 2 điểm và đóng cửa tại 679,11 điểm, tăng 1,9 điểm (+0,25%) so với tham chiếu.
Vì vậy, VN-Index tăng 16% trong tháng 4 với số phiên tăng điểm gấp 4 lần số phiên giảm.
Chốt phiên hôm nay có 207 mã tăng và 146 mã giảm giá, trong đó, 21 mã tăng trần và 7 mã giảm sàn.
Rổ VN30 cho 20 mã tăng giá, trong đó CTG dẫn đầu với mức tăng 4,99%. VJC và POW theo sau khi tăng lần lượt 2,3% và 2,4%. Ở phía ngược lại, SAB giảm mạnh nhất 4,12% và VPB giảm 2,38%.
Trong tháng 4, tất cả các mã trong rổ VN30 đều tăng giá, trong đó, 6 mã tăng trên 25% gồm POW, CTD, MWG, SAB, SSI, HPG.
Tuy nhiên, tính trong tuần này, rổ VN30 chỉ có 8 mã tăng giá gồm POW dẫn đầu tăng 10%; CTG tăng 4,2%; CTD tăng 3,5%; ROS tăng 1,3%; còn TCB, NVL, VJC và HDB tăng dưới 1%. Ở phía ngược lại, trong 21 mã giảm giá, bốn mã giảm trên 3% gồm VNM, VRE, TPB và đặc biệt SAB tụt 9,4%.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm ngân hàng chỉ có VPB, EIB và TPB giảm giá, còn lại đều tăng giá với sự dẫn dắt của CTG. Do đó, ngành này góp phần lớn vào đà tăng của VN-Index với 2,5 điểm ảnh hưởng.
Trái lại, nhóm cổ phiếu Vingroup với VHM và VIC giảm nhẹ trên dưới 1%, VRE tăng trên 1% nên đã kìm hãm đà tăng của chỉ số chính với 0,8 điểm ảnh hưởng.
Ở cổ phiếu lẻ, SAB và VNM (-1,5%) là hai mã kìm hãm mạnh nhất đà tăng của VN-Index với 2 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch hôm nay tăng 14% cả về lượng và giá trị so với phiên trước, đạt 250 triệu đơn vị, tương ứng với 4,19 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 39,2 triệu đơn vị, tương đương 889,7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã CTG với 9,3 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là ITA với 7,73 triệu đơn vị và POW đạt 7,6 triệu đơn vị.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 22 liên tiếp với 493,3 tỷ đồng, tương đương 24,9 triệu đơn vị, tăng 24% về giá trị và 52% về lượng so với phiên trước. Do đó, trong tháng 4, khối này đã bán ròng 6,14 nghìn tỷ đồng và không ghi nhận phiên nào mua ròng.
Trong đó, VHM dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 22,8 tỷ đồng, tương đương 358,6 triệu đơn vị. VJC theo sau được mua ròng 16,44 tỷ đồng, CTG với 16,4 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất vẫn là VGC với 283,3 tỷ đồng, tương đương 15,3 triệu đơn vị. VNM theo sau với 75,6 tỷ đồng. VCB bị bán ròng 60 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm nay, hai mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, CRC (CTCP Create Capital Việt Nam) tăng 6,9 lần; DHC (CTCP Đông Hải Bến Tre) tăng 4,6 lần.
Theo thông tin từ doanh nghiệp, Tập đoàn Masan đã công bố báo cáo tài chính quý I/2020. Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất của tập đoàn này quý đầu năm nay đạt hơn 17.630 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ. Ba thành viên trụ cột của tập đoàn đều tăng trưởng hai chữ số, chỉ riêng Masan Resources giảm 10% doanh thu do giá khoáng sản tiếp tục ở mức thấp vì tác động của dịch bệnh.
Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) ghi nhận doanh thu bán hàng quý đầu năm tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt hơn 4.140 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện gần hai điểm phần trăm, lên 13,7%. Tuy nhiên, chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng là nguyên nhân khiến lãi sau thuế giảm 44%, chỉ đạt 35 tỷ đồng.
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) quý đầu năm nay tăng 19% lên 3.120 tỷ đồng nhờ tăng thu nhập từ hầu hết hoạt động kinh doanh. Với kết quả này, Techcombank giữ nguyên vị trí ‘á quân’ lợi nhuận các nhà băng niêm yết.
Thêm nữa, Tập đoàn Vingroup cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I năm nay với tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 15.368 tỷ đồng – giảm 29,6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán lẻ. Dù doanh thu suy giảm, lợi nhuận trước thuế quý 1 năm 2020 đạt 3.428 tỷ đồng, tăng 77,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 505 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) vừa công bố tổng thu nhập hoạt động hợp nhất trong quý đầu năm nay đạt 3.151 tỷ đồng, tăng 27,8%, và lợi nhuận trước thuế đạt 1.251 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ quý I/2019.
HNX – Giằng co ở vùng 106 điểm
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ số HNX-Index hôm nay giằng co mạnh trong vùng 106 điểm và đóng cửa tại 106,84 điểm, tăng 0,57 điểm (+0,54%), với 82 mã tăng giá và 68 mã giảm giá. Kết thúc tháng 4, chỉ số này đã tăng 15,3%, ghi nhận 14 phiên tăng điểm và 5 phiên giảm điểm.
VIF (+6,18%), VCS (+3,83%) và ACB (+0,99%) là ba mã góp phần nhiều nhất với đà tăng của chỉ số chính với 0,6 ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch tăng 26% về lượng và 18% về giá trị so với phiên trước, đạt 52,2 triệu đơn vị, tương ứng với 364 triệu tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, KLF dẫn đầu sàn khi đạt 18,8 triệu đơn vị. ART theo sau với 3,9 triệu đơn vị, NVB đạt 3 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 6,97 tỷ đồng, tương đương 1,87 triệu đơn vị, giảm 45% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 28 mã và mạnh nhất là VCS được mua ròng 6,2 tỷ đồng, tương đương 99,95 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 28 mã và mạnh nhất là TNG đạt 9,34 tỷ đồng, tương đương 755,6 nghìn đơn vị.
Trên sàn HNX hôm nay, hai có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, SRA (CTCP Sara Việt Nam; đóng cửa giá trần) tăng 4,4 lần; HHG (CTCP Hoàng Hà; giá trần) tăng 4,3 lần.
Bình luận cuối phiên
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường giao dịch với diễn biến nhàm chán khi các chỉ số chỉ giằng co nhẹ trên ngưỡng tham chiếu một chút trong cả phiên hôm nay.
Thanh khoản có sự gia tăng so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy nhà đầu tư đã hạn chế giao dịch vào thời điểm sát kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày. Khối ngoại tiếp tục chuỗi ngày bán ròng với khoảng 500 tỷ đồng trên hai sàn là điểm tiêu cực cần lưu ý.
SHS dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (4/5-8/5), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 760-785 điểm (MA20-50) trước khi bứt phá khỏi vùng này để tạo xu hướng mới.
Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể bán ra nếu như VN-Index có nhịp tăng lên quanh ngưỡng kháng cự 785 điểm (MA50). Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh 760 điểm (MA20) để tham gia một phần tỷ trọng.
Còn công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, tuần tới, Vn-Index sẽ tiếp tục có biến động giằng co với các phiên tăng giảm đan xen trong vùng 755-800 điểm. Thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu theo kết quả lợi nhuận quý I và kế hoạch kinh doanh cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết.
Dù vậy, BVSC cũng lưu ý rằng, tác động tiêu cực từ Covid-19 có thể khiến kết quả kinh doanh quý I và đặc biệt là quý II của các doanh nghiệp không được như kỳ vọng. Điều này sẽ tạo ra lực cản đáng kể đối với đà hồi phục của các nhóm cổ phiếu. Thêm vào đó, hoạt động bán ròng của khối ngoại nếu tiếp tục kéo dài có thể tạo ra hiệu ứng tâm lý không tốt khi thị trường tiếp cận các vùng kháng cự mạnh.
Vì vậy, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 15-25% cổ phiếu. Ngoài ra, sau khi đã thực hiện bán chốt lời một phần các vị thế ngắn hạn tại vùng 790-820 điểm, nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài quan sát thị trường.
>> Chứng khoán ngày 28/4: Yếu trụ cột, VN-Index thêm một phiên sụt điểm