Công ty cổ phần Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt vào tình trạng bị cảnh báo, do có tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180%. Công ty này niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội, với mã cổ phiếu VIG, hiện có thị giá 1.100 đồng/cổ phiếu.
>> Philip Fisher: Người thầy của những tỷ phú đầu tư hiện đại
Ðiều đáng nói là tình trạng của VIG không riêng lẻ. Khá nhiều công ty chứng khoán đã niêm yết trên 2 Sở, nhưng sau đó để rơi chính mình, chất thêm gánh nặng vào khối cổ phiếu yếu trên sàn và quan trọng hơn, làm giảm đi hình ảnh chuyên nghiệp của những tổ chức trung gian trên TTCK – chủ thể phải nắm vai trò dẫn dắt, tư vấn và hỗ trợ nhà đầu tư thành công.
Giá chỉ 1.000 đồng/cổ phiếu còn có mã SBS của Công ty Chứng khoán (CTCK) Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín; mã WSS của CTCK Phố Wall. Số mã có giá 2.000 – 5.000 đồng/cổ phiếu có cả chục loại.
ART của Chứng khoán BOS; APS của Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương; HBS của Chứng khoán Hòa Bình; PSI của Chứng khoán Dầu khí, AGR của Chứng khoán Agribank; VIX của Chứng khoán IB… là những cái tên đang ở vùng giá thấp, thậm chí rất thấp trên sàn niêm yết hoặc đăng ký giao dịch.
Công ty có vốn ngoại chiếm đa số là Chứng khoán Phú Hưng cũng có cổ phiếu PHS định giá dưới 10.000 đồng trên sàn UPCoM hiện nay.
Thời điểm chào sàn những năm trước đây, nhiều công ty có một khởi điểm đẹp, giá thường gấp vài lần mệnh giá.
Theo thời gian, TTCK lớn lên về quy mô và độ sâu thanh khoản, đáng lẽ, các CTCK cũng phải lớn mạnh về hiệu quả và giá trị công ty, nhưng bức tranh thực tế mang đến câu trả lời méo lệch.
Trên thị trường hiện nay, công ty được định giá tốt nhất là Chứng khoán Bản Việt, có thị giá 24.000 đồng/cổ phiếu, tiếp đến là Chứng khoán TP. HCM có giá khoảng 18.000 đồng/cổ phiếu, SSI khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu, VND, FTS khoảng 12.000 đồng/cổ phiếu, còn lại thì hoặc là thị giá rơi hẳn, hoặc chỉ loanh quanh vùng mệnh giá.
Vì sao khối tổ chức tài chính trung gian lại có định giá khiêm tốn như vậy, trong khi đây là những chủ thể đóng vai trò chuyên nghiệp nhất, tư vấn, kết nối, hỗ trợ cho các DN lên sàn, các thương vụ M&A, các hoạt động đầu tư trên TTCK?
Câu hỏi này được cổ đông của một CTCK niêm yết đặt ra với Ðầu tư Chứng khoán, chia sẻ sự thất vọng về việc giá cổ phiếu ngành chứng khoán bị để buông trôi, gây thiệt hại cho cổ đông khi muốn thoái vốn.
Câu hỏi khác cổ đông này nêu ra là: “Khi các CTCK thị giá thấp đi tư vấn cho doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp hỏi ngược cổ phiếu của ông/bà trên sàn thế nào, thì câu trả lời sẽ ra sao?”.
Sự chuyên nghiệp và hiệu quả đã không được chăm chút và thể hiện rõ nét trong chính định giá cổ phiếu của đa số CTCK, như vậy thật khó để mang đến niềm tin rằng, công ty sẽ cung cấp tốt những dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp và hiệu quả cho các DN khác.
Ðiều đáng nói là không ít CTCK bị định giá thấp đang có hiệu quả kinh doanh tốt hơn mặt bằng chung thị trường. Hiện trạng này xảy ra bởi nhà đầu tư cảm nhận rõ cổ phiếu của khối CTCK bị “buông trôi”, dòng tiền không có lý do chảy vào vì không nhìn thấy có cơ hội nào kiếm lãi.
Thị giá cổ phiếu được xác định theo quan hệ cung cầu, mà cung cầu được xác lập theo những đánh giá khác nhau của các chủ thể tham gia dựa trên những yếu tố cơ bản như giá trị sổ sách, giá trị vô hình, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.
Nên chăng, các CTCK cần làm mới giá trị của mình không chỉ ở các con số tài chính, mà là ở những giá trị mềm như tầm nhìn, tư duy người lãnh đạo, giá trị của đội ngũ, của sự cam kết mang lại lợi ích lâu dài cho nhà đầu tư, với cổ đông… để cải thiện hiện trạng “hàng chuyên nghiệp bị định giá bèo” như hiện nay.
Trong quá trình vận hành của TTCK Việt Nam, những công ty quá yếu kém cần phải được thanh lọc, nhưng những công ty tốt tại sao lại cứ để giá trị của mình rơi?
(Theo ĐTCK)