Thị trường cổ phiếu và tiền tệ của các nền kinh tế đang phát triển giàu có hơn đang vượt trội so với các quốc gia đang phát triển nhưng nghèo hơn trong bối cảnh đại dịch.
>> Doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục thâu tóm công ty chứng khoán Việt Nam
Một nghiên cứu của Bloomberg về 17 thị trường mới nổi đã cho thấy mối tương quan 42% giữa GDP bình quân đầu người và hiệu suất cổ phiếu kể từ khi đợt bán tháo bắt đầu do đại dịch xuất hiện từ ngày 20/1 cho đến đầu tuần này. Bên cạnh đó, tương quan giữa GDP bình quân đầu người và hiệu suất của tiền tệ là 31%.
Rob Subbaraman, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của Nomura Holdings Inc. ở Singapore cho biết, miễn là virus còn kéo dài, sự phân kỳ hình chữ K giữa 2 nhóm nền kinh tế mới nổi châu Á sẽ tiếp tục diễn ra.
“Trong nền kinh tế khu vực thị trường mới nổi với nợ tăng nhanh và suy thoái sâu, chi phí trả nợ sẽ ngày càng nặng nề hơn và chúng tôi không thể loại trừ một số cuộc khủng hoảng tài chính hoặc tái cơ cấu nợ lớn”, ông cho biết.
Các nền kinh tế mới nổi giàu có hơn đã hồi phục tốt từ đợt bán tháo tháng 3 do công nghệ và quản trị tiên tiến hơn đã giúp họ linh hoạt hơn để ứng phó với đại dịch. Các quốc gia này có thể hạn chế ảnh hưởng từ việc đóng cửa và giãn cách xã hội, thực hiện các phản ứng tài chính lớn hơn và được trang bị tốt hơn các nguồn lực cần thiết để kiềm chế sự bùng phát đại dịch.
Sự phân hóa giàu nghèo giữa các thị trường mới nổi là lớn nhất ở châu Á. Lợi nhuận cổ phiếu từ 4 nền kinh tế có GDP bình quân đầu người trên 10.000 USD vào năm 2019 – Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia đã cao hơn 20% so với các nền kinh tế phía dưới mức đó, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Thái Lan.
Bên cạnh đó, một phần dẫn đến sự khác biệt này là các quốc gia giàu có hơn có số lượng các công ty công nghệ niêm yết nhiều hơn và các nhà chức trách cũng có thể chi tiêu nhiều hơn để trấn an người dân và nhà đầu tư.
Trong tương lai, tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn, chính sách tài chính mở rộng hơn và dịch vụ y tế mạnh mẽ hơn có thể giúp các quốc gia giàu có hơn duy trì vị trí dẫn đầu trong quá trình phục hồi kinh tế.
Mặt khác, các nền kinh tế mới nổi giàu có hơn có khả năng được tiếp cận với vắc xin Covid-19 hiệu quả sớm hơn khi tiếp theo sau các quốc gia phát triển giàu có. Thậm chí, có nguy cơ các nền kinh tế lớn hơn sẽ độc quyền cung cấp vắc xin như một kịch bản đã xảy ra trong đại dịch cúm lợn năm 2009, theo Simon Flint, chiến lược gia khu vực thị trường mới nổi của Bloomberg.
Tsutomu Soma, nhà giao dịch trái phiếu tại Monex Inc. ở Tokyo cho biết: “Không có nhiều thị trường mới nổi có khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến và họ sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhận thấy sự phân hóa ở các thị trường phát triển và mới nổi trong tương lai”.
(Theo ĐTCK)