Trong quý II/2020, dẫn đầu khu vực là lĩnh vực thương mại điện tử huy động được 691 triệu USD, lĩnh vực vận chuyển, 360 triệu USD và lĩnh vực công nghệ tài chính, 496 triệu USD.
>> Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 sẽ diễn biến ra sao?
Theo dữ liệu từ DealStreetAsia, trong quý II/2020, giá trị các giao dịch huy động vốn trong khu vực Đông Nam Á tăng 91%, đạt 2,7 tỷ USD, số lượng giao dịch tăng 59% lên 184 so với cùng kỳ năm 2019.
Dù lệnh giãn cách xã hội vẫn được áp dụng tại nhiều quốc gia, nhưng điều này không thể ngăn nổi các khoản đầu tư của “cá mập”. Cụ thể, trong quý vừa qua, dẫn đầu khu vực là lĩnh vực thương mại điện tử, huy động được 691 triệu USD, vận chuyển, 360 triệu USD và công nghệ tài chính, 496 triệu USD.
Công ty huy động vốn lớn nhất trong quý vừa qua là Tokopedia – đã huy động được 500 triệu USD từ quỹ Temasek của Singapore.
Tiki – công ty thương mại điện tử của Việt Nam cũng huy động được 130 triệu USD từ Northstar Group. Ông Ngô Hoàng Gia Khánh – Phó Chủ tịch phát triển doanh nghiệp Tiki cho hay, doanh nghiệp này ghi nhận tăng trưởng đáng kể về nhu cầu mua sắm của khách hàng trong thời gian đại dịch, đặc biệt là khẩu trang, nước rửa tay và nhu yếu phẩm.
Nhờ sử dụng mạng lưới các trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên toàn quốc cũng như miễn phí lắp đặt hàng hóa cồng kềnh, Tiki tạo được sự khác biệt so với các đối thủ trong nước và khu vực.
Khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng lên, các công ty logistic cũng hưởng lợi. Ninja Van của Singapore trong tháng 5 đã kịp chốt hợp đồng nhận đầu tư 279 triệu USD trong khi Kargo của Indonesia cũng nhận vốn 31 triệu USD.
Ở mảng công nghệ tài chính, những cái tên nổi bật trong quí gần nhất là Paymaya của Philippines và Wave Money của Myanmar. Họ lần lượt gọi vốn thành công 120 triệu USD và 73,5 triệu USD.
Trong khi các startup về công nghệ hưởng lợi trong mùa dịch, nhiều startup buộc phải giảm chi phí để tồn tại, đặc biệt là các startup trong lĩnh vực vận chuyển và du lịch.
Song vẫn có người đi ngược lại xu hướng, chẳng hạn Gojek. Siêu ứng dụng của Indonesia huy động được 300 triệu USD, còn dịch vụ du lịch trực tuyến Traveloka cũng gọi được 100 triệu USD trong cùng kỳ. Cả hai cũng bị buộc phải sa thải một số nhân sự để cắt giảm chi phí.
Sự hiện diện của Gojek trong mọi mặt đời sống người dân Indonesia – từ thanh toán, gọi xe tới giao đồ ăn – là yếu tố thu hút các nhà đầu tư. Đây là startup Indonesia đầu tiên được Facebook rót vốn. Còn với trường hợp của Traveloka, nhà đầu tư vẫn hi vọng công ty sẽ khôi phục tăng trưởng một khi ngành du lịch hồi sinh.
(Theo TheLEADER)