Biến đổi khí hậu không chỉ đem lại những thách thức mà còn có thể tạo ra động lực và cơ hội cho những thay đổi như những mô hình kinh doanh mới, các sản phẩm mới hoặc công nghệ mới.
>> Ông Trump tuyên bố vắc-xin Covid-19 của Mỹ sẽ sẵn sàng trong 3-4 tuần tới
Nhìn chung, các doanh nghiệp nhận thấy cả tác động tích cực lẫn tiêu cực của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lên hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cả hai nhóm doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều nghiêng hơn về tác động tiêu cực.
Cụ thể, 54% doanh nghiệp lựa chọn bị tác động tương đối nhiều/ rất nhiều trong sản xuất kinh doanh, cao nhất trong các lựa chọn. Kế đến là năng suất lao động bị giảm do thời tiết khắc nghiệt và suy giảm doanh thu, theo báo cáo “Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu với doanh nghiệp Việt Nam” mới đây từ Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Báo cáo cho biết có tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp được khảo sát phản ánh về ảnh hưởng bị gián đoạn kênh vận chuyển (46%) và tăng chi phí sản xuất kinh doanh (44%).
Xét theo vùng và khu vực kinh tế, các doanh nghiệp thuộc vùng duyên hải miền Trung đang chịu tác động từ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lớn hơn cả so với các vùng còn lại. Các doanh nghiệp dân doanh chịu tác động tiêu cực lớn hơn doanh nghiệp FDI ở tất cả các vùng.
“Có thể các doanh nghiệp FDI với việc đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hơn cả về cơ cơ sở vật chất và trình độ quản trị, nên họ có thể dự liệu và chống chịu tốt hơn và do đó ít chịu tác động tiêu cực của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu hơn so với các doanh nghiệp dân doanh”, báo cáo nhận định.
Đáng chú ý, số ngày trung bình bị gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp lên tới 16 ngày. Tại một số doanh nghiệp (chiếm 1,5% lượng doanh nghiệp trả lời), con số này lên tới trên 100 ngày và một vài trường hợp thậm chí còn bị gián đoạn hoạt động tới gần nửa năm.
Về cơ bản, các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai khoáng là nhóm bị gián đoạn hoạt động nhiều nhất, kế đến là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Xét về giá trị tổn thất, giá trị trung bình tổn thất đối với một doanh nghiệp là khoảng 95,2 triệu.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có mức tổn thất rất lớn nên có thể kéo giá trị trung bình này lên. Cụ thể, có gần 100 doanh nghiệp cho biết bị thiệt hại trên 1 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,6% số doanh nghiệp cung cấp thông tin.
Ứng phó với biến đổi khí hậu
Báo cáo cho biết các doanh nghiệp đã triển khai khá nhiều hoạt động để đối mặt với những tác động, thiệt hại gây ra bởi các hiện tượng của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.
Cụ thể, nhiều nhất là việc gia cố, sửa chữa nhà xưởng, khu làm việc hiện tại như nâng nền, chằng chống nhà xưởng chống gió, bão (53% doanh nghiệp lựa chọn), điều chỉnh giờ làm việc do thời tiết khắc nghiệt (30%), đào tạo cán bộ, nhân viên về ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu (28%) hoặc tham gia công tác ứng cứu, khắc phục sau thiên tai (28%).
Có một số lượng đáng kể doanh nghiệp cho biết đã thay đổi chiến lược, phương thức kinh doanh do thách thức từ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu (26%), xây dựng lại nhà xưởng (24%).
Điều đáng lưu ý là có tới 19% số doanh nghiệp cho biết họ có nâng cấp công nghệ sản xuất và thậm chí là 18% có yêu cầu đối tác kinh doanh cùng có kế hoạch ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.
Xét về khu vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp FDI có tiến hành các hoạt động ứng phó ít hơn so với các doanh nghiệp dân doanh trong nước, có thể do các doanh nghiệp FDI thường có “hạ tầng cứng” tốt hơn khi thường đầu tư bài bản, chuyên nghiệp về cơ sở hạ tầng nhà xưởng ngay từ đầu, đồng thời thường có địa điểm nhà xưởng ở những nơi ít bị tác động bởi rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.
Cùng với việc tiến hành các hoạt động cụ thể để ứng phó đối với tác động, các doanh nghiệp hiện nay còn có thể giảm thiểu thiệt hại bằng cách sử dụng một số sản phẩm bảo hiểm.
Loại sản phẩm bảo hiểm phổ biến hiện đang được sử dụng là bảo hiểm cơ sở vật chất, máy móc và hàng hóa với 55% doanh nghiệp FDI và 33% doanh nghiệp dân doanh có sử dụng loại sản phẩm này.
Cơ hội để hành động
Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhiều doanh nghiệp cho rằng rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cũng mang lại các cơ hội nhất định.
Khoảng 30% cho biết họ nhận thấy có cơ hội cho việc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất trong khi 18% doanh nghiệp cho rằng đây là cơ hội để tạo ra sản phẩm, dịch vụ và công nghệ mới.
Báo cáo cho biết các doanh nghiệp dân doanh lạc quan hơn so với các doanh nghiệp FDI. Nguyên nhân có thể bởi các doanh nghiệp dân doanh có mức độ linh hoạt trong điều chỉnh hoạt động hơn do quy mô thường nhỏ, gọn, từ đó có thể dễ dàng thực hiện các hoạt động như tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, tạo sản phẩm, dịch vụ hay phát triển thị trường mới hơn so với các doanh nghiệp FDI.
Đáng ngạc nhiên, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản lại là nhóm có tỷ lệ nhận thấy có cơ hội cao hơn hẳn các nhóm còn lại. Kế đến là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo và trong lĩnh vực xây dựng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai khoáng và thương mại dịch vụ là hai nhóm có tỷ lệ nhận thấy có cơ hội thấp hơn, song con số cụ thể cho từng loại cơ hội cũng là tương đối đáng kể.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng đầu tư để cải thiện mức độ tuân thủ về môi trường với mức trung bình lên tới hơn 7% chi phí hoạt động cho việc thân thiện hơn với môi trường.
Động cơ quan trọng để các doanh nghiệp gia tăng đầu tư để thân thiện hơn với môi trường bao gồm chất lượng lao động tại địa phương, môi trường kinh doanh thuận lợi, mong muốn gia nhập tốt hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gia tăng do biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại buổi công bố, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng các doanh nghiệp cần liên kết, hợp tác và nêu tiếng nói về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Bản thân các doanh nghiệp cần bỏ tư duy “chưa đến lúc” đối với vấn đề biến đổi khí hậu và cần thực hiện ngay những hành động bảo vệ môi trường, bắt đầu từ những hoạt động nhỏ nhất.
Bên cạnh đó, từ góc nhìn của các doanh nghiệp, biến đổi khí hậu không chỉ đem lại những thách thức, mà còn có thể tạo ra động lực và cơ hội cho những thay đổi, chẳng hạn như những mô hình kinh doanh mới, các sản phẩm mới hoặc công nghệ mới.
(Theo TheLEADER)