Tiêu chuẩn về môi trường cho các sản phẩm có nguy cơ gây ô nhiễm là biện pháp hàng đầu để kiểm soát, phân luồng, cũng như hỗ trợ công tác xử lý và tái chế rác thải.
>> Bí tiền, hàng loạt doanh nghiệp sa thải lao động
Theo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam, một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn rác thải nhựa là do chất lượng nhựa trên thị trường quá kém.
Cụ thể, đồ nhựa tiêu dùng ở Việt Nam thường bị tẩm nhiều bột đá và các tạp chất khác, nặng, giòn, dễ gãy và không chịu được các tác động như tia cực tím trong ánh sáng mặt trời.
Như vậy, đồ nhựa có vòng đời sử dụng ngắn, sau khi sử dụng xong cũng không đem lại tiềm năng tái chế cao. Rác thải nhựa từ đó phát sinh và khó có thể kiểm soát, tạo gánh nặng cho môi trường.
Bên cạnh việc chất lượng không đảm bảo, các sản phẩm nhựa đang không thống nhất về quy chuẩn ký hiệu chủng loại, gây khó khăn cho công tác phân loại tại nguồn, cùng với cách thiết kế bao bì rườm rà, nhiều chi tiết, nhiều vật liệu khác nhau làm ảnh hưởng tới chất lượng tái chế.
Ngoài ra, túi ni lông sử dụng trong các siêu thị, trung tâm thương mại được làm quá mỏng, dễ rách, khó làm sạch khiến người tiêu dùng không có ý muốn tái chế.
Trước tình trạng đó, ngành tái chế và xử lý rác thải của Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển. Đa phần doanh nghiệp không có đủ công nghệ để xử lý nhựa kém chất lượng hay bị lẫn nhiều tạp chất, bên cạnh việc chịu sự cạnh tranh gay gắt từ phía các đơn vị thu gom, tái chế phi truyền thống.
Ngành nhựa tái chế đang khó phát triển do không thể cạnh tranh nổi với nhựa nguyên sinh, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh. Ông Vượng dự đoán, chỉ khoảng 10 năm nữa, khi những đơn vị thu gom phế liệu phi chính thức không còn hoạt động, Việt Nam sẽ ngập tràn rác thải.
Xây dựng tiêu chuẩn môi trường cho sản phẩm
Trong khuôn khổ Hội thảo Trực tuyến về các quy chuẩn tái sử dụng rác thải nhựa: Kinh nghiệm từ châu Âu và Đông – Đông Nam Á thuộc dự án Suy nghĩ lại về nhựa (EURP), ông Vượng đề xuất cần phải đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể cho các sản phẩm và bao bì làm từ nhựa.
Cụ thể, các sản phẩm làm từ nhựa được lưu hành trên thị trường cần phải đảm bảo được những tiêu chuẩn về khả năng kéo giãn, uốn cong, lão hóa, tia cực tím, tỷ lệ tạp chất… Sản phẩm cần phải in rõ chủng loại theo cùng một quy chuẩn nhất định và được công bố rộng rãi để người tiêu dùng dễ dàng phân loại.
Đối với bao bì nhựa cần có các tiêu chuẩn đảm bảo thiết kế thuận tiện cho việc tái chế cũng như phân loại, thu gom và xử lý sơ trước thu gom.
Bên cạnh đó, sản phẩm tái chế cũng cần được xây dựng tiêu chuẩn riêng để đảm bảo chất lượng, tránh xảy ra tình trạng nhựa tái chế kém chất lượng tràn lan trên thị trường, tạo ra ác cảm cho người tiêu dùng.
Cùng quan điểm với ông Vượng, bà Sabine Bartnik, Chuyên gia Kinh tế tuần hoàn tại Đức cho rằng, các quốc gia cần áp dụng hệ thống chứng nhận sinh thái cho các sản phẩm được lưu hành trên thị trường.
Hệ thống chứng nhận sinh thái được xem là minh chứng cho sự thân thiện đối với môi trường của sản phẩm, đồng thời là cơ sở để xác minh và truy vết rác thải, có tác dụng hỗ trợ thực thi công cụ chính sách Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR).
Tuy nhiên, việc thực hiện chứng nhận sinh thái cần đảm bảo có một cơ quan chuyên trách đảm nhiệm, đảm bảo sự minh bạch cho quá trình xét duyệt và cấp chứng nhận cho doanh nghiệp.
Bà Bartnik lấy ví dụ về chứng nhận sinh thái EU CertPlast đang được Liên minh Châu Âu áp dụng. EU CertPlast được chứng nhận bởi một nhóm kiểm toán viên độc lập và công khai.
Quy trình xét duyệt EU CertPlast tiến hành một cách nghiêm ngặt, bí mật với các quy định ngặt nghèo. Chứng nhận sinh thái EU CertPlast chỉ có giá trị trong một năm, tạo động lực cho doanh nghiệp không ngừng duy trì và nâng cao trách nhiệm với môi trường trong việc sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Vượng cũng bày tỏ mong muốn chính phủ cũng như các doanh nghiệp tích cực tuyên truyền, giáo dục người dân nhằm nâng cao ý thức phân loại, thu gom và tái chế rác thải, đồng thời có những biện pháp khuyến khích, hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thị trường cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường.
(Theo TheLEADER)