Ngành hàng tiêu dùng nhanh đã cho thấy sự bứt phá đáng chú ý trong nửa đầu năm nay dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
>> Các gói hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay rất tốt nhưng chưa đủ
Chi tiêu ngành hàng tiêu dùng dùng nhanh (FMCG) cho tiêu dùng tại nhà ghi nhận tăng trưởng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2020, đặc biệt trong tháng 3 và tháng 4, chủ yếu do ảnh hưởng của lệnh giãn cách xã hội.
Cụ thể, tại khu vực thành thị 4 thành phố (bao gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ), tăng trưởng giá trị FMCG nửa đầu năm đạt 15%, cao hơn gấp đôi mức của cả năm 2019, trong đó tháng 3 và tháng 4 đóng góp lớn nhất, lần lượt đạt 31% và 22%, vượt xa con số khoảng 10% vào tháng 2, tháng 5 và tháng 6.
Khu vực nông thông ghi nhận cũng mức tăng trưởng đột biến nhưng tốc độ thấp hơn với 20% vào giai đoạn tháng 3 – 4 vừa qua.
Trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe, người tiêu dùng mua sắm với giỏ hàng lớn hơn do nhu cầu tích trữ hàng hóa – nguyên nhân chính thúc đẩy tăng trưởng hai chữ số của thị trường FMCG.
Hầu hết ngành hàng đều tăng trưởng tích cực, đặc biệt là ngành hàng sữa, sản phẩm từ sữa và thực phẩm đóng gói. Ngành hàng đồ uống tính đến hết nửa đầu năm nay vẫn chị tác động tiêu cực từ Covid-19 và lệnh giãn cách xã hội.
Đáng chú ý, các sản phẩm vệ sinh, tăng cường sức khỏe, đồ ăn nhẹ và thực phẩm tiện lợi dùng cho các dịp ăn uống, nấu nướng tại nhà ghi nhận mức tăng ấn tượng.
Những kênh kéo tăng trưởng FMCG
Xét về kênh mua sắm, các kênh mua sắm mới nổi, siêu thị và đại siêu thị đang thúc đẩy làn sóng tăng trưởng. Cụ thể, khu vực thành thị 4 thành phố (bao gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) ghi nhận tốc độ tăng tới 85% về chi tiêu FMCG và 73% về lượng giao dịch tại drug stores – mô hình chuyên kinh doanh các mặt hàng sức khỏe và sắc đẹp, cao nhất trong các kênh mua sắm.
Kênh nhà thuốc đứng thứ hai về tăng trưởng chi tiêu FMCG với 70% nhưng lượng giao dịch chỉ tăng 29%. Trong khi đó, kênh trực tuyến thu hút chú ý khi lượng giao dịch tăng tới 83% trong nửa đầu năm nay với lượng chi tiêu tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái.
Deloitte Việt Nam trong báo cáo “Ngành bán lẻ Việt Nam: Chuyển dịch nhanh sang mô hình bán hàng đa kênh” hồi tháng trước đánh giá trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, sự phát triển của các hình thức thương mại hiện đại lớn, bao gồm siêu thị và đại siêu thị, đã vượt qua mô hình truyền thống nhờ sự đa dạng của các sản phẩm, thương hiệu và kích cỡ. Điều này giúp người tiêu dùng có thể mua được mọi thứ cần thiết chỉ trong một cửa hàng, giảm đi lại và tiếp xúc, từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Kantar đánh giá kênh tạp hóa vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chi tiêu FMCG, tuy nhiên siêu thị, đại siêu thị và các kênh mới nổi đang ngày thể hiện tầm quan trọng trong đóng góp cho tăng trưởng FMCG.
Tác động từ đại dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng lên hầu hết các kênh mua sắm cho tiêu dùng ngoài nhà, hệ quả từ các biện pháp hạn chế tiếp xúc ở thời điểm dịch bùng phát. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của kênh giao hàng đang bình thường trở lại sau mức tăng trưởng “hiện tượng” vào thời điểm giãn cách xã hội.
(Theo TheLEADER)