Lợi nhuận ngân hàng 9 tháng tại nhiều ngân hàng dù giảm so với các quý trước nhưng vẫn tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2020.
Nhiều ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý 3. Dưới tác động của dịch bệnh và lệnh giãn cách xã hội, kết quả kinh doanh của các nhà băng có dấu hiệu chững lại so với nửa đầu năm, song vẫn tốt hơn đáng kể nếu so với cùng kỳ năm 2020 và vượt trội so với các ngành nghề còn lại.
TPBank là nhà băng đầu tiên công bố kết quả 9 tháng, với lợi nhuận ngân hàng 9 tháng 2021 trước thuế đạt 4.350 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch và tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Nếu xét riêng quý 3, tốc độ tăng lợi nhuận của TPBank có phần chững lại, đạt khoảng 36%, so với mức tăng 48% trong nửa đầu năm.
Động lực tăng trưởng của ngân hàng này vẫn đến từ hoạt động kinh doanh chính, với tổng thu nhập hoạt động đạt 9.868 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng trong ba quý khoảng 15%.
Tương tự, HDBank cho biết đã hoàn thành 82% kế hoạch sau 9 tháng. Nhà băng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 6.000 tỷ đồng, tăng 36% cùng kỳ và vượt mức lợi nhuận cả năm 2020. Tốc độ tăng trưởng trong quý 3 của HDBank có chững lại, chỉ đạt hơn 20% so với mức tăng 44% trong nửa đầu năm, song vẫn có thể coi là mức cao.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của HDBank có thể đạt 7.843 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2020. Tăng trưởng tín dụng tích cực trong thời gian qua sẽ là động lực dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận của HDBank thời gian tới. Trên thực tế, NIM của ngân hàng cho đến giữa tháng 9 không suy giảm nhiều so với 6 tháng đầu năm 2021, dù công bố gói lãi suất hỗ trợ.
HDBank được đánh giá có thanh khoản tốt với nền tảng tài sản có tính thanh khoản cao do sở hữu mô hình cho vay lợi suất cao. Điều này mang lại cho ngân hàng dư địa để quản lý NIM một cách hiệu quả trong giai đoạn phân khúc tài chính tiêu dùng không đóng góp nhiều.
Giải ngân cho các phân khúc khác có lợi suất cho vay tốt sẽ là yếu tố hỗ trợ NIM. Ví dụ, lãi suất thực tế của các khoản cho vay dự án năng lượng mặt trời thường trên 10% và lãi suất thực tế của các khoản cho vay nông nghiệp phân khúc bán lẻ dao động từ 9-10%.
SHB cũng ghi nhận tăng trưởng tốt hơn khi lợi nhuận 9 tháng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Lợi nhuận lũy kế 9 tháng tiếp tục tăng so với nửa đầu năm cho thấy mức tăng trưởng tốt trong quý 3.
Ở nhóm ngân hàng quy mô nhỏ, NCB và KienLongBank cùng ghi nhận mức tăng trưởng tính bằng lần trong 9 tháng.
Trong đó, lợi nhuận của NCB từ đầu năm đạt hơn 200 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ năm trước. Riêng quý 3, ngân hàng này báo lãi gần 80 tỷ đồng, gấp 16 lần cùng kỳ năm 2020.
Sau khi có sự xuất hiện có nhóm cổ đông mới, kết quả kinh doanh của NCB cải thiện đáng kể. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 tăng 45% so với cùng kỳ năm 2020, ghi nhận hơn 531 tỷ đồng; lãi trước thuế và sau thuế lần lượt là gần 206 tỷ đồng và hơn 164 tỷ đồng, gấp 7,2 lần và 7,7 lần cùng kỳ, dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao trong quý 3, lũy kế 9 tháng trích lập gần 146 tỷ đồng (cùng kỳ trích lập 38 tỷ đồng). Năm 2021, NCB đặt mục tiêu đạt lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh khoảng 1.000 tỷ đồng.
Với KienLongBank, ngân hàng đã hoàn thành hơn 80% kế hoạch lợi nhuận năm 2021 sau 6 tháng đầu năm khi tất toán 176 triệu cổ phiếu Sacombank để thu hồi nợ. Trong 9 tháng đầu năm, thu thập lãi thuần đến từ hoạt động tín dụng của KienLongBank tăng hơn 90% so với cùng kỳ lên gần 1.520 tỷ đồng, dù ngân hàng này gần như không tăng trưởng tín dụng. Theo đó, mức tăng lãi thuần do tỷ trọng dư nợ vay có sự điều chỉnh, tăng cho vay xây dựng và cho vay bất động sản.
Báo cáo của Fiin Group thống kê sơ bộ trên 9 ngân hàng đang niêm yết trên HOSE, HNX và đăng ký giao dịch trên UPCoM, lợi nhuận các nhà băng dự kiến giảm quý thứ hai liên tiếp so với quý liền kề. Còn nếu so với cùng kỳ, lợi nhuận các ngân hàng tăng gần 11%, tốc độ tăng đã chậm lại trong hai quý gần đây.
Nguyên nhân đến từ việc các ngân hàng gia tăng trích lập dự phòng và cắt giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Trong đó, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước như Vietcombank hay Vietinbank sẽ chịu tác động tiêu cực hơn bởi việc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng và tăng chi phí tín dụng để chuẩn bị cho khả năng nợ xấu cao sau giãn cách.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực đặc thù, như VIB dự kiến có lợi nhuận giảm so với quý 2, do các mảng kinh doanh chính (bao gồm cho vay mua nhà, ôtô và bán chéo bảo hiểm) bị tác động tiêu cực bởi giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành lớn.
Theo TheLEADER