Nga vỡ nợ nước ngoài sau hơn một thế kỷ, thị trường ảnh hưởng thế nào?

Do lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên sau hơn một thế kỷ do không thể trả được tiền lãi trái phiếu cho các chủ nợ.

>> Kinh tế toàn cầu chịu tác động ra sao khi Mỹ tăng lãi suất?

>> Nga mong có nhiều hơn nhu cầu vàng và tiền tệ khác thay cho USD, EUR

Nhiều trái chủ đang lo sợ không nhận được tiền lãi suất trái phiếu của Nga (Ảnh: Mint)

Tờ Wall Street Journal đưa tin, Nga đã không trả lãi suất trái phiếu đúng hạn cho các trái chủ với số tiền trị giá 100 triệu USD, bằng đồng đô la Mỹ và đồng euro vào hôm chủ nhật vừa rồi. Reuter đưa tin, một số công dân Đài Loan nắm giữ trái phiếu của Nga cho biết họ cũng không nhận được số tiền lãi trái phiếu đúng hạn vào thời điểm này.

Theo BBC, Nga cho biết nước này đã gửi tiền cho Công ty dịch vụ tài chính Euroclear để đơn vị này gửi lại cho các nhà đầu tư. Nhưng theo Bloomberg, khoản tiền này dường như vẫn chưa được phân phối lại cho các chủ nợ. BBC cũng cho biết rằng Euroclear sẽ không tiết lộ về việc tổ chức này có chặn dòng tiền trả lãi trái phiếu của Nga hay không và họ đơn giản là chỉ tuân theo tất cả các lệnh trừng phạt.

Vào tháng năm, Bộ Tài chính Hoa Kỳ không còn cho phép những khoản thanh toán trái phiếu chính phủ của Nga được chuyển đến các nhà đầu tư Hoa Kỳ mà đã thẳng tay thực hiện lệnh trừng phạt. Đáp lại, Nga cho biết họ sẽ bắt đầu sử dụng đồng rúp để thanh toán các khoản lãi trái phiếu bằng đồng đô la.

Reuter đưa tin vào tuần trước, Moscow cho biết họ đã thanh toán các khoản trái phiếu ngoại biên (eurobond) đến Trung tâm Lưu ký Thanh toán Quốc gia. Nhưng các giao ước trái phiếu không cho phép Nga thanh toán các khoản nợ trái phiếu bằng đồng rúp, có nghĩa là những khoản thanh toán này vẫn được coi là một khoản nợ.

Vì EU đang trừng phạt Cơ quan lưu ký thanh toán quốc gia của Nga, việc các trái chủ làm sao để có thể tiếp cận được những khoản thanh toán bằng đồng rúp này vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải.

Đây là lần đầu tiên Nga không trả được nợ nước ngoài kể từ năm 1918. Vào thời bấy giờ, khi cuộc Cách mạng Bolshevik kết thúc, lãnh tụ Vladimir Lenin đã từ chối trả món nợ của Sa hoàng.

Nhưng lần này Nga không vỡ nợ vì thiếu tiền trả. Tài chính của Nga hiện đang được duy trì tốt nhờ vào giá năng lượng tăng cao. Thay vào đó, nguyên nhân của “vụ vỡ nợ này” đó là: Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã đưa ra các lệnh trừng phạt, mà qua đó, những khoản thanh toán lãi suất trái phiếu của Nga không thể chuyển được qua hệ thống thanh toán quốc tế.

Mặc dù nhiều nước đã dự báo rằng Nga cuối cùng sẽ vỡ nợ trái phiếu nước ngoài khi các hạn chế thương mại quốc tế gia tăng, nhưng Nga vẫn thực hiện các khoản thanh toán trái phiếu rất đầy đủ cho đến chủ nhật tuần qua, ngay cả trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đang diễn ra rất rộng và sâu.

Theo Reuters, để giải quyết tình hình, hôm thứ Tư tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh xử lý những khoản thanh toán trái phiếu nước ngoài theo hướng mới. Điều này báo hiệu rằng Moscow đang xem xét những khoản tiền lãi được trả, kể cả với những khoản thanh toán bằng đồng rúp. Nga còn phải thanh toán một khoản nợ bằng ngoại tệ có trị giá khoảng 40 tỷ USD.

Nga khẳng định đây không phải là một vụ vỡ nợ

Thông thường, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thường là những bên đưa ra tuyên bố vỡ nợ chính thức, nhưng trong trường hợp này, ba cơ quan xếp hạng lớn (S&P, Moody’s và Fitch) đều không xếp hạng đối với tình trạng vỡ nợ của Nga do lệnh trừng phạt.

Hôm thứ Năm tuần trước, hãng tin Bloomberg đưa tin rằng, Nga vẫn đang có hành động đáp trả hoàn cảnh “bất khả kháng” này. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anton Siluanov gọi tình huống này là một “trò hề”.

Trong một email gửi cho Bloomberg vào tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Siluanov cho biết: “Người ta có thể tuyên bố bất cứ điều gì họ thích. Nhưng bất cứ ai hiểu rằng chuyện gì đang xảy ra đều biết rằng đây không phải là một vụ vỡ nợ.”

Theo người phát ngôn của điện Kremlin, Nga đã thực hiện các khoản thanh toán trái phiếu vào tháng 5. Và dù những khoản thanh toán đang bị giữ tại Euroclear do những lệnh trừng phạt của phương Tây, đây “không phải là vấn đề của chúng tôi”.

Các luật sư nói với Reuters rằng, cho đến cuối ngày thứ Hai, Nga có thể vẫn phải thanh toán vì không có thời hạn chính xác được nêu rõ trong bản cáo bạch của trái phiếu.

Mặc dù nhiều người cho rằng Nga có thể vẫn sẽ chuyển được tiền qua tổ chức tài chính cho các trái chủ, luật sư hàng đầu về nợ chính phủ tại hãng luật Wilk Auslander, ông Jay S. Auslander cho rằng: “Khả năng cao Nga sẽ không thể thanh toán cho các trái chủ, bởi vì sẽ chẳng có ngân hàng nào chịu chuyển tiền”.

Tác động của sự kiện này

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến cho nhiều công ty nước ngoài chạy trốn khỏi Nga và làm gián đoạn quan hệ thương mại và tài chính của nước này với phần còn lại của thế giới. Vụ vỡ nợ sẽ là một phần trong những hành động cô lập và gây gián đoạn thương mại đó.

Những nhà phân tích đầu tư đang thận trọng tính toán rằng, vụ vỡ nợ lần này của Nga sẽ không tác động lớn đến các thị trường và tổ chức tài chính toàn cầu như vụ vỡ nợ trước đó vào năm 1998. Vào thời điểm đó, khi Nga vỡ nợ trái phiếu đồng rúp trong nước, chính phủ Mỹ phải can thiệp và yêu cầu các ngân hàng cứu nguy cho quỹ đầu cơ lớn của Mỹ Long-Term Capital Management, bởi người ta lo sợ rằng một khi quỹ này sụp đổ có thể làm rung chuyển hệ thống tài chính và ngân hàng thế giới.

Vào thời điểm này, những người nắm giữ trái phiếu (chẳng hạn như quỹ đầu tư vào trái phiếu thị trường mới nổi) có thể sẽ thua lỗ nghiêm trọng. Tuy vậy, do Nga chỉ đóng một vai trò nhỏ trong chỉ số trái phiếu thị trường mới nổi, lần vỡ nợ này sẽ không gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cho biết, trong khi cuộc chiến đang gây ra những hậu quả tàn khốc về con người và giá lương thực và năng lượng cao hơn trên toàn thế giới, thì việc vỡ nợ trái phiếu chính phủ sẽ “chắc chắn không ảnh hưởng đến hệ thống tiền tệ thế giới”.

Các khoản nợ nước ngoài của Nga khá nhỏ so với quy mô nền kinh tế nước này, do đó một vụ vỡ nợ khó mà có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc gia này. Tuy vậy, vụ vỡ nợ sẽ ảnh hưởng đến mức độ tin cậy tín dụng của Nga, khiến trong tương lai, nước này sẽ khó khăn hơn trong việc đi vay trên thị trường quốc tế.

Theo TheLEADER

Kế hoạch 600 tỷ USD đối trọng với Trung Quốc của G7

Next Post

Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc thành kinh đô sản xuất mới?

T4 Th6 29 , 2022
Xuất khẩu của Việt Nam tăng tốc trong khi Trung Quốc dần mất thị phần. Liệu Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc thành kinh đô sản xuất mới?
Copyright All right reserved

Chuyên mục