Sai lầm của các ngân hàng trung ương và sự trả giá của các nền kinh tế

Mặc dù nhận thức được rằng những đánh giá về tình trạng lạm phát vào năm ngoái là chưa đúng đắn, các ngân hàng trung ương đã vẫn tiếp tục ban hành những chính sách sai lầm. Điều này có khả năng sẽ gây thiệt hại lớn hơn cho uy tín của chính các ngân hàng trung ương, đồng thời làm chao đảo các thị trường và làm suy yếu mức độ phục hồi của nền kinh tế các nước sau đại dịch.

Sai lầm của các ngân hàng trung ương và sự trả giá của các nền kinh tế
Chủ tịch Chủ tịch FED Jerome Powell (Ảnh: Law & Liberty)

Chỉ vài tuần sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell nhắc đi nhắc lại rằng sẽ tăng nửa điểm phần trăm lãi suất, vào thứ tư vừa rồi, Fed lại vừa công bố tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm. Động thái này, cùng với tuyên bố đẩy nhanh quá trình thu hẹp chương trình mua trái phiếu và giảm hoạt động tái đầu tư số tiền thu được từ trái phiếu đáo hạn là những động thái mới nhất của Fed kể từ khi cơ quan này đánh giá rằng, tình trạng lạm phát cao vào năm ngoái chỉ là hiện tượng “nhất thời”.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde cũng đang đẩy nhanh hoạt động tăng lãi suất hơn so với trước đây. Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) đang tăng lãi suất nhanh hơn so với dự đoán của các nhà hoạch định chính sách.

Các nhà đầu tư đang lo ngại rằng, động thái chạy đua bù đắp những sai sót trong quá khứ của các ngân hàng trung ương sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái của các nền kinh tế. Chứng khoán toàn cầu đã bước vào giai đoạn thị trường con gấu (thị trường trải qua đợt sụt giảm kéo dài). Hôm thứ hai vừa rồi, lợi tức trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ đã trải qua lần tăng trong hai ngày mạnh nhất so với thời kỳ những năm 1980, đồng thời thị trường tín dụng đang có dấu hiệu gia tăng căng thẳng (lợi tức trái phiếu tăng sẽ làm suy yếu sức mua của thị trường chứng khoán).

Những động thái căng thẳng đó trên thị trường trái phiếu đã khiến ECB buộc phải tổ chức phiên họp Hội đồng Thống đốc khẩn cấp vào thứ Tư vừa rồi. Trong cuộc họp, hội đồng cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ nhằm nghiên cứu một công cụ mới để giải quyết vấn đề lợi suất trái phiếu tăng cao ở một số nước thành viên khu vực đồng euro. Theo ý kiến của một số nhà phê bình, ECB đáng lẽ đã phải công bố về kế hoạch này tại cuộc họp định kỳ vào tuần trước.

Sai lầm của các ngân hàng trung ương và sự trả giá của các nền kinh tế
Christine Lagarde (Ảnh: Alex Kraus / Bloomberg)

Krishna Guha, (người đứng đầu Nhóm Chiến lược chính sách tại Công ty tư vấn ngân hàng đầu tư toàn cầu Evercore ISI) viết: “Đây là một sự điều chỉnh tương đối nhanh chóng, nhưng cái giá phải trả của sự điều chỉnh này đó sự tín nhiệm của thị trường đối với ECB sẽ giảm xuống vì ECB đang phản ứng lại tình hình thay vì chủ động.

Vào những năm 1970, sai lầm của các chuyên gia tiền tệ đã làm ảnh hưởng đến danh tiếng của các ngân hàng trung ương trong việc ổn định giá cả và ngăn chặn vòng xoáy lạm phát, gây ảnh hưởng đến thu nhập của tầng lớp trung lưu. Khi mất uy tín, các ngân hàng trung ương cần phải có những hành động chính sách mạnh mẽ hơn nữa để giảm bớt áp lực về giá.

Thế tiến thoái lưỡng nan

Sayuri Shirai, cựu thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), hiện là giáo sư Đại học Keio, cho biết: “Các ngân hàng trung ương đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bà nói: “Để khôi phục niềm tin, các ngân hàng trung ương cần phải tăng lãi suất chính sách (loại lãi suất các ngân hàng trung ương thường sử dụng để làm lãi suất tham chiếu cho các loại lãi suất khác, cũng như kiểm soát hoặc đặt ra các mục tiêu đối với lãi suất đó) đủ để làm giảm lạm phát và việc này “có thể khiến cho đà phục hồi nền kinh tế diễn ra chậm hơn nữa”.

Khi các doanh nghiệp và các hộ gia đình tin rằng các ngân hàng trung ương sẽ thành công trong việc đáp ứng các mục tiêu lạm phát theo thời gian, áp lực giá cả sẽ giảm. Các hộ gia đình có thể sẽ tạm thời chưa mua một số loại hàng hóa vì tin rằng giá của những loại hàng hóa này sẽ giảm xuống kịp thời. Và trong các cuộc đàm phán về tiền lương, người lao động sẽ ít yêu cầu tăng lương để bù vào mức tăng của chi phí sinh hoạt.

Sai lầm của các ngân hàng trung ương và sự trả giá của các nền kinh tế
Charles Evans (Ảnh: Al Drago / Bloomberg)

Cho đến thời gian gần đây, khi các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh rằng, kỳ vọng lạm phát dài hạn đã được kiềm chế, họ mới lấy lại được uy tín của mình. Vào tháng 3, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Chicago, Charles Evans, giải thích rằng, lạm phát ngày nay không giống như những năm 1980 bởi vì “chính sách tiền tệ quá dễ dãi” trong những năm 1960, 1970 đã góp phần hình thành kỳ vọng lạm phát dài hạn.

Tuy vậy, vào thứ Sáu tuần trước, theo nghiên cứu và đo lường của Đại học Michigan, kỳ vọng lạm phát trong dài hạn của người dân đang tăng lên mức cao nhất kể từ khi giá dầu tăng đột biến vào năm 2008.

Biểu đồ kỳ vọng lạm phát dài hạn ở Mỹ theo khảo sát của Đại học Michigan.

Tai họa lạm phát

Kỳ vọng lạm phát dài hạn của người tiêu dùng đã đạt mức cao nhất kể từ khi giá dầu tăng đột biến vào năm 2008.

Không thể đổ lỗi cho các ngân hàng trung ương như Fed, ECB… vì họ không thể lường trước được những vấn đề khách quan như Nga xâm lược Ukraine hoặc những vấn đề còn tồn đọng của chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ làm tăng lạm phát.

Tuy nhiên, theo các nhà phê bình, việc các ngân hàng trung ương liên tục mở rộng bảng cân đối kế toán và giữ lãi suất ở mức gần như bằng 0 ngay cả khi lạm phát đã tăng vọt và các nền kinh tế đã phục hồi từ đáy sâu của cuộc khủng hoảng Covid-19 trong năm 2021 mới là nguyên nhân chính của tình trạng hỗn loạn hiện tại.

Nhà điều hành Eurizon SLJ Capital (một quỹ đầu cơ và công ty tư vấn ở London), ông Stephen Jen cho biết: “Tôi tin rằng, khi các nhà đầu tư nhận ra rằng tình trạng lạm phát mà chúng ta đang phải đối mặt là vì lí do chủ quan, và các ngân hàng trung ương đã đóng một vai trò quan trọng trong đó, thì uy tín của các ngân hàng trung ương sẽ bị giáng một đòn nặng nề”

Cuộc chạy đua tăng lãi suất

Hơn 50 ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã tăng lãi suất ít nhất một nửa điểm phần trăm một lần trong năm nay. Trước tháng 11 năm ngoái, chủ tịch Fed Powell vẫn luôn cho rằng lạm phát chỉ là một hiện tượng “nhất thời”. Và cho đến tháng trước, ông mới thừa nhận rằng đó là một “sự nhận thức muộn màng, và đáng lẽ Fed nên tăng lãi suất sớm hơn.”

Cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers là một nhà phê bình chính sách của Fed kể từ đầu năm 2021. Ông đã chỉ trích cực kỳ thậm tệ kỳ vọng lạm phát vào tháng 3 của các nhà dự báo của ngân hàng trung ương và gọi đó là một kỳ vọng “ảo tưởng ngay từ khi vừa được ban hành”.

Sai lầm của các ngân hàng trung ương và sự trả giá của các nền kinh tế
Lawrence Summers (Ảnh: David Paul Morris / Bloomberg)

Theo đo lường của Fed, lạm phát vào tháng tư của Mỹ đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, theo ước tính của các quan chức của Fed vào tháng 3, chỉ số lạm phát trung bình năm 2022 sẽ ở mức 4,3%. Điều chỉnh dự báo về lạm phát sẽ bắt đầu có hiệu lực vào thứ Tư tuần này.

Mỹ không phải là nước duy nhất đối mặt với vấn đề tổn hại uy tín. ECB cũng đang dự kiến tăng lãi suất lên một phần tư điểm phần trăm vào tháng bảy và 50 điểm cơ bản vào tháng chín tới. Điều này xảy ra ngay cả khi vào tháng 12 năm ngoái, bà Lagarde đã thông báo rằng trong năm nay, ECB sẽ không có bất kỳ chính sách thắt chặt nào. Vào tuần trước, khi nhận định về tình hình lạm phát, bà Lagarade cho biết: “Thực sự tất cả các tổ chức quốc tế, tất cả các nhà dự báo có uy tín đã mắc cùng một sai lầm” khi đánh giá thấp cuộc khủng hoảng.

Vào tháng 5, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc Philip Lowe cho biết, ông cảm thấy thật “xấu hổ” khi định hướng chính sách của ông vào năm 2021 đã cho rằng lãi suất sẽ duy trì mức thấp kỷ lục cho đến năm 2024.

Philip Lowe (Ảnh: Brent Lewin / Bloomberg)

Trong khi đó, tình hình kinh tế của các thị trường mới nổi lại rất đa dạng. Một số quốc gia, chẳng hạn như Brazil đã tăng lãi suất nhanh hơn nhiều so với các quốc gia phát triển. Còn Trung Quốc lại tập trung vào việc hỗ trợ tiền tệ cho nền kinh tế trong bối cảnh suy thoái. Trước tháng tư năm nay, Ngân hàng trung ương Ấn Độ vẫn phản đối đề xuất tăng lãi suất, chỉ để tăng lãi suất cơ bản hai tháng liên tiếp sau đó và lạm phát của Ấn Độ hiện vẫn đang nằm ngoài vùng kiểm soát.

Ở nhiều quốc gia, các cuộc thăm dò cho thấy công chúng đang mất niềm tin nặng nề đối với các ngân hàng trung ương.

Một cuộc khảo sát của công ty tư vấn và phân tích Gallup được công bố vào tháng 5 cho thấy, chỉ có 43% trong số những người được thăm dò ý kiến đánh giá rằng, những điều Powell làm cho nền kinh tế Mỹ là “ tuyệt vời” hoặc “hợp lý”. Mặc dù đây không phải là mức tín nhiệm nhất so với các giám đốc Fed gần đây, nhưng nó cũng thấp hơn nhiều mức 74% mà cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan nhận được vào đầu những năm 2000.

Một cuộc khảo sát hàng quý của Ngân hàng trung ương Anh (BOE) cho thấy, lần đầu tiên trong lịch sử, số lượng người không hài lòng với hiệu quả hoạt động của BOE về hoạt động kiểm soát giá cả lớn hơn so với số lượng người hài lòng.

Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda đã nhận thấy rằng uy tín của mình bị sụt giảm sau khi ông đánh giá rằng, người tiêu dùng đang trở nên chấp nhận hơn với việc giá cả hàng hóa tăng. Một cuộc khảo sát của tờ Kyodo News được công bố hôm thứ Hai vừa rồi cho thấy 59% số người được khảo sát nghĩ rằng ông không phù hợp với chức vụ thống đốc.

Trong tháng này, nhà quản lý quỹ đầu tư Stanley Druckenmiller (68 tuổi), chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của công ty Duquesne Family Office đã cảnh báo rằng, vì vào năm ngoái, ngân hàng trung ương đã ban hành những chính sách không đúng đắn, nên việc các nhà đầu tư mất tiền là điều không thể tránh khỏi.

Ông Druckenmiller (người đã quản lý tiền cho tỷ phú George Soros trong hơn một thập kỷ), cho biết: “Lịch sử qua nhiều thập kỷ đã chứng minh rằng những sai lầm này sẽ dẫn đến một những hậu quả chẳng hề nhẹ nhàng một chút nào”.

Theo TheLEADER

Next Post

Làm gì khi chứng khoán đã bước vào thị trường con gấu?

CN Th6 19 , 2022
Thị trường con gấu “là những cơ hội tuyệt vời trong lịch sử để xây dựng sự giàu có cho các nhà đầu tư dài hạn”.
Copyright All right reserved

Chuyên mục