Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên HOSE vào tháng 8 là HAP với 192% với 17/21 phiên tăng trần. Ngược lại, cổ phiếu giảm giá mạnh nhất là DAT với 28%.
>> Top 10 cổ phiếu tăng, giảm giá mạnh nhất trong tháng 7
Kết thúc tháng 8, VN-Index tăng 83,26 điểm, hay 10,4%, lên mức 881,65 điểm. Giá trị giao dịch trung bình phiên tăng 12% so với tháng 7, đạt 5,25 nghìn tỷ đồng, khối lượng trung bình phiên tăng 6,2% lên mức 298,9 triệu đơn vị.
Chỉ số VN-Index tháng 8 ghi nhận 15 phiên tăng điểm và 6 phiên giảm.
Trong Top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn HOSE tháng 8, HAP (Tập đoàn HAPACO) dẫn đầu khi tăng 192,3% từ 3.000 đồng/ cổ phiếu lên 8.770 đồng/cổ phiếu với việc tăng trần 17/21 phiên trong tháng qua.
Mới đây, Hapaco đã có công văn giải trình diễn biến cổ phiếu liên tục tăng trần (10 phiên) trên thị trường từ ngày 6-19/8/2020. Theo đó, công ty cho biết giá cổ phiếu HAP tăng trần 10 phiên liên tiếp là do việc cung cầu của thị trường, quyết định mua bán cổ phiếu là do các nhà đầu tư quyết định nằm ngoài kiểm soát của tập đoàn. Công ty khẳng định không có sự tác động đến giá giao dịch trên thị trường.
Cổ phiếu HAP bắt đầu tăng mạnh trong tháng này sau khi HĐQT Hapaco công bố kế hoạch đầu tư 4 dự án, với tổng giá trị gần 2.800 tỷ đồng, dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông bất thường vào cuối năm 2020.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 sau soát xét của Hapaco được công bố trong tháng 8 cho thấy, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của Hapaco đạt 157,54 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9 tỷ đồng, lần lượt giảm 27% và 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thời điểm 30/6/2020, tổng tài sản của công ty đạt 829,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 687,2 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 28 tỷ đồng.
Cũng nằm trong danh sách Top 10 cổ phiếu tháng 8, TAC (CTCP Dầu thực vật Tường An) đã tăng 84,5% lên 58.500 đồng/ cổ phiếu với 6 phiên tăng trần liên tiếp trong tháng.
Phiên cuối tuần qua, ngay mức đỉnh, hàng loạt cổ đông nội bộ là ban lãnh đạo đăng ký bán sạch cổ phiếu TAC đang nắm giữ. Giao dịch dự kiến thực hiện thông qua khớp lệnh hoặc thoả thuận, cùng thời gian từ ngày 4/9-3/10/2020. Mục đích chung là phục vụ nhu cầu cá nhân với tổng số cổ phiếu dự được “sang tay” lên đến 47.000 đơn vị – tương đương 0,15% vốn.
Điều này diễn ra sau thông tin chốt ngày chia cổ tức đặc biệt. Theo đó, mức chi trả lên đến 75% bằng tiền mặt (7.500 đồng/cp), ngày đăng ký cuối cùng là 15/9 và sẽ chi trả vào ngày 30/9/2020.
Đồng thời, ĐHĐCĐ thường niên 2020 của TAC cũng đã thông qua kế hoạch sáp nhập với Kido Group (KDC). Tuy nhiên do vẫn còn liên quan đến đơn vị Vocarimex (VOC, hiện nắm giữ hơn 26% vốn tại TAC); hiện nay chưa thể thông qua việc sáp nhập. Dự kiến Công ty sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để thông qua kế hoạch sáp nhập, sau khi hoàn tất việc thoái vốn Nhà nước tại VOC.
Bên cạnh thông tin cổ tức, kết quả kinh doanh tại TAC đang có dấu hiệu cải thiện đáng kể. Được biết, mảng dầu ăn hoạt động tốt từ đầu năm trong bối cảnh dịch bênh, nhờ hưởng lợi từ việc mua hàng hoảng loạn và gia tăng tiêu thụ các sản phẩm đóng gói ở nhà trong thời gian dịch bệnh cũng như quản lý chi phí tốt hơn.
Năm 2020, TAC đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.558 tỷ, LNST tương ứng đạt 193 tỷ đồng, tăng hơn 13%. HĐQT cũng trình phương án cổ tức 2020 với tỷ lệ 20%. Nửa đầu năm, doanh thu thuần TAC ước đạt 2.221 tỷ, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Cổ phiếu PTL của CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí – Petroland đứng thứ 4 khi tăng giá 79,5% với 9 phiên tăng trần trong tháng. Thông tin mới nhất liên quan tới cổ phiếu này là việc Tổng Công ty Dầu Việt Nam OIL) quyết đinh thoái toàn bộ 9% vốn tại Petroland.
Petroland hiện đang tồn tại khá nhiều vấn đề nội bộ. Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của công ty diễn ra ngày 15/5/2020 đã không thông qua nhiều vấn đề, trong đó có báo cáo của HĐQT về thực hiện nhiệm vụ 2019 và kế hoạch năm 2020, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2019 và kế hoạch 2020, phương án bổ sung ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh, báo cáo về việc đề xuất chuyển chế độ làm việc đối với thành viên HĐQT.
Ở phía ngược lại, DAT (CTCP Đầu tư du lịch và phát triển Thủy sản) giảm mạnh nhất với 27,6% xuống mức 38.950 đồng/ cổ phiếu với 12/21 phiên giảm sàn. Đáng chú ý, trước khi liên tiếp giảm sàn, cổ phiếu DAT đã trải qua thời gian dài tăng trần với 39 phiên liên tiếp. Đây cũng được xem là chuỗi tăng trần dài nhất, xác lập kỷ lục mới của Thị trường chứng khoán Việt Nam.
Công ty Thủy sản (DAT) năm nay đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng, thấp hơn 20% so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 35,8%, đạt 40 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2020, công ty ghi nhận doanh thu gần 955 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm 31,5%, xuống 18,5 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 47,75% kế hoạch doanh thu và 46,25% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Theo sau là cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia khi giảm 19,7% với 6 phiên giảm sàn trong tháng 8. Thông tin mới nhất liên quan tới cổ phiếu này là Lợi nhuận sau thuế (LNST) 6 tháng đầu năm 2020 của công ty là -54,29 tỷ đồng, LNST chưa phân phối tại 30/06/2020 là -282,58 tỷ đồng.
Theo đó, HOSE căn cứ theo BCTC soát xét bán niên năm 2020 Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia vẫn chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát. Cổ phiếu RIC vẫn trong diện kiểm soát.
Nhóm cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trên sàn HOSE – ngân hàng tháng 8 tất cả đều tăng giá gồm CTG tăng 21,2%; HDB tăng 18,4%; TCB tăng 17,4%; VPB tăng 15,6%; MBB tăng 14%; BID tăng 11,7%; STB tăng 10,9%; VCB tăng 8,6%; TPB tăng 8,4%; EIB tăng 4,2%.
Top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE tháng 8 cũng đều tăng giá gồm PLX tăng 24,4%; CTG; TCB; SAB tăng 14%; GAS tăng 13,1%; VNM tăng 13,1%; BID; VCB; VIC tăng 2,9% và VNM tăng 1%.
Trong khi đó, trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng 17,34 điểm trong tháng 8, hay 16%, lên mức 124,85 điểm. Giá trị giao dịch trung bình phiên tăng mạnh 106% so với tháng 7, đạt 863 tỷ đồng; khối lượng trung bình phiên cũng tăng cao 50% lên mức 61,6 triệu đơn vị.
Chỉ số HNX-Index tháng 8 ghi nhận 15 phiên tăng điểm và 6 phiên giảm.
Trong nhóm cổ phiếu tăng giá nhanh nhất trên sàn Hà Nội, QNC (CTCP Xi măng và xây dựng Quảng Ninh) dẫn đầu khi tăng 112,1% từ 3.300 đồng/ cổ phiếu lên 7.000 đồng/cổ phiếu với 13 phiên trần.
Doanh thu thuần 6 tháng của CTCP Xi măng và xây dựng Quảng Ninh đạt 712 tỷ đồng tăng 22,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gấp 5 lần nửa đầu năm ngoái, lên trên 61 tỷ đồng chủ yếu nhờ chi phí giá vốn giảm. Kết quả này cũng giúp công ty vượt xa kế hoạch về lợi nhuận đặt ra cho cả năm.
Trong cơ cấu doanh thu của công ty này, doanh thu từ sản xuất kinh doanh xi măng vẫn đóng góp khoảng 60%, đạt 430 tỷ đồng. Còn lại là doanh thu sản xuất than, than giao thầu, sản xuất đá và thương mại. Phía công ty cho biết, lợi nhuận quý 2 và 6 tháng đầu năm tăng mạnh do công ty tiết giảm và sử dụng hiệu quả điện năng, giảm chi phí đồng bộ trong các khâu sản xuất, đầu tư mới, thay thế và nâng cấp máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất…
Tiếp đến, cổ phiếu LIG của CTCP Licogi 13 giảm 110% với 8 phiên tăng trần trong tháng. Gần đây, công ty vừa thông qua phương án phát hành riêng lẻ cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Theo đó Licogi 13 phát hành riêng lẻ 21,3 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị phát hành theo mệnh giá 213 tỷ đồng. Dự kiến sau phát hành LIG sẽ tăng vốn điều lệ từ gần 436 tỷ đồng hiện nay lên gần 649 tỷ đồng.
Số cổ phiếu LIG này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2020 sau khi được UBCKNN chấp thuận. Với số tiền thu được, công ty sẽ dùng 160 tỷ đồng để góp vốn vào các công ty thực hiện các dự án năng lượng (gồm 3 công ty) và dành 53 tỷ đồng còn lại bổ sung vốn lưu động để tăng khả năng thanh toán, giảm nợ vay.
Ở phía ngược lại, PDC (CTCP Du lịch dầu khí Phương Đông) giảm mạnh nhất với 48,4% xuống mức 3.300 đồng/ cổ phiếu. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 của công ty này giảm 26,98% so với cùng kỳ năm ngoái. Phía công ty lý giải sự sụt giảm này là do dịch bệnh Covid-19. Giá vốn hàng bán giảm 24,9%, ít hơn so với mức giảm của doanh thu.
Top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn Hà Nội trong tháng 8 chủ yếu tăng giá gồm VCG tăng 36,8%; IDC tăng 18,7%; SHB và PVS đều tăng 17,8%; THD tăng 16,9%; VIF tăng 13,2%; VCS tăng 13%; PVI tăng 9,5%; PHP tăng 7,2%. Riêng ACB giảm 5,8%.