18:32 30/03
Thêm 9 ca dương tính, Việt Nam có 203 người nhiễm Covid-19
18h ngày 30/3, Bộ Y tế ghi nhận thêm 9 ca Covid-19, trong đó 8 liên quan bệnh viện Bạch Mai gồm 7 nhân viên Trường Sinh và một bệnh nhân.
Cụ thể, 7 bệnh nhân mới là nhân viên của công ty Trường Sinh, được ghi nhận ca 195, 196, 198, 199, 200, 201, 202. Họ đều là nữ, lần lượt tuổi 41 – 34 – 53 – 57 – 61 – 23 tuổi.
“Bệnh nhân 197”, nam 41 tuổi, ở khu đô thị Thanh Hà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, ngày 12/3 tới khám tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 29/3, anh được lấy mẫu xét nghiệm, dương tính.
Hiện cả 8 người được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, sức khỏe ổn định.
Ca còn lại công bố chiều nay là một người từ nước ngoài về được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. “Bệnh nhân 203”, nữ, 35 tuổi, từ Hy Lạp về trên chuyến bay TK162, số ghế 21A, quá cảnh ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 17/3.
17:23 30/03
Thủ tướng đề nghị người dân ‘tỉnh nào ở tỉnh đó’
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 chiều 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu như trên và cho rằng tình trạng di chuyển qua lại các tỉnh còn quá đông; một số nơi người dân đi ra đường nhiều, nguy cơ lây nhiễm lớn.
Do đó, trừ trường hợp đặc biệt hoặc là các bệnh viện, cửa hàng, siêu thị, cơ sở sản xuất phục vụ nhân dân “còn nói chung là ở nhà, làm việc trực tuyến”. Các cơ quan bố trí cán bộ làm việc qua máy tính, hạn chế đến cơ quan, trừ các trường hợp trực quan trọng, không thể vắng mặt…
Ông nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục “thần tốc, cương quyết” dồn mọi nguồn lực để dập các ổ dịch, nhất là ổ dịch đã phát hiện như Bệnh viện Bạch Mai và đơn vị cung cấp dịch vụ (công ty Trường Sinh), quán bar Buddha…
Nhấn mạnh việc bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng đề nghị các địa phương lo cân đối nguồn lực, không để tình hình xấu rồi mới đặt vấn đề. Để tập trung cho công tác phòng chống dịch, Chính phủ dừng tổ chức hội nghị trực tuyến với địa phương dự kiến vào ngày mai, 31/3.
17:19 30/03
Chứng khoán Việt Nam và châu Á quay đầu điều chỉnh
Sau 3 phiên hồi phục, thị trường đã trở lại trạng thái bán tháo mạnh trước tâm lý lo ngại dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp. Áp lực bán ồ ạt trên diện rộng khiến hàng trăm mã mất điểm, đáng kể là gánh nặng bluechip khi họ Vingroup, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đua nhau nằm sàn, đẩy VN-Index về vùng giá 660 điểm.
Đóng cửa, với 339 mã giảm (96 giảm sàn), gấp hơn 7 lần số mã tăng là 47 mã, VN-Index giảm 33,8 điểm (-4,86%) xuống 662,26 điểm. HNX-Index giảm 4,07 điểm (-4,18%) về 93,28 điểm khi có 31 mã tăng và 125 mã giảm (38 giảm sàn).
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng giao dịch tiêu cực khi trở lại trạng thái bán ròng sau phiên mua ròng nhẹ cuối tuần trước (27/3). Khối này đã bán ròng gần 170 tỷ đồng, trong đó bán mạnh nhất cổ phiếu SVC.
Kết thúc phiên 30/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 304,46 điểm (-1,57%), xuống 19.084,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 24,99 điểm (-0,9%), xuống 2.747,21 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 309,17 điểm (-1,32%), xuống 23.175,11 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 0,61 điểm (-0,036%), xuống 1.717,12 điểm.
14:41 30/3
Thêm 3 bệnh nhân tại TP. HCM được xuất viện
Ba bệnh nhân 53, 75, 89 làm thủ tục rời Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, sau hơn hai tuần điều trị Covid-19.
Sau xuất viện, cả 3 người được cách ly tại nhà thêm 14 ngày dưới sự giám sát của y tế địa phương, tiếp tục theo dõi sức khỏe và đảm bảo không lây nhiễm virus ra cộng đồng, theo quy định của Bộ Y tế.
Trước đó vào chiều 29/3, bốn bệnh nhân 64, 66, 79, 90 tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi cũng xuất viện.
14:29 29/03
Hơn 6.600 mẫu bệnh phẩm tại Bạch Mai xét nghiệm âm tính
Trên 7.200 mẫu bệnh phẩm lấy từ nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bệnh viện Bạch Mai, đến sáng 30/3 có 6.650 mẫu kết quả xét nghiệm âm tính.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết 595 người tại Bạch Mai đang chờ kết quả xét nghiệm. Trong số các mẫu có kết quả, không có nhân viên y tế nào của bệnh viện nhiễm Covid-19.
“Hiện những nhân viên y tế của chúng tôi đều có kết quả âm tính. Nhân viên y tế, người lao động tại Bệnh viện Bạch Mai không phải là nguồn lây nhiễm”, bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, khẳng định.
Số người có mặt tại bệnh viện hiện tại khoảng gần 3.500. Trong đó có 800 bệnh nhân không thể xuất viện hoặc chuyển tuyến dưới, 552 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận. Bệnh viện vẫn tổ chức chạy thận nhân tạo 4 kíp liên tục.
11:19 30/03
27 bệnh nhân Covid-19 xuất viện
Sáng 30/3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho 27 bệnh nhân Covid-19 xuất viện, trong đó có “bệnh nhân 17”.Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Phạm Ngọc Thạch cho biết, các bệnh nhân đã có ít nhất 2 lần âm tính Covid-19, vì vậy đủ điều kiện xuất viện.
Đây là số bệnh nhân được ra viện cùng một ngày nhiều nhất kể từ đầu dịch. Các bệnh nhân sau khi ra viện sẽ được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật địa phương giám sát y tế 14 ngày.
“Ngày hôm nay các bệnh nhân này sức khỏe tốt, tình trạng viêm phổi cải thiện nhiều. Theo tiêu chuẩn Bộ Y tế thì bệnh nhân đã khỏi và ra viện. Trong thời gian này, số lượng các bệnh nhân đang tăng lên, các trường hợp xét nghiệm cũng tăng nên việc khá nặng. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh”, bác sĩ Trần Văn Giang, phụ trách Khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết.
10:44 30/03
Bạch Mai lập bệnh viện dã chiến chống dịch Covid-19
Sáng ngày 30/3, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay trong đêm 28/3, Quân đội đã hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai dựng lên một bệnh viện dã chiến trong khuôn viên bệnh viện. Đây là phần kịch bản dự phòng để bệnh viện sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, số lượng người có mặt tại bệnh viện hiện tại khoảng gần 3.500. Trong đó có 800 bệnh nhân không thể xuất viện hoặc chuyển tuyến dưới, 552 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận. Bệnh viện vẫn tổ chức chạy thận 4 kíp liên tục.
Người nhà bệnh nhân được Bộ Quốc phòng chuyển đi cách ly tập trung tại khu Hòa Lạc. Số ít còn lại ở bệnh viện là người nhà của những bệnh nhân có nguy cơ tử vong (do bệnh lý khác) như bệnh nhi, sản phụ… đều được kiểm soát và có khu vực riêng.
Theo giáo sư Tuấn, thực tế hiện nay tại bệnh viện khá khó khăn. “Hiện, 3.500 con người trong bệnh viện không thể đi ra ngoài mua sắm đồ dùng, vật dụng cá nhân. Mọi cái từ nhỏ nhất như bàn chải, kem đánh răng đều do bệnh viện cấp”, giáo sư nói. Các chuyến hàng chuyển đến để hỗ trợ cho bệnh viện đều rất khó để có thể qua được chốt kiểm soát của công an.
Ngoài ra, nhà ăn của bệnh viện chính là nguồn lây nhiễm khiến vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh và các nhân viên y tế trở nên khó khăn hơn. Bạch Mai đã phong tỏa khu nhà ăn và cách ly toàn bộ người làm việc tại đây và liên hệ một công ty chuyên cung cấp xuất ăn cho hàng không.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạn chế về dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế phải làm việc 24/7. Bên cạnh đó, còn các suất ăn bệnh lý cho bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhi, bệnh nhân ăn qua sonde…
10:39 30/03
Chủ tịch Hà Nội ra Công điện khẩn số 3 vì dịch Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai
Đêm 29/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành Công điện khẩn số 3 vì tình hình diễn biến phức tạp của ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai.
Công điện của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội gửi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội; Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã phường, thị trấn.
Công điện nêu, trước diễn biến phức tạp ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, việc cách ly triệt để tại nhà, khẩn trương lấy mẫu những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai (từ ngày 10/3 đến 25/3/2020) có ý nghĩa quyết định trong việc ngăn chặn lây lan dịch bệnh trong cộng đồng và giúp làm rõ các biện pháp điều trị. Vì thế, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo tiếp tục thực hiện các nội dung:
Các địa phương, đơn vị khẩn trương hoàn thành rà soát tất cả các trường hợp có liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai theo chỉ đạo tại Công điện số 1 và Công điện số 2 ngày 28/3 của Chủ tịch UBND thành phố; tổ chức cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 theo quy định.
Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập rà soát ngay toàn bộ các bệnh nhân nặng điều trị nội trú tại bệnh viện, thực hiện tốt công tác chăm sóc và điều trị nội trú theo quy định. Đối với bệnh nhân tiếp nhận từ hoặc đã điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10/3 đến nay phải bố trí điều trị tại khu cách ly và lấy mẫu xét nghiệm COV1D-19.
Tăng cường công tác chăm sóc người bệnh toàn diện, chỉ cho 1 người nhà vào chăm sóc (nếu cần) và phải được kiểm tra y tế trước khi vào chăm sóc bệnh nhân, không cho người vào thăm hỏi bệnh nhân.
Lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn đảm bảo an toàn thực phẩm cho người bệnh, nhân viên cửa bệnh viện; đảm bảo bữa ăn cho người bệnh theo chế độ dinh dưỡng bệnh lý. Người tham gia chế biến thức ăn tại bệnh viện/người của đơn vị cung cấp suất ăn khi vận chuyển suất ăn vào trong bệnh viện phải có đầy đủ trang thiết bị bảo hộ theo quy định để phòng chống lây nhiễm chéo.
Các bệnh viện yêu cầu cán bộ được cử đi học tại Bệnh viện Bạch Mai và sinh viên thực tập đã từng đến học tập tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10/3/2020 phải khai báo y tế đầy đủ, cách ly theo quy định và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin như hẹn khám qua điện thoại, khám bệnh theo giờ… để hạn chế tối đa tập trung đông người, bố trí các ghế chờ khám cách nhau tối thiểu 2m, hướng dẫn và yêu cầu người dân đến khám đeo khẩu trang, rửa/sát trùng tay, giữ khoảng cách an toàn (trên 2m) và hạn chế tối đa tiếp xúc với người xung quanh.
09:25 30/03
Ba bệnh nhân Covid-19 nặng đang tốt lên
Bộ Y tế cho biết, ba bệnh nhân gồm bác gái của “bệnh nhân 17”, du khách người Anh và nam bệnh nhân người Việt 50 tuổi, liên tục trong những ngày qua được theo dõi sát. Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cùng chuyên gia đầu ngành đã hội chẩn, nỗ lực chăm sóc và điều trị.
Nam bệnh nhân người Việt đã rút ống thở trong đêm 28/3.
Bệnh nhân người Anh 69 tuổi tiến triển khá hơn, bác sĩ đang cân nhắc giảm chế độ máy thở.
Bác gái của “bệnh nhân 17” chạy ECMO ngày thứ 10 đang khá lên, hy vọng cai dần ECMO. Trước đó, bà suy hô hấp, tổn thương phổi nặng, được lọc máu liên tục.
ECMO (Extracorporeal Membrane Oxygenation) là phương pháp “oxy hóa qua màng ngoài cơ thể”, tạo tuần hoàn và trao đổi oxy nhờ hệ thống máy nhằm hỗ trợ chức năng sống ở bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Với nguyên lý hoạt động tương tự như máy tim phổi nhân tạo, mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim và/hoặc phổi được nghỉ ngơi và hồi phục.
08:25 30/03
Gần 34.000 người chết vì Covid-19 Covid-19 toàn cầu
33.909 người đã chết trên toàn cầu do Covid-19, trong đó châu Âu chiếm 2/3. Italy chiếm gần 1/3 tổng số ca tử vong toàn cầu với 10.779 trường hợp. Số ca nhiễm cũng tăng lên 720.480 tại 199 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 141.169 ca nhiễm, 2.458 ca tử vong và 4.435 người hồi phục. New York, Washington và California là ba bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Italy xác nhận thêm 5.271 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm lên 97.689, là vùng dịch lớn thứ hai trên thế giới, lớn nhất châu Âu. Số ca tử vong tăng 756 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong lên 10.779, tỷ lệ tử vong 11%.
Tây Ban Nha, vùng dịch lớn thứ hai châu Âu, báo cáo thêm 6.875 ca nhiễm và 821 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 80.110 và 6.803. Như vậy, số ca nhiễm và tử vong sau một ngày của Tây Ban Nha đã vượt Italy.
Đức ghi nhận thêm 4.400 ca nhiễm và 92 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và ca tử vong lên 62.095 và 525. Đức hiện là nước có số ca nhiễm nhiều thứ 5 thế giới. Bộ Y tế cho hay đã thực hiện nhiều xét nghiệm và người nhiễm tại Đức khá trẻ. Giới chức cảnh báo không nên quá chú ý đến tỷ lệ tử vong 0,5% vì tình hình có thể thay đổi.
Pháp cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể ca nhiễm mới trong ngày với 2.599 trường hợp, nâng số ca nhiễm lên 40.174. Số ca tử vong cũng tăng lên 2.606 sau khi xác nhận thêm 292 trường hợp.
Anh báo cáo thêm 2.433 ca nhiễm và 209 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 19.522 và 1.228. Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock ngày 27/3 xác nhận dương tính với Covid-19 và đang có các triệu chứng bệnh nhẹ. Cả hai đều tự cách ly và tiếp tục làm việc tại nhà. Trước đó, Thái tử Anh Charles và Thứ trưởng Y tế Nadine Dorries cũng thông báo nhiễm bệnh.
Trung Quốc đại lục hôm nay báo cáo 31 ca nhiễm mới, trong đó 30 ca là “ngoại nhập”, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 81.470. Tổng số ca tử vong là 3.304, tăng 4 ca so với một ngày trước đó.
Iran là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 2.901 ca nhiễm mới và 123 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 38.309 và 2.640.
Tại Đông Nam Á, Malaysia là vùng dịch lớn nhất với 2.470 ca nhiễm và 35 người chết. Indonesia là vùng dịch chết chóc nhất khu vực với 114 người chết trong 1.285 người nhiễm, tỷ lệ tử vong xấp xỉ 9%.
07:42 30/03
Thêm 6 trường hợp mắc mới tại ổ dịch Công ty TNHH Trường Sinh
Tới 6 giờ sáng 30/03, Việt Nam đã ghi nhận thêm 6 trường hợp mắc mới tại ổ dịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trường Sinh, đơn vị cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai, nâng tổng số ca mắc tại Việt Nam lên 194 ca.
Ca bệnh 189 (BN189): Bệnh nhân nữ, 46 tuổi, địa chỉ tại Tân Quang, Nông Cống, Thanh Hóa, là nhân viên thuộc bộ phận chuyển phát nước sôi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trường Sinh tại các khoa/phòng Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân ở cùng nhà với 2 trường hợp làm cùng công ty dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong 2 tuần trở lại đây, bệnh nhân không đi đâu xa khỏi khuôn viên bệnh viện.
Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Ca bệnh 190 (BN190): bệnh nhân nữ, sinh năm 1971;
Ca bệnh 191 (BN191): bệnh nhân nữ, sinh năm 1984;
Ca bệnh 192 (BN192): bệnh nhân nữ, sinh năm 1997;
Ca bệnh 193 (BN193): bệnh nhân nữ, sinh năm 1999;
Ca bệnh 194 (BN194): bệnh nhân nữ, sinh năm 1978.
Trong sáng nay Bộ Y tế cho biết, do có sự nhầm lẫn trong khâu thu thập và cập nhật thông tin, nên trong bản Thông tin báo chí phát hành lúc 18 giờ 30 ngày 29/3, Bộ đã để trùng trường hợp BN184 với trường hợp BN173 đã công bố trước đó và sai chi tiết của BN185 nên đã gửi thông báo mới về BN184, đồng thời cung cấp thông tin chuẩn về BN185.
Ca bệnh 184 (BN184): Bệnh nhân nữ, 42 tuổi, địa chỉ tại Diễn Vạn, Diễn Châu, Nghệ An, là nhân viên thuộc bộ phận bán hàng và chuyển phát nước sôi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trường Sinh tại căng tin và các khoa/phòng Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân ở cùng nhà với 2 trường hợp làm cùng công ty dương tính với virus SARS-CoV 2.
Trong 2 tuần trở lại đây, bệnh nhân không đi đâu xa khỏi khuôn viên bệnh viện.
Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Ca bệnh 185 (BN185): Bệnh nhân nam, 38 tuổi, địa chỉ tại Đông La, Hoài Đức, Hà Nội.
Bệnh nhân vào chăm anh rể điều trị tại Khoa Thần kinh-Bệnh viện Bạch Mai các ngày từ 15-16/3 và 18-19/3, trong đó có ít nhất 2 lần qua căng tin của bệnh viện để ăn và mua đồ.
Ngày 28/03/2020, xét nghiệm sàng lọc của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV 2. Sau đó bệnh nhân được chuyển vào cách ly tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Cùng ngày, mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.