>> CẬP NHẬT TÌNH HÌNH DỊCH Covid-19 – NHỮNG DIỄN BIẾN MỚI NHẤT
Dữ liệu di chuyển mà Google thu thập được chứa thông tin xu hướng đi lại của người dùng tại 131 quốc gia và khu vực. Bản báo cáo dữ liệu đầu tiên vừa được hãng này công bố vào ngày hôm qua (03/4).
Google cho biết, họ hy vọng việc theo dõi xu hướng di chuyển theo thời gian và địa lý có thể giúp các chính phủ, cơ quan y tế cộng đồng định hình được tình hình của dịch từ đó có các phản ứng kịp thời.
Mỗi báo cáo di chuyển mà Google cung cấp sẽ chứa dữ liệu đã được tổng hợp từ mọi người dùng và chia theo từng quốc gia, khu vực; thể hiện cả những chi tiết như người dùng đang có xu hướng tới cửa hàng tạp hóa, hiệu thuộc nào, khu vực nào tập trung đông người, cho phép so sánh mật độ người dùng tập trung tại khu vực đó trước, trong và sau khi thực hiện cách ly, phong tỏa.
Việc thu thập dữ liệu di chuyển được thực hiện qua những người dùng để điện thoại của họ ở chế độ bật lịch sử vị trí. Ngoài ra Google cũng cho biết toàn bộ lịch sử di chuyển đều không chứa thông tin cá nhân và cũng không thể xem được lịch sử di chuyển của riêng cá nhân nào.
Một trong những cách để sử dụng các thông tin vị trí này được Google gợi ý là tìm ra khung giờ phù hợp cho những người giao hàng di chuyển hoặc đưa ra khuyến cáo những người cần phải ra ngoài nên đi vào lúc nào.
Mục tiêu của Google có thể coi là tốt, nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng đây có thể là vấn đề với quyền bảo mật thông tin cá nhân của người dùng.
Theo ông Mark Skilton, Giám đốc Mạng lưới đổi mới trí tuệ nhân tạo của đại học Warwick, “việc công khai dữ liệu người dùng của Google sẽ làm nảy sinh mẫu thuẫn giữa nhu cầu giám sát mọi cá nhân để chống dịch và quyền bảo mật dữ liệu cá nhân của mọi người”.
Nhưng ông cũng đồng ý với quan điểm, đại dịch Covid-19 là một trường hợp khẩn cấp. Nếu mọi dữ liệu được ẩn danh và quản lý một cách thích hợp, các công ty Internet lớn nhất thế giới và các mạng xã hội có thể đóng vai trò tạo ra dữ liệu lớn về cộng đồng, giúp chống lại dịch.
Tại Việt Nam, báo cáo này của Google mới chỉ có dữ liệu di chuyển đến ngày 29/3. So với thời điểm ngày 16/2, số người tới những địa điểm như nhà hàng, quán cà phê, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim đã giảm 52%.
Số người tới các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc giảm 29%; công viên giảm 33%; tới các điểm trung chuyển giao thông như bến xe, sân bay giảm 49%; tới nơi làm việc giảm 20%. Và số người ở nhà đã tăng 16%.
(Theo Bizlive)