Covid-19 ngày 15/04: TP. HCM, Hà Nội cách ly xã hội đến 22/4

Thủ tướng chấp thuận đề xuất của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 quốc gia, cách ly xã hội đến ngày 22/4 đối với TP HCM, Hà Nội và 10 tỉnh thành có nguy cơ lây lan cao.

18:03 15/04

TP. HCM, Hà Nội cách ly xã hội đến 22/4

Thủ tướng chấp thuận đề xuất của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 quốc gia, cách ly xã hội đến ngày 22/4 đối với TP HCM, Hà Nội và 10 tỉnh thành có nguy cơ lây lan cao.

“Nhóm tỉnh thành này không phải là bất biến, mà có thể thay đổi. Tuần sau Chính phủ sẽ họp, xem xét lại việc cách ly xã hội sẽ kéo dài đến 22/4, hay 30/4, tuỳ tình hình thực tế”, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh thành về công tác phòng chống Covid-19, chiều 15/4. 

Ông cũng đề nghị, TP HCM, Hà Nội cùng 10 tỉnh khác (thuộc nhóm nguy cơ cao lây nhiễm nCoV) là Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh, Hà Tĩnh dù tiếp tục cách ly xã hội vẫn phải quan tâm sản xuất, xây dựng hạ tầng.   

Để công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan hạn chế việc nhập cảnh, hạn chế các chuyến bay nội địa từ nay đến ngày 30/4, ngừng cấp visa cho người nước ngoài kể cả đường bộ, hàng không, biển.

Trước đó, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất Chính phủ chia các tỉnh thành làm 3 nhóm để có biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp.

Nhóm nguy cơ cao gồm 12 tỉnh thành sẽ tiếp tục thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, ít nhất đến ngày 22/4. Sau đó, Ban Chỉ đạo sẽ đánh giá và báo cáo, đề xuất Thủ tướng quyết định.   

15 tỉnh thành thuộc nhóm nguy cơ là: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước và Đồng Tháp. Các tỉnh còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp.

Đối với 2 nhóm này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng không cần tiếp tục cách ly xã hội, nhưng cần có quy định cụ thể về hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo yêu cầu chống dịch; thực hiện các biện pháp bắt buộc, gồm: hạn chế ra khỏi nhà, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác tối thiểu 2 m; cấm tập trung đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng); cấm các dịch vụ vui chơi giải trí, tiếp tục đóng cửa các khu du lịch.

Tiêu chí xếp loại các tỉnh thành căn cứ vào: đầu mối giao thông, mật độ đi lại; có biên giới; những điểm trước đây tiếp xúc nhiều với người nước ngoài; mật độ dân cư, nhà máy, khu công nghiệp tập trung… và đặc biệt căn cứ vào năng lực ứng phó của chính quyền địa phương khi có ca bệnh; năng lực kiểm soát việc thực hiện các yêu cầu chống dịch từ trước đến nay.

Trong khi đó, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị chỉ nên chia các địa phương thành 2 nhóm. Nhóm nguy cơ cao cần áp dụng việc cách ly xã hội đến 22/4 là 12 tỉnh thành gồm: Hải Phòng, TP HCM, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh.

Các địa phương còn lại được xếp vào nhóm nguy cơ thấp và không cần thiết tiếp tục cách ly xã hội. Bởi những ngày qua người dân các tỉnh không có nguy cơ lây nhiễm gặp nhiều áp lực, mong muốn được nới lỏng.

“Không cần thiết tiếp tục cách ly toàn quốc vì các lực lượng và nhân dân đã có trải nhiệm, kinh nghiệm phòng chống Covid-19. Dù không cách ly xã hội thì người dân vẫn có thể tiếp tục thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, hạn chế giao tiếp”, ông Dũng nói.            

Đối với các địa phương còn lại không có nguy cơ cao theo tiêu chí Ban chỉ đạo quốc gia, ông Dũng đề nghị các thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức việc cách ly toàn xã hội theo quy định.

16:37 15/04

Những ai đến phòng tập Gym Lucky Star, Mê Linh liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất

Lúc 15h50 chiều ngày 15/4, Bộ Y tế phát đi thông báo khẩn số 14 đề nghị những người có mặt tại phòng tập gym Lucky Star ở Mê Linh, Hà Nội từ 15 đến 25/3 thực hiện một số biện pháp theo dõi y tế

Theo đó, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị: Tất cả những người có mặt tại phòng tập Gym Lucky Star, địa chỉ: Đầm Và – Tiền Phong – Mê Linh, Hà Nội trong thời gian từ ngày 15/3 – 25/3/2020, đặc biệt vào các khung giờ từ 6h30 đến 8h và từ 15h đến 16h30, cần:

– Liên hệ ngay với cơ quan y tế nơi gần nhất để được tư vấn hỗ trợ;

– Nhắn tin tới số 8889 cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình;

– Thực hiện cách ly tại nhà;

– Khai báo y tế.

16:35 15/04

Thêm 2 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh, Việt Nam đã có 171 ca khỏi

Thông tin từ tiểu Ban điều trị – Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, hôm nay (15/4), có 02 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh.Như vậy, đến thời điểm này tại Việt Nam đã có tổng cộng 171 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh.

Bệnh nhân 145: nam, 34 tuổi, quốc tịch Việt Nam, điều trị tại Bệnh viện lao và bệnh phổi Cần Thơ.

Trong quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 12/4/2020; lần 2 vào ngày 13/4/2020 và lần 3 vào ngày 14/4/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.

Bệnh nhân 235: nam, 25 tuổi, quốc tịch Anh, điều trị tại bệnh viện Dã chiến Củ Chi – Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 6/4/2020; lần 2 vào ngày 8/4/2020 và lần 3 vào ngày 9/4/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.

Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Về tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện tổng số người bệnh COVID-19 đang điều trị là 95 tại 14 cơ sở khám chữa bệnh. Có cả bệnh viện tuyến Trung ương, Bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện dã chiến. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định. Có 08 bệnh nhân nặng, trong đó 01 trường hợp chạy ECMO, 2 trường hợp thở máy, 5 trường hợp thở ô xy.

Hiện Bệnh nhân 91 có một số tín hiệu diễn biến lâm sàng khả quan hơn, dù vẫn dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Bệnh nhân đã có những tiến triển chậm, hình ảnh XQ phổi có cải thiện; không sốt, thở máy và ECMO, được theo dõi rối loạn đông máu-Hội chứng HIT;  Bệnh nhân vẫn được kíp bác sỹ bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ điều trị và theo dõi sát sao.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới TW cơ sở 2, hiện có 3 ca nặng được Hội đồng chuyên môn tiếp tục chẩn đoán. Trong đó, Bệnh nhân 20 sau 29 ngày điều trị đã có thời gian phải dùng ECMO, hiện đã có dấu hiệu  hồi phục sau ngừng tuần hoàn. Bệnh nhân đã dừng được vận mạch, Glassgow 14 điểm; bệnh nhân tỉnh, gọi giao tiếp được được; dấu hiệu sinh tồn khả quan;

Đối với Bệnh nhân 161, 88 tuổi từ BV Bạch Mai chuyển sang bệnh nhân đã bị tai biến, xuất huyết não và liệt 1/2 người bên trái, Hội đồng chuyên môn cũng đề nghị xem xét cai máy thở, kiểm soát tăng huyết áp, đái tháo đường cho người bệnh.

Đối với Bệnh nhân 251, 64 tuổi vừa được chuyển lên từ Bệnh viên Đa khoa Hà Nam, bệnh nhân có tiền sử gout nặng, uống rượu, xơ gan. Ca bệnh này đã được hội đồng chuyên mốn tư vấn trao đổi về vấn đề dinh dưỡng, điều trị gout, xơ gan, chống đông….

Hiện số ca bệnh COVID-19 có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 31 ca

– Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 10 ca.

11:51 15/04

Bệnh nhân phi công ‘nhận biết xung quanh’

“Bệnh nhân 91” ngày 15/4 có dấu hiệu nhận biết xung quanh dù còn duy trì thuốc an thần, đồng tử phản xạ ánh sáng tốt.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết kết quả xét nghiệm bệnh nhân vẫn dương tính nCoV, tuy nhiên diễn biến lâm sàng tiếp tục có tín hiệu lạc quan. Bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đã ngưng thuốc vận mạch 24 giờ qua. 

“Xét nghiệm chỉ số đông máu cho thấy tạm ổn, tình trạng chảy máu mũi ít hơn, tiểu khá hơn”, bác sĩ Châu chia sẻ. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực với thở máy, lọc máu hấp phụ kháng thể, ECMO, kháng sinh và kháng nấm.

ảnh 4

Lọc máu hấp phụ kháng thể là dùng bộ lọc đặc biệt lấy các kháng thể bất thường của bệnh nhân ra ngoài. Hệ miễn dịch của bệnh nhân này phản ứng rất mạnh, đã phản ứng quá mức khi bị nCoV tấn công, khiến cơ thể tiết ra nhiều cytokine gây ảnh hưởng các phủ tạng. 

Đây là ngày thứ hai bệnh nhân có dấu hiệu lạc quan hơn sau thời gian dài diễn tiến xấu. Trước đó ngày 13/4, kết quả xét nghiệm nCoV dương tính trở lại sau một ngày âm tính, phổi tổn thương nặng hơn, hô hấp hoàn toàn lệ thuộc vào ECMO. Bộ Y tế phải mua thuốc hiếm về đông máu từ nước ngoài để cứu chữa bệnh nhân.    

Phi công người Anh, 43 tuổi, xác định dương tính ngày 18/3, sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù bệnh nhân trẻ và không có bệnh nền. Bác sĩ phải dùng nhiều cách thức hỗ trợ hô hấp, từ ngày 6/4 phải can thiệp ECMO.    

 Bệnh nhân là phi công hãng hàng không Vietnam Airlines. Từ ngày 13 đến 18/3, anh ở TP HCM và tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có Buddha Bar & Grill, ổ dịch lớn nhất thành phố. 

11:49 15/04

Hà Nội đề xuất kéo dài cách ly xã hội đến 30/4

Tại cuộc họp Thường vụ Thành uỷ sáng 15/4, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đề xuất với Thủ tướng cho phép kéo dài cách ly xã hội trên địa bàn đến hết tháng 4 do Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo ông Huệ, diễn biến dịch bệnh đã phức tạp hơn, một số người nghi có thời gian ủ bệnh lâu (trên 14 ngày), tái phát bệnh sau khi khỏi và còn hàng nghìn trường hợp xét nghiệm sàng lọc chưa có kết quả cuối cùng; do vậy, Hà Nội cần đề xuất Thủ tướng cho kéo dài cách ly xã hội tới 30/4.

Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan bảo đảm công tác khám chữa bệnh cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chỉ thị 16; triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội kịp thời, đảm bảo công khai và không sai sót.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến trong Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đánh giá đa số nhân dân thủ đô tự giác thực hiện giãn cách xã hội, chính quyền cũng đã kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Nhờ đó, qua hai tuần, Hà Nội cơ bản kiểm soát tốt Covid-19; các hoạt động kinh tế được duy trì; hàng hoá, giá cả, trật tự an toàn, an ninh xã hội cơ bản ổn định.          

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng lãnh đạo thành phố cần tiếp tục yêu cầu chính quyền cơ sở phát huy mạnh mẽ hơn vai trò trong phòng, chống dịch bệnh, khi một số nơi người dân biểu hiện chủ quan; xuất hiện tình trạng đua xe, nổ súng…

Hôm 13/4, Chủ tịch UBND TP HCM cũng đã đề nghị Chính phủ cho kéo dài cách ly đến 30/4.

Đến sáng 15/4, cả nước ghi nhận 267 ca nhiễm Covid-19, 169 người đã khỏi bệnh; riêng Hà Nội là 113 ca dương tính, 51 trường hợp đã khỏi, ra viện và 62 người đang điều trị. Trong số 113 ca dương tính ở Hà Nội, 40 trường hợp phát hiện tại sân bay/khu cách ly tập trung; 73 người ghi nhận trong cộng đồng (đều liên quan tới bệnh viện Bạch Mai).  

07:31 15/04

Đón một số công dân Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Anh

Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã đưa một số công dân Việt Nam từ Anh, bao gồm học sinh dưới 18 tuổi, người cao tuổi và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước và hạ cánh tại sân bay quốc tế Vân Đồn vào sáng 15/4.

Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa cho biết, với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam thực hiện công tác bảo hộ công dân, ngày 13/4, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đưa khoảng 100 công dân Anh đi du lịch “mắc kẹt” tại Việt Nam và Campuchia do ảnh hưởng của dịch COVID-19 về nước trên chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Trong số đó, có một số người nhiễm COVID-19 đã được Việt Nam điều trị khỏi bệnh. 

Đây cũng là chuyến bay vận chuyển số khẩu trang là quà tặng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi tới Chính phủ và nhân dân Anh.

ảnh 1

Trên chuyến bay trở lại, các cơ quan liên quan của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng đã đưa một số công dân Việt Nam từ Anh, bao gồm học sinh dưới 18 tuổi, người cao tuổi và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước và hạ cánh tại sân bay quốc tế Vân Đồn vào sáng 15/4. Những người này sẽ được cách ly và giám sát y tế theo đúng quy định.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam đã và đang rà soát, đề xuất phương án đưa một số công dân Việt Nam hiện đang ở nước ngoài về nước vì lý do đặc biệt cần thiết, ưu tiên trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau, bảo đảm cân đối chung và phù hợp với năng lực cách ly tập trung trong nước.

07:22 15/04

Hơn 125.000 người chết vì nCoV toàn cầu

Thống kê của Đại học Johns Hopkins cho thấy thế giới ghi nhận 1.970.879 ca nhiễm và 125.678 ca tử vong do nCoV tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số người bình phục tăng thêm 29.162, lên 472.948 người.

Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 602.989 ca nhiễm và 25.575 ca tử vong, tăng lần lượt 21.310 và 1.957 ca.

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 2.442 ca nhiễm và 300 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 172.541 và 18.056, là vùng dịch lớn nhất châu Âu và thứ hai thế giới.

Italy báo cáo thêm 602 ca tử vong, nâng số ca tử vong lên 21.067 và là nước thứ hai trên thế giới, sau Mỹ, ghi nhận ca tử vong vượt 20.000 Ca nhiễm tại Italy hiện là 162.488 sau khi báo cáo thêm 2.972 ca.

Pháp báo cáo thêm 6.524 ca nhiễm và 762 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 143.303 và 15.729.

Số ca nhiễm và tử vong ở Đức hiện là 131.359 và 3.294 sau khi ghi nhận thêm lần lượt 1.287 và 100 ca. Đức đang hướng tới việc dỡ bỏ dần những hạn chế liên quan đến Covid-19 khi ca nhiễm mới giảm và ca tử vong thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng châu Âu.

Anh ghi nhận thêm 778 người chết do nCoV trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong toàn quốc lên 12.107 trong 93.873 ca nhiễm.

Trung Quốc và Hàn Quốc chưa báo cáo số liệu mới.

Tại Đông Nam Á, Philippines thay Malaysia trở thành vùng dịch lớn nhất khu vực với 5.223 ca nhiễm và 335 ca tử vong. Malaysia ghi nhận 4.987 ca nhiễm và 82 ca tử vong.

Indonesia xếp thứ ba với 4.839 ca nhiễm và 459 ca tử vong, là quốc gia có tỷ lệ tử vong do nCoV cao thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc.

Singapore xếp thứ tư với 3.252 ca nhiễm và 10 ca tử vong. Giới chức y tế nhận định lượng lớn công dân về nước giữa tháng ba làm tăng đáng kể ca ngoại nhập, song giảm dần sau khoảng một tháng. Số ca nội địa tăng lên sau làn sóng ca ngoại nhập và có chiều hướng được kiểm soát trong những ngày gần đây nhờ các biện pháp cách biệt cộng đồng được áp dụng từ tuần trước.

07:14 15/04

Số ca nhiễm nCoV lên 267

6h ngày 15/4, Bộ Y tế ghi nhận thêm một ca dương tính nCoV, là bố của “bệnh nhân 257”, ở thôn Hạ Lôi, Hà Nội.

Như vậy, 24 giờ qua thêm hai ca nhiễm, 23 người khỏi bệnh. Tổng số người khỏi Covid-19 lên 169. Số bệnh nhân đang điều trị 98. Số ca nhiễm ở thôn Hạ Lôi lên 13.

“Bệnh nhân 267”, 46 tuổi, bố “bệnh nhân 257”, chồng “bệnh nhân 258”, tiếp xúc gần với “bệnh nhân 243” ngày 20/3. Ngày 8/4, ông cách ly tập trung tại Hà Nội, ngày 13/4 khởi phát triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, đau rát họng, đau người, được lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm ngày 14/4 dương tính. Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Toàn bộ thôn Hạ Lôi với 11.077 người dân, đang cách ly. Giới chức y tế tiếp tục điều tra dịch tễ.Người dân Hạ Lôi được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm sàng lọc nCoV

98 bệnh nhân đang được điều trị tại 14 bệnh viện, hầu hết sức khỏe ổn định. Trong số này, 13 ca kết quả xét nghiệm âm tính một lần, 8 ca âm tính lần hai. Ba ca nặng đang thở máy, lọc máu là bệnh nhân 20, 161 và 91. Năm ca phải thở oxy.

Tính đến sáng nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly gần 68.000. Ttrong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 533; cách ly tập trung tại cơ sở khác hơn 12.500; cách ly tại nhà, nơi lưu trú gần 55.000.

>> Covid-19 ngày 14/04: Việt Nam ghi nhận ca nhiễm 266

Next Post

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/4: HDG, VGI, NT2, SCS, TLG, PNJ

T4 Th4 15 , 2020
Cổ phiếu cần quan tâm 15/4: HDG, VGI, NT2, SCS, TLG, PNJ. Tất cả đều được khuyến nghị mua bởi các công ty chứng khoán Bản Việt, Bảo Việt và BIDV.
Copyright All right reserved

Chuyên mục