Covid-19 ngày 06/04: Số ca nhiễm Covid-19 lên 245

18h ngày 6/4, Bộ Y tế ghi nhận thêm 4 ca nCoV, gồm một người từng đưa vợ đến Bệnh viện Bạch Mai khám, 3 người được cách ly ngay khi nhập cảnh.

22:29 06/04

Số ca nghi nhiễm giảm hơn 550

Tính đến 20h ngày 6/4, cả nước có 2.601 người nghi nhiễm đang được cách ly tại bệnh viện, giảm 553 ca so với hôm qua. 

Trong đó 158 người mới cách ly trong ngày, 2.443 người cũ từ những ngày trước tiếp tục theo dõi. Số liệu do Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng Việt Nam tổng hợp từ tất cả tỉnh thành. Người trong diện nghi nhiễm là người có tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc đi từ vùng dịch, có biểu hiện triệu chứng như ho, sốt, khó thở.

Cả nước có hơn 85.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe. Trong đó hơn 46.000 người cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Họ là người có yếu tố dịch tễ nhưng không ho, sốt, khó thở, chưa xác định mắc bệnh.Điểm lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại Hà Nội.

Hà Nội đến nay ghi nhận 111 trường hợp dương tính với nCoV, chia làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất phát hiện qua sàng lọc rà soát ở sân bay, được đưa đi cách ly ngay nên ít có khả năng lây lan cộng đồng. Nhóm thứ hai là các ca nhiễm chéo trong bệnh viện và cộng đồng. Nhóm cuối là ca nhiễm trong Bệnh viện Bạch Mai. Trong đó, 38 người khỏi bệnh xuất viện.     

Gần 600 trường hợp tiếp xúc gần cần giám sát y tế; gần 20.000 người phải cách ly, theo dõi trong cộng đồng. Gần 4.000 người được theo dõi tại 16 khu cách ly tập trung.  

TP HCM ghi nhận 53 ca nhiễm, trong đó 22 người đã khỏi bệnh. Hơn 5.000 trường hợp đang cách ly tập trung; hơn 1.400 trường hợp được theo dõi, cách ly tại nhà. Trong đó, “bệnh nhân 91”, 43 tuổi bị suy hô hấp nặng đang phải can thiệp ECMO. 

Đây là bệnh nhân nCoV thứ hai tại Việt Nam phải can thiệp ECMO. Người đầu tiên là bác gái của “bệnh nhân 17”, 64 tuổi, có bệnh lý nền rối loạn tiền đình, suy hô hấp nặng, phải can thiệp hơn 2 tuần.          

Thành phố tiếp tục tăng cường rà soát, xác minh các trường hợp tiếp xúc hoặc có liên quan đến các trường hợp mắc bệnh mới để cách ly theo dõi. Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai các cơ sở cách ly kiểm dịch cộng đồng; giám sát việc tổ chức cách ly tại nhà; triển khai các hoạt động truyền thông nguy cơ và giám sát ở cộng đồng, bến xe để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm từ các vùng dịch, ổ dịch trong nước.

Hải Phòng cách ly 358 trường hợp tại các khu cách ly tập trung. Nhiều nhất là Trung tâm Giáo dục quốc phòng an ninh thuộc Trường Đại học Hải Phòng cách ly 105 người; Trường Quân sự thành phố Hải Phòng 178 người…

Cần Thơ hiện còn cách ly tập trung 21 người. Trong ngày 6/4, có 16 trường hợp đã hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày, nâng tổng số người hoàn thành cách ly lên 1.022. Số trường hợp cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú trên địa bàn là 191 người. 

Đà Nẵng ghi nhận 6 trường hợp nhiễm bệnh. Hôm nay, “bệnh nhân 122” xuất viện sau ba lần xét nghiệm âm tính. Thành phố đang cách ly tập trung hơn 2.000 người; hơn 600 người theo dõi sức khỏe tại cơ sở y tế quận, huyện.

Một số tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Nam… lập chốt kiểm soát, hạn chế người ra vào tỉnh, giảm nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

18h ngày 6/4, Bộ Y tế ghi nhận thêm 4 ca nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên 245. Trong đó, 95 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.     

150 bệnh nhân đang được điều trị trong 21 cơ sở y tế; 58 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 1 lần trở lên, 24 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 2 lần trở lên.

22:26 06/04

Bộ Y tế nâng cấp độ chống dịch

Bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế được coi như bệnh nhân nghi lây nhiễm, được phân luồng điều tra dịch tễ và xét nghiệm.

Đây là yêu cầu của Bộ Y tế phát đi chiều nay nhằm nâng mức độ phòng chống dịch, ngay từ cửa ra vào các cơ sở y tế. Bởi, dịch vẫn đang diễn biến mới rất phức tạp, đã có sự lây nhiễm từ cộng đồng vào cơ sở khám chữa bệnh và ngược lại.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân trừ trường hợp cấp cứu, còn lại tái khám và khám bệnh thông thường nên sử dụng các dịch vụ hệ thống y tế cơ sở. Đặc biệt khi đến thăm khám nên đặt lịch hẹn để thực hiện đúng tinh thần giãn cách xã hội và đảm bảo an toàn khi khám bệnh.

Ban chỉ đạo quốc gia hôm nay cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến trên ưu tiên nhận người bệnh nặng, cấp cứu, chuyển tuyến; hạn chế tối đa nhận các trường hợp khám bệnh thông thường mà tuyến dưới thực hiện được. Mặt khác, tăng cường khám bệnh, tư vấn theo các hình thức trực tuyến, điện thoại, viễn thông để giảm lưu lượng người đến khám bệnh.

Ngoài ra, tại các bệnh viện nên giãn, hoãn việc mổ phiên các trường hợp trì hoãn được. Rà soát, bố trí, sắp xếp hợp lý nhân lực bảo đảm cho công tác khám, chữa bệnh trong giai đoạn chống dịch hiện nay và nếu có diễn biến tăng lên.

Kiểm soát người vào tại Bệnh viện Bạch Mai

Bộ Y tế cho biết đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế và thuốc trong trường hợp dịch xảy ra theo chiều hướng xấu hơn, đủ hậu cần cung cấp cho hàng chục nghìn bệnh nhân, sản xuất được khẩu trang và đồ chống dịch từ nguyên liệu trong nước.

Bộ Y tế phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sản xuất máy thở xâm nhập và không xâm nhập để thay thế những máy thở ngoại nhập.

Các địa phương được đề nghị thành lập các tổ chủ động “đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát hiện từng đối tượng”, theo phương châm phát hiện và cách ly. Duy trì mỗi tổ tối thiểu 2 người, có nhiệm vụ lập danh sách theo dõi, sáng lọc chặt chẽ những ai có biểu hiện sốt ho khó thở đặc biệt là những người đi về từ vùng dịch, những người đến các cơ sở y tế, những người đang lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ; những đối tượng lang thang ngoài xã hội (nghiện ma túy; có tệ nạn xã hội) và báo ngay cho y tế cơ sở để kịp thời xử lý y tế.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Phía trước vẫn còn rất nhiều gian khó và tiềm ẩn không ít rủi ro.

“Chúng ta quyết không được chủ quan, lơi lỏng. Nhưng nếu toàn dân đồng lòng, toàn dân chống dịch thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng”, Phó Thủ tướng nói.

Sau hai ngày số ca mắc mới có chiều hướng giảm, hôm qua chỉ ghi nhận một ca, chiều nay 4 ca nhiễm được công bố, nâng tổng số bệnh nhân lên 245. 

Hôm nay 4 người được tuyên bố khỏi Covid-19, đưa số khỏi bệnh lên 95. 150 người đang điều trị tại các cơ sở y tế hầu hết ổn định sức khỏe. Số ca âm tính lần một 34 ca, âm tính lần 2 là 24 ca.

18:38 06/04

Số ca nhiễm Covid-19 lên 245

18h ngày 6/4, Bộ Y tế ghi nhận thêm 4 ca nCoV, gồm một người từng đưa vợ đến Bệnh viện Bạch Mai khám, 3 người được cách ly ngay khi nhập cảnh.

Như vậy, buổi sáng hôm nay không ghi nhận ca nhiễm mới, buổi chiều thêm 4 ca, tổng số bệnh nhân lên 245. Có 4 bệnh nhân được tuyên bố khỏi Covid-19 trong ngày, đưa số khỏi bệnh lên 95.

* Bệnh nhân 242: nam, 47 tuổi, cư trú tại huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ngày 12/3, bệnh nhân đưa vợ đi khám bệnh tại Khoa Miễn dịch – Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai và về trong ngày, ăn uống tại quán cơm đường Giải Phóng đối diện cổng bệnh viện. 

ảnh 3

* Bệnh nhân 243: nữ, 34 tuổi, có địa chỉ tại Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, sinh sống và làm việc tại Nga. Ngày 25/3, bệnh nhân từ Nga về Việt Nam trên chuyến bay SU290. 

* Bệnh nhân 244: nữ, 44 tuổi, có địa chỉ tại Bố Trạch, Quảng Bình, nhân viên phục vụ quán ăn nhanh tại Đức. Bệnh nhân từ Đức đến Nga, nối chuyến từ Nga về Việt Nam ngày 25/3 trên chuyến bay SU290. 

*Bệnh nhân 245: nữ, 21 tuổi, có địa chỉ tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, nhân viên làm móng tại Tây Ban Nha. Bệnh nhân từ Tây Ban Nha đến Nga, nối chuyến từ Nga về Việt Nam ngày 25/3 trên chuyến bay SU290. 

18:33 06/04

Ba bệnh nhân ở Cần Thơ, Tây Ninh khỏi Covid-19

“Bệnh nhân 154” điều trị tại bệnh viện Cần Thơ, “bệnh nhân 117”, 118 ở Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, được Bộ Y tế tuyên bố khỏi Covid-19 chiều nay.

Chiều 6/4, một bệnh nhân khác tại Đà Nẵng cũng xuất viện. Như vậy trong ngày có 4 bệnh nhân khỏi Covid-19, tổng số khỏi bệnh lên 95.  

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, “bệnh nhân 117”, nam, 30 tuổi, và “bệnh nhân 118”, nữ, 23 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh hai lần liên tiếp xét nghiệm âm tính nCoV vào ngày 30/3, 31/3, đủ điều kiện khỏi bệnh.  

Hai người này nhập cảnh từ Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài lần lượt ngày 19/3 và 22/3, cách ly tập trung tại Tây Ninh. Khi nhập viện hôm 23/3, cả hai bệnh nhân đều sốt, ho, khó thở, X-quang phổi tổn thương 2 bên. 

Bác sĩ Liêu Chí Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cho biết hiện nay hai bệnh nhân tinh thần thoải mái, sức khỏe ổn định.Bệnh nhân tặng hoa và chụp hình lưu niệm cùng các y bác sĩ điều trị khi nhận giấy chứng nhận sức khỏeTheo bác sĩ Hùng cho biết, do chuẩn bị trước nên khi phát hiện hai người có yếu tố nghi nhiễm ở cửa khẩu Mộc Bài, đội ngũ y tế có bảo hộ đã đưa họ về bệnh viện bằng xe chuyên dụng, tránh lây nhiễm chéo. Hai bệnh nhân được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Những ngày đầu họ sốt, ho, khó thở, ba ngày sau sức khỏe dần ổn định.

“Do cả hai đều còn trẻ, sức đề kháng tốt và không có bệnh nền nên trong thời gian ngắn, các triệu chứng hầu như không còn”, bác Hùng nói.

Tại khoa Nhiễm, các bệnh nhân được cách ly và điều trị khép kín theo quy định. Ê kip bác sĩ, điều dưỡng… đều ăn ở và làm việc tại đây. Ngoài thuốc điều trị, bệnh viện tăng cường chất dinh dưỡng, sức đề kháng, trao đổi để tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân. Mỗi ngày bác sĩ vào phòng thăm khám, lấy mẫu, 3 ngày một lần chụp X-quang. 

“Bệnh nhân 154”, 23 tuổi, du học sinh tại Anh, ngụ thành phố Hạ Long, ra viện trong buổi chiều. Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ đã trao giấy chứng nhận đảm bảo các tiêu chuẩn sức khỏe cho cô gái. Do cả nước đang thực hiện “cách ly xã hội”, điều kiện giao thông xa xôi, khó khăn, sau khi ra viện cô gái được tiếp tục cách ly hai tuần tại Trường quân sự Cần Thơ.

Bác sĩ Trần Mạnh Hồng, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ cho biết “bệnh nhân 154” kết quả xét nghiệm âm tính lần ba. Ba mẫu bệnh phẩm liên tiếp lấy cách nhau 24 giờ, vào các ngày 31/3, 1/4 và 2/4 kết quả âm tính với nCoV. Bệnh nhân xuất viện với sức khỏe tốt: không sốt, không ho, không khó thở, ăn uống, sinh hoạt bình thường.

Cô được các bác sĩ điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế và theo dõi sức khỏe hàng ngày.

“Khi biết mình dương tính với nCoV, tôi không lo lắng lắm vì đã cảm thấy an toàn khi trở về Việt Nam”, nữ bệnh nhân nói.

Cô cho biết cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm, nhiệt tình của các y bác sĩ nơi đây dành cho mình nên rất quyến luyến, thậm chí “hết bệnh vẫn không muốn rời viện”. 

Nữ du học sinh đi chuyến bay VN50 về Việt Nam tại sân bay Cần Thơ ngày 22/3. Qua kiểm tra y tế, cô không có triệu chứng bất thường, được đưa về cách ly tại Trường Quân sự TP Cần Thơ, lấy mẫu xét nghiệm. Hai hôm sau, cô có kết quả dương tính nCoV, ho, sốt, được đưa đến khu cách ly Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ. 

Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ còn đang điều trị cho “bệnh nhân 145”, nam, 34 tuổi, trú tại phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP HCM, là thợ làm móng tay tại Mỹ. Anh này là hành khách về Việt Nam cùng chuyến bay với “bệnh nhân 154”.

Đến sáng 6/4, Việt Nam ghi nhận 241 người nhiễm nCoV, trong đó 95 người đã khỏi, 146 trường hợp đang điều trị. 

16:26 06/04

Đã rà soát hơn 52.000 người, xét nghiệm 14.656 mẫu liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai

Theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, đến 18h00 ngày 5/4/2020, đã rà soát 52.239 người, đã tiến hành cách ly 26.579 người, lấy mẫu xét nghiệm 14.656 người, 5.820 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.

Cập nhật về tình hình triển khai các biện pháp giải quyết chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai cho hay, theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, đến 16h00 ngày 05/4/2020 có 3.237 người đang trong bệnh viện, trong đó có 2.196 nhân viên, 775 bệnh nhân, 266 người nhà bệnh nhân. Đã thực hiện 8.683 xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 8.652 mẫu âm tính, 22 mẫu dương tính đã công bố chủ yếu từ Công ty Trường sinh.

Đến 18h00 ngày 05/4/2020, đã rà soát 52.239 người bao gồm: 2.272 cán bộ y tế của bệnh viện, 4.309 bệnh nhân nội trú, 1.937 bệnh nhân ngoại trú, 23.193 bệnh nhân khám ngoại trú, 12.775 người thân/người chăm sóc, 747 nhân viên phục vụ và 7.006 người khác liên quan.

ảnh 1

Trong số này đã tiến hành cách ly 26.579 người, lấy mẫu xét nghiệm 14.656 người, 5.820 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả. Các địa phương đã thực hiện việc cách ly và kiểm soát hết người đến Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai cách ly tại 3 địa điểm với tổng số 425 người, trong đó tại Trung tâm khám bệnh ban ngày (50 người), Trung tâm Phục hồi Chức năng (61 người) và Khoa Thần kinh (314 người).

Tổ chức cho 117 nhân viên y tế nghỉ tại tại Khách sạn Mường Thanh (Xa La, Hà Đông, Hà Nội).

Ngày 05/4/2020, bệnh viện đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) tiến hành phun khử khuẩn trong khuôn viên bệnh viện.

Về 44 trường hợp mắc COVID-19 liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai: Có 26 nhân viên Công ty Trường Sinh, 1 người nhà nhân viên Công ty Trường Sinh, 2 nhân viên y tế, 2 bệnh nhân, 9 người nhà/người chăm sóc bệnh nhân, 1 người đến khám tại bệnh viện, 3 người lây thứ phát từ người lây tại bệnh viện.

14:25 06/04

Phát hiện người nhiễm Covid-19 nghi ngờ ủ bệnh 23 ngày 

Thông tin tại cuộc giao ban trực tuyến công tác quý I/2020 của thành phố, sáng 6/4, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, bệnh nhân 47 tuổi ở Mê Linh, đi khám ở Khoa miễn dịch dị ứng, bệnh viện Bạch Mai ngày 12/3. Đến ngày 4/4, CDC Hà Nội lấy mẫu và tối 5/4 có kết quả dương tính. “Như vậy bệnh nhân này ủ bệnh đúng 23 ngày”, ông Chung nói.

UBND huyện Mê Linh cho hay bệnh nhân này đã được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để điều trị.

Sau khi được CDC Hà Nội thông báo về ca bệnh, huyện Mê Linh đã điều tra dịch tễ, khoanh vùng, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và tiếp xúc gián tiếp (F2) để đề nghị UBND xã, thị trấn ra quyết định cách ly y tế.Theo Chủ tịch Hà Nội, bệnh nhân ở Mê Linh ủ bệnh đến 23 ngày cho thấy các nghiên cứu ở thế giới đang xảy ra thực tế ở Hà Nội. “Đơn cử Hàn Quốc có ca ủ bệnh lâu nhất 27 ngày; Mỹ trung bình các ca bệnh là 22,5 ngày và Trung Quốc mới công bố ca ủ bệnh lâu nhất ở Vũ Hán lên đến 29 ngày”, ông nói.

ảnh 2

 Ngoài ca bệnh trên, Chủ tịch Hà Nội cho biết, sáng 6/4, CDC thành phố cũng phát hiện một trường hợp dương tính với nCoV bay từ Nga về, được cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học FPT. Bệnh nhân này 35 tuổi ở Hà Tĩnh, nhập cảnh ngày 25/3, xét nghiệm lần đầu âm tính, nhưng lấy mẫu lần hai dương tính.          

Ông Chung nói tính từ ca bệnh đầu tiên trên địa bàn ngày 6/3 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 96 trường hợp dương tính với nCoV, chia làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất, phát hiện qua sàng lọc rà soát ở sân bay, được đưa đi cách ly tập trung ngay nên ít có khả năng lây lan cộng đồng. Nhóm thứ hai là các ca nhiễm chéo trong bệnh viện và cộng đồng. Nhóm cuối là các ca nhiễm ở trong bệnh viện Bạch Mai (36 ca).          

Lãnh đạo Hà Nội đề nghị các quận, huyện tiếp tục rà soát, cách ly ngay các trường hợp liên quan đến bệnh viện Bạch Mai “vì đây vẫn là ổ dịch tiềm tàng nguy cơ lớn”. Ông cũng đề nghị các quận, huyện xem xét kéo dài thời gian cách ly “không phải 14 ngày mà 24 ngày”. Với những trường hợp đã hết 14 ngày cách ly và trở về gia đình, chủ tịch xã, phường phải yêu cầu họ tự cách ly tại nhà thêm 14 ngày để tránh dịch lây lan ra cộng đồng.

Ông cho hay, chỉ riêng “bệnh nhân 237” người Thuỵ Điển đã kéo theo hơn 100 người F1, hơn 200 người F2. Hai bệnh nhân 17 và 19 có trên 2.175 người liên quan đến F1 và F2.

“Nếu thành phố mỗi ngày có 100 đến 200 ca bệnh mới thì sẽ không đủ người đi xác minh lịch sử dịch tễ”, ông Chung cảnh báo và cho rằng biện pháp ngăn chặn hiệu quả tối ưu và duy nhất là giãn cách xã hội; do vậy lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định cách ly xã hội, ra đường không đeo khẩu trang.

13:14 06/04

Bệnh nhân phi công Anh phải can thiệp ECMO

“Bệnh nhân 91”, 43 tuổi, ca đầu tiên liên quan quán bar Buddha, ngày 6/4 suy hô hấp nặng, phải can thiệp ECMO.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết, đã hội chẩn liên viện với Bệnh viện Chợ Rẫy sáng nay, chỉ định cho bệnh nhân can thiệp ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể). Kíp bác sĩ Chợ Rẫy đã sang bệnh viện Nhiệt đới hỗ trợ thực hiện ECMO cho bệnh nhân tại phòng cách ly áp lực âm Khoa Nhiễm D.

Theo bác sĩ Châu, bệnh nhân xét nghiệm dương tính ngày 18/3, sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần. Hình ảnh chụp X-quang phổi tổn thương mô kẽ, phế nang lan tỏa 2 phế trường, diễn tiến ngày càng xấu hơn. Bệnh nhân được điều trị hỗ trợ hô hấp thở oxy mũi, sau đó chuyển sang thở oxy mask (thở qua mặt nạ) từ ngày 25/3. Ngày 5/4 phải thở máy xâm lấn.

ảnh 3

“Kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR mẫu bệnh phẩm đường hô hấp đến ngày 3/4 còn dương tính, tải lượng virus còn cao”, bác sĩ Châu cho biết.

Đây là bệnh nhân nCoV thứ hai tại Việt Nam phải can thiệp ECMO. Người đầu tiên là bác gái của “bệnh nhân 17”, 64 tuổi, có bệnh lý nền rối loạn tiền đình, suy hô hấp nặng, phải can thiệp ECMO hơn 2 tuần.     

Bệnh nhân trú tại quận 2, phi công hãng hàng không Vietnam Airrlines. Ngày 8/2 anh là hành khách từ London về Việt Nam trên chuyến bay của Vietnam Airlines số hiệu VN10, số ghế 5K. Tiếp sau đó, anh không nhớ rõ lịch trình đi lại và các chuyến bay quốc tế, quốc nội.

Ngày 16/3, anh là phi công trên chuyến bay VN272 TP HCM – Hà Nội và VN607 Hà Nội – TP HCM trong cùng ngày. Từ ngày 13/3 đến 18/3 anh lưu trú tại TP HCM và tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có quán bar Buddha. Ngày 17/3, bệnh nhân khởi phát sốt, ho, chiều 18/3 tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM khám và xác định dương tính.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, hiện có 18 ca liên quan đến bar Buddha từ “bệnh nhân 91”. Ngành y tế đang theo dõi sát, xử trí chuỗi lây nhiễm liên quan quán bar này. 

Hiện thành phố ghi nhận 53 trường hợp dương tính nCoV, trong đó 31 ca đang điều trị, 22 người đã khỏi.          

Hiện Việt Nam ghi nhận 241 bệnh nhân, trong đó 150 người đang điều trị, 91 người đã khỏi.

44 bệnh nhân kết quả xét nghiệm âm tính từ một lần, 17 ca âm tính từ 2 lần trở lên. Sức khỏe của một số bệnh nhân nặng khá lên: hai người thở oxy đang có tiến triển; bác gái của “bệnh nhân 17” được dừng tim phổi nhân tạo ECMO.

Các ca tiên lượng nặng gồm bà cụ 88 tuổi quê Hưng Yên bị tai biến mạch máu não, bệnh nhân người Thụy Điển 64 tuổi ung thư máu, bệnh nhân 71 tuổi người Vĩnh Phúc ung thư gan.

07:51 06/04

Hơn 69.000 người chết vì Covid-19 toàn cầu

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới hiện ghi nhận 1.270.069 ca nhiễm và 69.309 ca tử vong do nCoV tại 208 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 73.516 và 4.760 so với hôm qua. 259.810 người đã hồi phục.

Mỹ thông báo 335.524 ca nhiễm, tăng 29.704 ca so với một ngày trước đó, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới. Nước này ghi nhận thêm 1.271 người tử vong hôm qua, nâng tổng số người chết vì nCoV lên 9.562.

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 5.478 ca nhiễm và 694 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 131.646 và 12.641. Nước này trở thành vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Số người đã hồi phục tại Tây Ban Nha là 38.080.

Italy ghi nhận thêm 4.316 ca nhiễm và 525 ca tử vong, giảm nhẹ so với hôm trước, nâng số ca nhiễm và tử vong lên 128.948 và 15.887, tiếp tục là vùng dịch nhiều người chết nhất thế giới.

Đức là vùng dịch lớn thứ ba châu Âu với 100.123 người dương tính nCoV và 1.584 người chết, tăng lần lượt 4.031 và 140 so với hôm trước. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói “có chút hy vọng” khi số ca nhiễm và ca tử vong mới mỗi ngày có dấu hiệu tăng chậm lại, song còn quá sớm để nhận định xu hướng phát triển của đại dịch và chưa tới lúc nới lỏng các biện pháp phòng chống.

Anh ghi nhận thêm 621 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 4.934, trong tổng số 47.806 ca nhiễm.

Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 58.226 ca nhiễm. Tuy nhiên, với 3.603 ca tử vong, Iran đã vượt Trung Quốc về số người chết vì dịch bệnh.

Trung Quốc thông báo 81.708 ca nhiễm tại đại lục, tăng 39 ca, trong đó có 38 ca ngoại nhập và một ca nội địa. Số ca tử vong là 3.331, tăng hai ca so với một ngày trước.

Trung Quốc từ 1/4 bắt đầu đưa số ca nhiễm nCoV không triệu chứng vào số liệu thống kê hàng ngày. Những người nhiễm nCoV không triệu chứng cũng sẽ bị cách ly tập trung 14 ngày. 

Tại Đông Nam Á, Malaysia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 3.662 ca nhiễm và 61 ca tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán Covid-19 ở Malaysia sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 4, trong khi số ca bệnh nguy kịch ước tính đạt đỉnh trong tuần tới. 

Indonesia là quốc gia có số ca tử vong cao nhất khu vực với 198 ca, tăng 7 ca so với hôm trước, số ca nhiễm là 2.273, tăng 181 ca. Singapore tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ hai với 120 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số lên 1.309, trong đó 6 người chết.

07:30 06/04

Không có ca mắc mới Covid-19 vào sáng nay, 6/4

Đến hiện tại, tổng số ca mắc vẫn là 241 trường hợp (150 người từ nước ngoài chiếm 62,2%; 91 người lây nhiễm thứ phát trong đó 61 người thuộc ổ dịch nội địa) – ngày hôm qua, 5/4 chỉ ghi nhận duy nhất 01 ca mắc mới.

Hôm qua (5/4), theo thông tin từ PGS.TS. Lương Ngọc Khuê (Phó trưởng Tiểu ban điều trị, Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19), trong 150 người bệnh mắc Covid-19 tại Việt Nam, số ca âm tính từ 1 lần trở lên đã tăng lên 52 ca, trong đó âm tính từ 2 lần trở lên 23 ca.

>> Covid-19 ngày 05/04: 272 công dân tại Cần Thơ thôi cách ly tập trung

Next Post

Chứng khoán ngày 6/4: VN-Index tăng 5%, mạnh nhất 19 năm

T2 Th4 6 , 2020
Chứng khoán ngày 6/4, VN-Index có phiên thứ hai liên tiếp đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày với 736,75 điểm, tăng 34,95 điểm (+4,98% - mạnh nhất 19 năm).
Copyright All right reserved

Chuyên mục