Bối cảnh cách ly xã hội hiện nay khiến cho nhu cầu mạng xã hội tăng vọt, cao gấp cả chục lần so với giai đoạn trước dịch. Và các tội phạm công nghệ cao cũng nhân cơ hội này để tung ra vô vàn hình thức lừa đảo qua mạng trong thời gian qua.
Mới đây bản tin VTV24 cho biết đường dây nóng của chương trình này nhận được rất nhiều phản ánh của người dân trong đó có cả các nạn nhân về tình trạng giả danh tin nhắn vào website của ViettelPay để thực hiện hành vi lừa đảo.
Cách thức lừa đảo được tội phạm công nghệ cao đưa ra là gửi tin nhắn từ một số điện thoại lạ với nội dung nhờ giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19 và yêu cầu người dùng truy cập vào đường dẫn lừa đảo.
Truy cập vào đường link người dân sẽ thấy rất giống với giao diện của ViettelPay, trang web yêu cầu họ đăng nhập thông tin, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, mã OTP. Tuy nhiên với sự cảnh giác nhiều người đã gọi điện lên tổng đài của ứng dụng thanh toán di động thuộc tập đoàn Viettel và được biết website trên là hoàn toàn giả mạo.
Đại diện Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an Thành phố Hà Nội nhận định đây là nhóm tội phạm lừa đảo có tổ chức chuyên tạo ra các tin nhắn lừa đảo, website giả giống với các tổ chức tài chính nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để thực hiện chuyển khoản, rút tiền, đăng ký vay online.
Điểm giống thứ 1 được Công an Thành phố Hà Nội cảnh bảo là tên miền. Đối tượng sẽ làm giả giống chỉ khác một vài chữ cái hoặc dấu chấm rất nhỏ trên tên miền đó. Điểm giống thứ 2 là giống ở nội dung của website.
Với việc giả mạo rất giống website chính thống của một tổ chức tài chính thì nhóm tội phạm sẽ lừa họ đăng nhập các thông tin cá nhân như số điện thoại, tài khoản ngân hàng, sau khi nhận được thông tin ngân hàng thì các đối tượng sẽ thực hiện các thao tác chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.
Cũng theo đại diện Công an Thành phố Hà Nội trả lời phỏng vấn VTV, phòng PA05 Công an Thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan gỡ bỏ hàng trăm website, fanpage của các tổ chức tài chính để chiếm đoạt tài sản.
Phòng PA05 cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng khi cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản trực tuyến đồng thời kiến nghị người dân là nạn nhân của các hành vi lừa đảo trên cung cấp thông tin đến công an để phối hợp xử lý.
Hồi cuối tháng 2/2020, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng từng cảnh báo người dùng về gian lận dịch vụ ngân hàng điện tử qua website giả mạo.
Vietcombank cho biết, thời gian gần đây, trên Internet xuất hiện nhiều trang website giả mạo website của Vietcombank như vietcombankwubank.weebly.com; vietcombankvnk.weebly.com; vietcombank-dv-nhanh.weebly.com; ngan-hang-vcb-online-247-nhan-tien-quoc-te.weebly.com…
Không chỉ có Vietcombank hay BIDV phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng các trang giả mạo website ngân hàng mình, mà một số các NHTM khác cũng đau đầu về vấn nạn này.
(Theo toquoc.vn)
>> CẬP NHẬT TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19 – NHỮNG DIỄN BIẾN MỚI NHẤT