Chỉ số VN-Index ghi nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp và thử thách mốc 900 điểm nhờ thanh khoản tăng mạnh và tâm lý hưng phấn của đa số nhà đầu tư.
>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/6: VHC, FRT, GAS, NT2
HOSE – Số mã tăng giá gấp 4 lần mã giảm
Bước vào phiên đầu tuần, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường. Các mã lớn hầu hết đều bắt đầu trong sắc xanh.
Chỉ số VN-Index chinh phục mốc 900 điểm vào lúc 10h45 và duy trì đà tăng cho đến khi tạm dừng phiên sáng tại 903,3 điểm, tăng 17,08 điểm (+1,93%) so với tham chiếu. Số mã tăng gấp 4 lần số mã giảm. Thanh khoản tăng tới 43% so với sáng ngày 5/6, đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 369 triệu đơn vị.
Đến chiều, chỉ số VN-Index tiếp tục đi lên và đạt đỉnh ngày tại 905 điểm sau 20 phút giao dịch, cao hơn 18 điểm so với tham chiếu. Tuy nhiên, áp lực chốt lời gia tăng khiến chỉ số chính phải lùi lại và đóng cửa tại 899,92 điểm, tăng 13,7 điểm (+1,55%) so với tham chiếu.
Chốt phiên hôm nay có 313 mã tăng và 77 mã giảm giá, trong đó, 52 mã tăng trần và 4 mã giảm sàn.
Rổ VN30 có 27 mã tăng giá, trong đó ROS và SBT tăng trần. Bốn cổ phiếu tăng giá trên 3% khác gồm VNM, BID, MWG, PNJ.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng đa số đều tăng giá trừ VPB, HDB và TPB giảm nhẹ. Do đó, ngành này đã góp phần lớn vào đà tăng của VN-Index với 3,5 điểm ảnh hưởng.
Nhóm cổ phiếu Vingroup với cả ba mã VIC, VHM và VRE đều tăng giá nên đã tác động đẩy chỉ số chính lên với 1,5 điểm ảnh hưởng.
Ở cổ phiếu riêng lẻ, VNM, GAS, SAB và HPG là bốn mã góp phần đáng kể vào đà tăng của VN-Index với 4 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch hôm nay tăng 15% về lượng và 32% về giá trị so với phiên trước, đạt 572 triệu đơn vị, tương đương 8,43 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 62,66 triệu đơn vị, tương đương 1,2 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã ROS (tăng trần) với 44,4 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Tiếp theo là HQC (tăng trần) với 24,8 triệu đơn vị và FLC (tăng trần) đạt 22,3 triệu đơn vị.
Khối ngoại mua ròng trở lại với 355,86 tỷ đồng, tương đương 14,5 triệu đơn vị, trong khi đó, phiên trước đã bán ròng 150,32 tỷ đồng.
Trong đó, chứng chỉ quỹ FUEVFVND dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 197,58 tỷ đồng, tương đương 15,55 triệu đơn vị. VNM theo sau được mua ròng 65 tỷ đồng; HPG với 63,9 tỷ đồng; VCB với 30 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là CII với 41,3 tỷ đồng, tương đương 2,14 triệu đơn vị. Tiếp đến, MSN bị bán ròng 23 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm nay, 13 mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 5 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, SHA (CTCP Sơn Hà Sài Gòn) tăng 12,8 lần; GMC (CTCP Sản xuất thương mại May Sài Gòn; đóng cửa giá trần) tăng 11,2 lần; LGL (CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Long Giang; giá trần) tăng 9 lần; NAF (CTCP Nafoods Group; giá trần) tăng 7,9 lần; BSI (CTCP Chứng khoán BIDV) tăng 6,6 lần; EVE (CTCP Everpia) tăng 6,6 lần;
MHC (CTCP MHC; giá trần) tăng 6,3 lần; BIC tăng 6 lần; KMR (CTCP Mirae) tăng 5,4 lần; HSL (CTCP Chế biến nông sản Hồng Hà Sơn La; giá trần) tăng 5,4 lần; LSS (CTCP Mía đường Lam Sơn; giá trần) tăng 5,2 lần; HAP (CTCP Tập đoàn Hapaco) tăng 5,1 lần; ELC (CTCP Đầu tư phát triển công nghệ điện tử – viễn thông; giá trần) tăng 5,1 lần.
HNX – Phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, tiếp nối đà tăng 3 phiên trước, chỉ số HNX-Index vọt lên vùng 120 điểm vào đầu phiên. Cho đến hết phiên, chỉ số này liên tục duy trì độ cao và đóng cửa tại 120,1 điểm, tăng 2,02 điểm (+1,71%), với 138 mã tăng giá và 64 mã giảm giá.
SHB (+2,5%) là mã góp phần lớn nhất vào đà tăng của chỉ số chính với 0,3 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch tăng 57% về lượng và 41% về giá trị so với phiên trước, đạt 109,9 triệu đơn vị, tương đương 1,08 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, HUT (+8,7%) dẫn đầu sàn khi đạt 14,2 triệu đơn vị. PVS (+4,5%) theo sau với 12 triệu đơn vị, SHB (+2,5%) đạt 7,7 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 20,08 tỷ đồng, tương đương 3,07 triệu đơn vị, giảm 58% về giá trị so với phiên trước đó. Trong đó, khối ngoại mua ròng 36 mã và mạnh nhất là VCS được mua ròng 4,16 tỷ đồng, tương đương 60,1 nghìn đơn vị. Còn lại các mã chỉ được mua ròng trên dưới 0,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, khối này bán ròng 37 mã và dẫn đầu là SHB đạt 13,87 tỷ đồng, tương đương 847,8 nghìn nghìn đơn vị.
Trên sàn Hà Nội hôm nay, bảy mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 5 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, BII (CTCP Đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư) tăng 11,3 lần; SD5 (CTCP Sông Đà 5) tăng 10 lần; S99 (CTCP SCI; đóng cửa giá trần) tăng 7 lần;
FID (CTCP Đầu tư và phát triển doanh nghiệp VN) tăng 6,5 lần; NRC (CTCP Bất động sản Netland; giá trần) tăng 5,7 lần; SDT (CTCP Sông Đà 10; giá trần) tăng 5,7 lần; PVX (Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam; giá trần) tăng 5,1 lần.
Bình luận cuối phiên
Theo đánh giá của của công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng mạnh trong phiên thứ sáu tuần trước với mức tăng trên 2- 3% đã giúp tạo ra sự tích cực trong tâm lý nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam trong phiên đầu tuần. Lực mua gia tăng và được duy trì cho đến hết phiên giúp các chỉ số tăng khá mạnh.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã vượt qua được vùng kháng cự trong khoảng 880-890 điểm (fibonacci retracement 61,8%, MA200 tuần) mở ra dư địa tăng với target gần nhất là quanh ngưỡng 910 điểm (MA200). Khối ngoại quay trở lại mua ròng với khoảng 340 tỷ đồng, trong đó mua ròng gần 200 tỷ đồng chứng chỉ quỹ FUEVFVND là tín hiệu tích cực.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 9/6, VN-Index có thể sẽ rung lắc mạnh hơn khi chỉ số tiến tới ngưỡng kháng cự quanh 910 điểm (MA200). Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục canh bán ra khi VN-Index tiến gần đến ngưỡng kháng cự quanh 910 điểm.
Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể giải ngân trở lại nếu thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 880 điểm.
Còn công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, VN-Index sẽ tiếp tục hướng đến vùng kháng cự 920-940 điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, công ty lưu ý rằng, thị trường có thể sẽ sớm xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh mạnh đan xen trong quá trình đi lên khi mà trạng thái quá mua trên thị trường đang lan tỏa trên diện rộng.
Diễn biến thị trường giai đoạn này sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục hướng sự quan tâm đến các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ không tạo được sự đột biến khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs đang ở phía trước.
Do đó, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức dưới 50% cổ phiếu. Thêm nữa, nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục xem xét thực hiện bán chốt lời các vị thế ngắn hạn tại vùng 920-940 điểm. Các hoạt động mua trading trong giai đoạn này vẫn nên hạn chế và chỉ tập trung vào các nhóm cổ phiếu có sẵn trong danh mục.