Dù sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử, nhưng nhờ sự trợ giúp của một số cổ phiếu lớn nên VN-Index vẫn đóng cửa với sắc xanh nhạt.
>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/7: HAH, TNG, PVD, DHG, DPM, TDM
Dư âm từ phiên giảm khá mạnh trước đó khiến thị trường tiếp tục mở cửa trong sắc đỏ trong phiên hôm nay. Mặc dù mức giảm không mạnh, song số lượng mã giảm trải rộng cho thấy áp lực bán xuất hiện ở khắp các nhóm ngành cổ phiếu. Điều này được thể hiện rõ nét tại mỗi nhịp hồi thì áp lực bán lập tức gia tăng, đẩy VN-Index lùi trở lại qua tham chiếu.
Trong phiên chiều, sức ép tiếp tục duy trì trên diện rộng nên sắc đỏ vẫn là màu chủ đạo trên bảng điện. Tuy nhiên, việc khá nhiều mã bluechips nhận được sức cầu tốt nên đã quay đầu tăng điểm, giúp VN-Index không chỉ đảo chiều tăng điểm, mà còn kết phiên ở mức cao nhất ngày.
Dẫu vậy, hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng” cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng ở thời điểm hiện tại, ảnh hưởng tới thanh khoản thị trường.
Đóng cửa, với 145 mã tăng và 227 mã giảm, VN-Index tăng 1,67 điểm (+0,2%) lên 856,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 240,5 triệu đơn vị, giá trị 3.863,2 tỷ đồng, giảm 14% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên 22/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,37 triệu đơn vị, giá trị 493,7 tỷ đồng.
Trong rổ VN30, mã VRE là nổi bật nhất khi tăng tới 5% lên 28.300 đồng, tiếp đó là REE với mức tăng 3,9% lên 33.600 đồng. Các mã VHM, PLX, GAS, HDB đều tăng trên 1%, còn các mã VIC, VNM, HPG, NVL, VJC… tăng dưới 0,7%.
Ngược lại, ngoài ROS -5,8% về 2.600 đồng, SSI và SAB cùng giảm hơn 1%, thì các mã còn lại đều giảm nhẹ.
ROS khớp lệnh 15,8 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE và cách biệt khá xa so với nhóm còn lại như HPG là 10,17 triệu đơn vị, VRE là 7,2 triệu đơn vị, STB là 8,2 triệu đơn vị…
Tại nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ phủ lên hầu hết các mã, kể cả những cổ phiếu thanh khoản tốt như HQC với 12,08 triệu đơn vị (-3,3% về 1.750 đồng), ITA với 9,13 triệu đơn vị (-3,4% về 4.850 đồng), FLC với 8,2 triệu đơn vị (-2,8% về 3.120 đồng), HSG với 7,88 triệu đơn vị (-2,8% về 11.000 đồng)…
FIT giảm sàn về 10.200 đồng, khớp lệnh 1,66 triệu đơn vị.
Trong khi đó, APG duy trì vững sắc tím ở mức giá 12.800 đồng, khớp lệnh 0,83 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, đà giảm mạnh xuất hiện từ sớm và có xu hướng tăng dần khi đa phần cổ phiếu lớn chịu sức ép bán ra. Mức giảm chỉ được hãm lại đôi chút trong thời gian cuối phiên theo đà thị trường, song chỉ số vẫn kết phiên với mức giảm mạnh.
Đóng cửa, với 64 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index giảm 1,45 điểm (-1,26%) về 113,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,1 triệu đơn vị, giá trị 449 tỷ đồng, tăng 22% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên 22/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,89 triệu đơn vị, giá trị 98,2 tỷ đồng.
Có thể thấy, dù số lượng mã giảm không quá áp đảo so với số mã tăng, nhưng việc nhiều mã lớn giảm mạnh khiến chỉ số chịu sức ép lớn.
Đơn cử, SHB -3,9% về 12.200 đồng, ACB -0,8% về 24.200 đồng, NVB -2,2% về 8.700 đồng… Các mã CEO, HUT, SHS, PVC… đều giảm từ 2-4%.
Trong khi đó, ngoại trừ một số mã tăng từ tốt khoảng 2% như PVS, PVB, VCG, NRC, DHT…, thì mức tăng ở nhiều mã khác là không mạnh.
HUT dẫn đầu thanh khoản với 4,72 triệu đơn vị, 2 mã đứng kế là KLF và PVS với cùng lượng khớp trên 3 triệu đơn vị. Các mã SHB, NVB, ACB, SHS khớp từ 1-2 triệu đơn vị.
DST giảm sàn về 6.300 đồng (-8,7%), khớp lệnh 1,4 triệu đơn vị.
Ngược lại, IDJ và VIX tăng trần lên tương ứng 13.300 đồng (+9,9%) và 8.400 đồng (+9,1%), cùng khớp trên 1,2 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, diễn biến khá tương đồng với HNX khi đà giảm cũng trong xu hướng tăng dần, trước khi được hạn chế bớt vào cuối phiên. Tuy nhiên, thanh khoản giảm mạnh.
Đóng cửa, với 78 mã tăng và 90 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,44%) về 57,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,76 triệu đơn vị, giá trị 218 tỷ đồng, giảm 45% về khối lượng và 35% về giá trị so với phiên 22/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 2 triệu đơn vị, giá trị 30,6 tỷ đồng.
Đa phần cổ phiếu lớn trên thị trường này đều giảm như VIB, CTR, VGI, QNS, DVN, ACV, CEA, LTG, HDF…
VIB khớp lệnh 1,27 triệu đơn vị – là 1 trong 3 mã thanh khoản cao nhất sàn. 2 mã còn lại là BSR với 1,44 triệu đơn vị và LPB với 2,48 triệu đơn vị. BSR tăng nhẹ, còn LPB đứng giá.
BVB cũng tăng nhẹ ở phiên này.
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng điểm và 1 hợp đồng không có giao dịch là VN30F2012. Trong đó, hợp đồng VN30F2008 tăng mạnh nhất 0,64% lên 797,1 điểm và cũng là mã có thanh khoản cao nhất với 175.591 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 21.786 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế với 41 mã giảm, 22 mã tăng và 7 mã đứng giá, trong đó 2 mã thanh khoản cao nhất đều có cổ phiếu cơ sở là VRE, đó là CVRE2001 và CVRE2003 với lần lượt 714.610 đơn vị và 696.100 đơn vị, tăng tương ứng 18,18% lên 130 đồng và 6,94% lên 770 đồng.
(Theo ĐTCK)