VN-Index đóng cửa tháng này tại 825 điểm, mức thấp nhất kể từ phiên 8/5. Rổ VN30 tháng này chỉ có 4 mã tăng giá gồm NVL, STB, EIB và HDB.
>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 30/6: PLP, SSI
HOSE – VHM làm ‘đầu tàu’
Lực mua khá mạnh tại một số mã lớn ở đầu phiên đã kéo VN-Index tăng 11 điểm so với tham chiếu, lên vùng 840 điểm, đạt đỉnh cao nhất trong ngày chỉ sau 20 phút đầu giao dịch. Tuy nhiên, mốc điểm này không bền, áp lực chốt lời tăng mạnh, chỉ số chính nhanh chóng đảo chiều và rớt xuống vùng 832 điểm, cao hơn 3 điểm so với tham chiếu.
Thị trường hôm nay được ‘dẫn dắt’ bởi VHM khi tăng tới 4%. VN-Index tạm dừng phiên sáng tại 835,84 điểm, tăng 6,48 điểm (+0,78%) so với tham chiếu. Thanh khoản giảm 22% so với sáng qua, đạt 2,12 nghìn tỷ đồng, tương đương 155,6 triệu đơn vị.
Đến chiều, áp lực xả hàng gia tăng mạnh hơn, VN-Index lao dốc xuống vùng 822 điểm, thấp hơn 7 điểm so với tham chiếu, tạo đáy ngày vào lúc 14h. Hàng loạt các mã từ nhỏ tới lớn chuyển sang giảm giá. Sắc đỏ nhanh chóng chiếm màu sắc chủ đạo trên bảng điện tử. VHM vẫn tiếp tục là trụ đỡ lớn duy nhất của sàn giúp VN-Index đi lên trở lại và đóng cửa tại đáy của gần 2 tháng 825,11 điểm, giảm 4,25 điểm (-0,21%).
Do đó, tháng 6, VN-Index đã giảm 39,36 điểm, hay 4,6% và ghi nhận 10 phiên tăng điểm, 12 phiên giảm.
Chốt phiên hôm nay có 138 mã tăng và 237 mã giảm giá, trong đó, 14 mã tăng trần và 26 mã giảm sàn.
Rổ VN30 chỉ có 5 mã tăng giá, trong đó VHM dẫn đầu tăng 2%. Ở phía ngược lại, ba mã giảm trên 2% gồm SBT, VPB và VRE.
So với ngày 29/5, rổ VN30 chỉ có 4 mã tăng giá gồm NVL tăng 14,5%; STB tăng 4,4%; EIB tăng 2,9% và HDB tăng 2,5%. Ngược lại, năm mã giảm giá trên 10% gồm ROS, MSN, VPB, SAB, SBT.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng phần lớn đều giảm giá ngoại trừ HDB. Do đó, ngành này tạo gánh nặng lớn lên VN-Index với 3 điểm ảnh hưởng.
Ở cổ phiếu riêng lẻ, SAB, GAS, MSN là ba cổ phiếu góp phần đáng kể vào đà giảm của VN-Index với 1,3 điểm ảnh hưởng.
Trái lại, nhóm cổ phiếu Vingroup tạo trụ đỡ chính VN-Index với 1 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 8% về lượng và 11% về giá trị so với phiên trước, đạt 358,4 triệu đơn vị, tương đương 4,95 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 49,8 triệu đơn vị, tương đương 899,9 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã HSG (-3%) với 20,4 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Tiếp theo là HQC (-5,8%) với 18,2 triệu đơn vị và ITA (giảm sàn) đạt 17,8 triệu đơn vị.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng với 34,17 nghìn tỷ đồng, tương đương 763,9 nghìn đơn vị, giảm 77% về giá trị và 80% về lượng so với phiên trước.
Trong đó, HPG dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 106,3 tỷ đồng, tương đương 3,95 triệu đơn vị. FUEVFVND theo sau được mua ròng 32,5 tỷ đồng; VHM với 21,2 tỷ đồng; NVL với 18,5 tỷ đồng; các mã mua ròng còn lại đều dưới 5 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là PDR với 27,64 tỷ đồng, tương đương 1,14 triệu đơn vị. Tiếp đến, VCB bị bán ròng 22,5 tỷ đồng; VRE với 19,9 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm nay, bốn mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, NBB (CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy) tăng 15,4 lần; NAF (CTCP Nafoods Group) tăng 8,4 lần; VTO (CTCP Vận tải xăng dầu Vitaco) tăng 7,8 lần; DAH (CTCP Tập đoàn khách sạn Đông Á; đóng cửa giá trần) tăng 5,6 lần,
HNX – Quay lại 109 điểm
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ số HNX-Index hôm nay đóng cửa tại 109,76 điểm, giảm 0,56 điểm (-0,51%), với 65 mã tăng giá và 98 mã giảm giá.
Do đó, tháng 6, HNX-Index đã giảm 0,05 điểm, hay 0,05% và ghi nhận 12 phiên tăng điểm, 10 phiên giảm.
PVI (-2,29%) và PHP (-5,05%) là hai mã góp phần tạo gánh nặng lớn nhất cho chỉ số chính với 0,2 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch tăng 4% về lượng nhưng giảm 2% về giá trị so với phiên trước, đạt 62,5 triệu đơn vị, tương đương 576,9 tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, HUT (-3,7%) dẫn đầu sàn khi đạt 12 triệu đơn vị. KLF (giảm sàn) theo sau với 5,3 triệu đơn vị, ACB (-0,4%) đạt 3,6 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 4,19 tỷ đồng, tương đương 265,1 nghìn đơn vị, tăng 29% về giá trị so với phiên trước đó. Trong đó, khối ngoại mua ròng mạnh nhất là ART với 265 triệu đồng, tương đương 101,8 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng nhiều nhất là SHS đạt 1,31 tỷ đồng, tương đương 110,5 nghìn đơn vị.
Trên sàn Hà Nội hôm nay, hai mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, SIC (CTCP ANI) tăng 53,4 lần; DTD (CTCP Đầu tư phát triển Thành Đạt) tăng 4,5 lần.
Bình luận cuối phiên
Theo đánh giá của của công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), chứng khoán Mỹ hồi phục trong phiên đêm qua đã giúp cho tâm lý nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam trở nên tích cực hơn trong phiên sáng. Tuy nhiên, sự tích cực không được thể hiện trong phiên chiều khi áp lực bán gia tăng khiến các chỉ số đồng loạt giảm điểm.
Trên góc nhìn kỹ thuật, trạng thái hiện tại của VN-Index không có gì thay đổi khi đã đánh mất ngưỡng 840 điểm (fibonacci retracement 50%); theo đó, hỗ trợ tiếp theo của chỉ số sẽ là quanh ngưỡng 800 điểm (fibonacci retracement 38,2%). Khối ngoại bán ròng trên hai sàn với hơn 35 tỷ đồng là điểm tiêu cực trong bối cảnh hiện tại.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 1/7, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ tiếp theo quanh 800 điểm (fibonacci retracement 38,2%) và ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%).
Nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu có thể canh những nhịp hồi phục của VN-Index lên gần ngưỡng 840 điểm để hạ tỷ trọng. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cầm tiền mặt có thể giải ngân trở lại nếu VNIndex giảm về gần ngưỡng 800 điểm.
Còn công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, áp lực giảm điểm ngắn hạn của thị trường vẫn đang hiện hữu và VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục lùi về kiểm định vùng hỗ trợ mạnh nằm tại 780-820 điểm.
Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, chỉ số có thể sẽ sớm xuất hiện các phiên hồi phục kỹ thuật khi tiếp cận vùng hỗ trợ trên trong một vài phiên kế tiếp. Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết. Ảnh hưởng từ dịch Covid19 có thể khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp kém tích cực.
Do đó, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức dưới 25% cổ phiếu. Chỉ ưu tiên nắm giữ các vị thế trung, dài hạn. Ngoài ra, các nhà đầu tư vẫn đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng. Cồn nếu nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế tiền mặt có thể xem xét mua trading lại một phần các vị thế đã bán trước đó tại vùng 780-800 điểm.