VN-Index đứt chuỗi sáu phiên hồi phục liên tiếp khi tiếp cận vùng kháng cự mạnh 840 điểm trong phiên hôm nay. Nhóm cổ phiếu Vingroup tạo gánh nặng lớn.
>> Chứng khoán ngày 12/5: VN-Index tiến gần mốc 840 điểm
HOSE – Nhóm cổ phiếu Vingroup tạo gánh nặng lớn
Giới đầu tư toàn cầu đang lo ngại về làn sóng Covid-19 mới sẽ xảy ra khi một số nước được cho là mở cửa quá sớm như Mỹ. Điều này sẽ khiến tốc độ phục hồi của các nền kinh tế chậm hơn dự kiến.
Tiếp nối đà giảm của chứng khoán thế giới, chỉ số VN-Index lùi về vùng 816 điểm, thấp hơn 19 điểm (-2,3%) so với tham chiếu sau 20 phút đầu giao dịch, tạo đáy thấp nhất trong ngày. Áp lực xả hàng tăng mạnh từ sớm.
Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy nhanh chóng nhập cuộc giúp chỉ số chính đi lên trở lại và tạm dừng phiên sáng tại 833,43 điểm, giảm 1,89 điểm (-0,23%) so với tham chiếu. Giá trị giao dịch tăng 18% so với sáng qua, đạt 3,84 nghìn tỷ đồng, tương đương 223,7 triệu đơn vị.
Đến chiều, sắc xanh lan rộng hơn trên bảng điện tử. Chỉ số VN-Index vọt lên sát ngưỡng kháng cự mới 840 điểm. Tuy nhiên, vấp phải áp lực bán ra tăng mạnh, VN-Index đảo chiều khi chưa kịp chạm mốc này và đóng cửa tại 834,21 điểm, giảm 1,11 điểm (-0,13%) so với tham chiếu.
Chốt phiên hôm nay có 222 mã tăng và 148 mã giảm giá, trong đó, 23 mã tăng trần và 6 mã giảm sàn.
Rổ VN30 có 12 mã tăng giá, trong đó ba cổ phiếu tăng trên 3% gồm FPT, HDB, SBT. Ở phía ngược lại, bốn cổ phiểu dẫn đầu giảm trên 2% gồm VIC, VHM, VJC, VRE.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm cổ phiếu Vingroup với cả ba mã gồm VIC, VHM và VRE đều giảm trên 2% nên đóng góp phần lớn vào đà giảm của VN-Index với 4,45 điểm ảnh hưởng.
Trái lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng có 5 mã tăng giá và 4 mã đứng giá, riêng VPB giảm giá. Do đó, ngành này đã kìm hãm mạnh đà giảm của VN-Index với 2,1 điểm ảnh hưởng.
Ở cổ phiếu riêng lẻ, FPT, HVN, HPG là ba mã tác động tích cực nhất lên chỉ số chính với 1,3 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch hôm nay tăng 16% cả về lượng và giá trị so với phiên trước, đạt 374,6 triệu đơn vị, tương đương 6,75 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 35,9 triệu đơn vị, tương đương 1,04 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã STB (+2,7%) với 19 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Tiếp theo là ITA (+3,8%) với 12,4 triệu đơn vị và HSG (tăng trần) đạt 12,1 triệu đơn vị.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng với 74,91 tỷ đồng, tương đương 1,22 triệu đơn vị, giảm 21% về giá trị so với phiên trước.
Trong đó, VNM dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 101,62 tỷ đồng, tương đương 899,7 nghìn đơn vị. VCB theo sau được mua ròng 80,33 tỷ đồng; VPB với 40,2 tỷ đồng; HPG với 13,4 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là VIC với 122,73 tỷ đồng, tương đương 1,3 triệu đơn vị. Tiếp đến, VRE bị bán ròng 37,57 tỷ đồng, FRT với 18,46 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm nay, 11 mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, THI (CTCP Thiết bị điện) tăng 147,6 lần; GMC (CTCP Sản xuất thương mại may Sài Gòn; đóng cửa giá trần) tăng 20,2 lần; PXI (CTCP Xây dựng công nghiệp và dân dụng dầu khí) tăng 19,4 lần; NBB (CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy) tăng 19,1 lần;
TGG (CTCP Xây dựng và đầu tư Trường Giang) tăng 11,4 lần; HVH (CTCP Đầu tư và công nghệ HVC) tăng 6,4 lần; POW tăng 6,2 lần; PXT (CTCP Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí) tăng 4,7 lần; VOS (CTCP Vận tải biển VN) tăng 4,6 lần; TCL (CTCP Đại lý giao nhận vận tải xếp dở Tân Cảng) tăng 4,5 lần; FTS (CTCP Chứng khoán FPT) tăng 4,3 lần.
HNX – Giằng co mạnh ở vùng 111 điểm
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ số HNX-Index tiếp tục giằng co mạnh trong vùng 111 điểm trong gần hết phiên hôm nay và đóng cửa ở 111,86 điểm, tăng 0,09 điểm (+0,08%), với 83 mã tăng giá và 67 mã giảm giá.
VIF (+2,94%) và VCS (+1,5%) là hai mã góp phần nhiều nhất vào đà tăng của chỉ số chính với 0,2 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch tăng 21% về lượng và 24% về giá trị so với phiên trước, đạt 70 triệu đơn vị, tương đương 672,5 tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, HUT (+5,6%) dẫn đầu sàn khi đạt 12,8 triệu đơn vị. PVS (+0,8%) theo sau với 6,9 triệu đơn vị, KLF (đứng giá) đạt 4,9 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 17,47 tỷ đồng, tương đương 5,51 triệu đơn vị, gấp 3,5 lần về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 21 mã và mạnh nhất là SLS được mua ròng 175 triệu đồng, tương đương 3,5 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 28 mã và dẫn đầu là HUT đạt 8,7 tỷ đồng, tương đương 4,68 triệu đơn vị.
Trên sàn Hà Nội hôm nay, tám mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, TCS (CTCP Than Cao Sơn – Vinacomin; đóng cửa giá trần) tăng 95,2 lần; PVX (Tổng CTCP Xây lắp dầu khí VN; giá sàn) tăng 12,1 lần; KSQ (CTCP Khoáng sản Quanh Anh) tăng 9,4 lần; CET (CTCP Tech – Vina) tăng 8,9 lần; TDN (CTCP Than Đèo Nai) tăng 6,8 lần; TTH (CTCP Thương mại và dịch vụ Tiến Thành; giá trần) tăng 5,9 lần; NBC (CTCP Than Núi Béo) tăng 5,7 lần; DST (CTCP Đầu tư sao Thăng Long; giá trần) tăng 4,1 lần.
Bình luận cuối phiên
Theo đánh giá của công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index đứt chuỗi sáu phiên hồi phục liên tiếp với việc điều chỉnh trong phiên hôm nay với thanh khoản có sự gia tăng. Áp lực bán quanh ngưỡng kháng cự 840 điểm (fibonacci retracement 50%) trong phiên chiều đã khiến đà hồi phục không được duy trì đến phiên thứ bảy. Điểm tích cực là việc khối ngoại mua ròng phiên thứ hai liên tiếp với giá trị khoảng gần 50 tỷ đồng trên hai sàn.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 14/5, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc khi tiến đến ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%). Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể tận dụng những nhịp tăng lên gần ngưỡng kháng cự quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%) để giảm tỷ trọng cổ phiếu. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn nên tạm thời đứng ngoài và chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh vùng hỗ trợ trong khoảng 790- 800 điểm (fibonacci retracement 38,2%).
Còn công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo VN-Index sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng 820-826 điểm trong phiên kế tiếp. Chỉ số nhiều khả năng sẽ tăng điểm trở lại khi tiếp cận vùng hỗ trợ này. Về tổng thể, chỉ số vẫn đang duy trì đà tăng ngắn hạn với đích đến 860-880 điểm. Khối ngoại mua ròng trở lại trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước giảm một loạt các lãi suất điều hành là các yếu tố đã hỗ trợ cho tâm lý nhà đầu tư và có thể sẽ giúp thị trường tiếp tục có diễn biến khởi sắc trong ngắn hạn.
Dù vậy, việc các doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp có thể không như kỳ vọng sẽ là các yếu tố khiến cho các nhóm cổ phiếu trên thị trường có thể rơi vào trạng thái phân hóa mạnh.
BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 30-40% cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể xem xét bán trading một phần vị thế ngắn hạn đang có trong danh mục trong các phiên thị trường tăng điểm mạnh tại các vùng kháng cự 840-845 điểm và 860-880 điểm.