Chứng khoán ngày 31/3: Rớt 29 điểm sau thông tin ‘cách ly toàn xã hội’

>> Chứng khoán ngày 30/3: VN-Index mất trụ, thêm một thứ Hai đen tối

Biểu đồ theo giờ VN-Index ngày 31/3.
Biểu đồ theo giờ VN-Index ngày 31/3.

HOSE – Giữ sắc xanh trong phiên cuối cùng của tháng

Chứng khoán ngày 31/3, bước vào phiên cuối cùng của tháng, chỉ số VN-Index tăng vọt từ phiên ATO tới 8 điểm và sau đó tăng thêm 8 điểm nữa khi sàn chuyển sang giao dịch khớp lệnh liên tục. Sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện tử giúp chỉ số chính tăng vọt lên sát ngưỡng kháng cự 680 điểm, tương đương 2,5% và duy trì cho đến hết phiên sáng.

Nhiều mã lớn đã lấy lại phần lớn điểm số đã mất vào hôm qua. Số mã tăng giá áp đảo trong rổ VN30 đang hỗ trợ mạnh cho chỉ số chung. Nhóm ngân hàng gồm VCB, BID, CTG và nhóm cổ phiếu Vingroup gồm VHM, VIC giữ vai trò lực đẩy chính, đóng góp cho VN-Index gần 10 điểm.

Kết phiên sáng, chỉ số chính tạm dừng ở 678,02 điểm, tăng 15,76 điểm, tương đương 2,38%, với 208 mã tăng và 153 mã giảm.

Rổ VN30 chỉ có 3 mã giảm gồm ROS tụt 6%; VPB giảm 0,8%và EIB giảm 0,6%, cùng với đó là CTD đứng giá.

Còn lại đều tăng, thậm chí nhiều mã lớn còn tăng cao như VIC tăng 6,6%; VRE tăng 6,6%; HPG tăng 5,2%; BVH tăng 4,6%; HDB tăng 4,4%; FPT tăng 4,3%.

Tiếp theo có PLX tăng 3,9%; VCB tăng 3,3%; SAB tăng 3,2%; MWG tăng 3,5%; GAS tăng 2,8%; MBB tăng 2,6%; BID tăng 2,3%. Nhích trên dưới 1,5% có VNM; VHM; CTG; VJC; MSN.

“Cách ly xã hội” khiến VN-Index rớt 29 điểm đầu phiên chiều

Đến chiều, ngay đâu phiên, lệnh mua giá thấp ồ ạt được nhập lên bảng điện tử cùng áp lực bán tăng cao khiến số mã mang sắc đỏ quay trở về chiếm ưu thế. Chỉ trong 10 phút, chỉ số VN-Index rớt 29 điểm từ mức đỉnh ngày (tăng 16 điểm) và đục thủng ngưỡng hỗ trợ 650 điểm.

Đáng chú ý, thông tin về việc Thủ tướng có chỉ thị cách lý toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4 đưa ra sau khi phiên sáng kết thúc đã khiến nhà đầu tư mang tâm lý hoang mang khi bước vào phiên chiều.

Tuy nhiên, rất nhanh chóng, nhà đầu tư lấy lại bình tĩnh giúp VN-Index lấy lại 15 điểm chỉ sau 6 phút chạm đáy. Nhưng có lẽ do tốc độ quá nhanh nên ngay sau đó, chỉ số này lại bị giật lại 10 điểm và tạo đáy thứ 2 trong ngày.

Tâm lý nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn vào cuối phiên trước biến động mạnh liên tục vào gần hết thời gian phiên chiều. Sau khi tiếp tục đi lên lần nữa sát mốc tham chiếu, chỉ số VN-Index gần như đi ngang cho đến hết phiên.

VN-Index đóng cửa phiên ngày 31/3 ở mức 662,53 điểm, tăng 0,27 điểm

Do đó, VN-Index đóng cửa phiên ngày 31/3 ở mức 662,53 điểm, tăng 0,27 điểm, tương đương 0,04%. Chốt phiên chỉ có 152 mã tăng và 214 mã giảm, trong đó có 15 mã tăng trần và 55 mã giảm sàn.

Tính chung tháng 3 này, VN-Index đã bay mất hơn 219 điểm, tương ứng gần 25% từ 882,19 điểm xuống 662,53 điểm.

Biểu đồ theo ngày của chỉ số VN-Index trong tháng 3/2020.
Biểu đồ theo ngày của chỉ số VN-Index trong tháng 3/2020.

Rổ VN30 có 13 mã tăng giá, trong đó chỉ có 4 mã tăng giá trên 2% gồm VIC, HPG, BVH, HDB. Chín mã tăng giá trên dưới 1% gồm VCB, GAS, SAB, VJC, TCB, PLX, VRE, FPT, SSI.

Ở phía ngược lại trong rổ, bốn mã giảm sàn gồm CTD, EIB, ROS, VPB. Ba mã giảm trên 2% gồm CTG, STB, PNJ. Các mã còn lại giảm trên dưới 1% gồm VHM, VNM, BID, MSN, MBB, MWG, POW, REE, SBT.

Đáng chú ý, đây là phiên giảm thứ tám liên tiếp của mã ROS, trong đó nhiều phiên giảm hết biên độ, kéo cổ phiếu này về vùng giá thấp nhất từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 9/2016.

So với giai đoạn đỉnh cao vào cuối năm 2017, giá ROS giảm từ hơn 180.000 đồng còn 3.320 đồng, tương đương với 60 lần. Cổ phiếu này vẫn được xếp trong rổ VN30 nhưng vốn hoá hiện tại chưa đến 2.000 tỷ đồng.

Đánh giá tác động lên chỉ số chính, nhóm ngân hàng chỉ có 3 mã tăng giá gồm VCB, HDB, TCB. Do đó, ngành này kìm hãm đà tăng của VN-Index hôm nay với 1 điểm ảnh hưởng.

Thêm nữa, nhóm cổ phiếu Vingroup cũng tăng giảm đan xen gồm VIC tăng 2,46%, VRE tăng 0,79%, trong khi VHM giảm 1,43%. Nhóm này đã góp phần lớn vào đà tăng của chỉ số chính với 1,25 điểm ảnh hưởng.

Khối lượng giao dịch hôm nay tăng 13% so với phiên trước, đạt 262,8 triệu đơn vị, tương ứng với 3,77 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 34,9 triệu đơn vị, giá trị 1,2 triệu tỷ đồng.

Đáng chú ý, mã AMD (giảm sàn) với 19,5 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là FLC (giảm sàn) với 15,4 triệu đơn vị và STB (-4,5%) đạt 12,2 triệu đơn vị.

Khối ngoại tăng gấp đôi lượng bán ròng so với phiên trước

Khối ngoại tiếp tục phiên bán ròng thứ hai liên tiếp với 15,22 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 393,6 tỷ đồng, tăng 2,2 lần về lượng so với hôm qua.

Trong đó, FPT dẫn đầu sàn về thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài với 2,6 triệu đơn vị được giao dịch. Theo sau là POW, HPG, MBB, E1VFVN30.

Ngược lại, mã chứng khoán bị khối ngoại xả mạnh nhất cũng là FPT với 2,6 triệu đơn vị. Theo sau là POW, STB, SVC, MBB.

Đáng chú ý, khối ngoại mua ròng mạnh nhất chứng chỉ quỹ E1VFVN30 với khối lượng 614.640 đơn vị, giá trị tương ứng 6,32 tỷ đồng.

Trái lại, khối ngoại xả bán mạnh cổ phiếu bluechip. Trong đó, MSN dẫn đầu khi bị bán ròng hơn 125,6 tỷ đồng, tương đương khối lượng 2,57 triệu đơn vị. Các mã bị bán ròng mạnh tiếp đó là VIC với 72,5 tỷ đồng, VNM với 35,21 tỷ đồng, HPG với 27,53 tỷ đồng,

Trong phiên giao dịch hôm nay, ba mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, BFC (Phân bón Bình Điền) tăng 9,1 lần; SVC (Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn) tăng 6,5 lần; PXI (Xây dựng công nghiệp và dân dụng dầu khí) tăng 4,7 lần.

HNX – Thiếu chút may mắn

Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, diễn biến tương tự chỉ số VN-Index, ngay khi mở cửa phiên hôm nay, chỉ số HNX-Index cũng tăng vọt lên hơn 2 điểm và duy trì độ cao tới hết phiên sáng.

Tuy nhiên, thông tin về cách ly toàn xã hội từ Chính phủ đã khiến chỉ số chính của sàn nữa cũng rắc rối sau khi mở cửa phiên chiều. Tuy nhiên kém may mắn hơn chỉ số VN-Index, sau 2 nhịp xuống và 2 nhịp lên, chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 92,64, giảm 0,65 điểm, tương đương 0,69%, với 39 mã tăng và 46 mã giảm (25 giảm sàn).

ACB (-2,2%) và PVS (-3,23%) là hai mã góp phần kìm hãm mạnh nhất chỉ số HNX-Index với lần lượt 0,3 điểm và 0,09 điểm ảnh hưởng

Ở phía ngược lại, VIF (+8,5%) và SHB (+2,52%) là hai mã chứng khoán góp phần chính vào đà tăng của chỉ số chính hôm nay với lần lượt 0,23 điểm và 0,2 điểm ảnh hưởng.

Khối lượng giao dịch tăng 12% so với phiên trước, đạt 51,5 triệu đơn vị, tương ứng với 0,37 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Trong đó, HUT (-7,1%) dẫn đầu sàn khi đạt 6,7 triệu đơn vị. KLF (-6,7%) theo sau với 6,6 triệu đơn vị, ACB (-2,2%) đạt 4,53 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng hôm nay với 1,44 triệu đơn vị, tương đương 14,4 tỷ đồng, tăng 84% về lượng so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 35 mã và mạnh nhất là VCS được mua ròng 1,16 tỷ đồng, tương đương 22 nghìn đơn vị. Trong khi đó, khối này bán ròng 25 mã và mạnh nhất vẫn là PVS đạt 1,62 triệu đơn vị, tương ứng 15,05 tỷ đồng.

Trong đó, TIG là mã được khối ngoại mua vào nhiều nhất với 111,8 nghìn đơn vị. Ngược lại, khối ngoại xả mạnh nhất là PVS với 1,6 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX hôm nay, hai mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, DNC (CTCP Điện nước lắp máy Hải Phòng) tăng 19,5 lần; PVB (CTCP Bọc ống dầu khí Việt Nam) tăng tăng 5,3 lần.

Bình luận chứng khoán ngày 31/3

Theo đánh giá của công ty chứng khoán MBS, nhà đầu tư thoáng “giật mình” trong phiên chiều, nhưng đã nhanh chóng trấn tĩnh trở lại, thị trường đáng lẽ đã có 1 phiên tăng mạnh cùng xu hướng với các thị trường trên thế giới nhưng việc nỗ lực lấy lại sắc xanh khi đóng cửa cũng rất tích cực, trong bối cảnh thanh khoản thấp và khối ngoại bán ròng mạnh.

Về kỹ thuật, thị trường đang dao động ở ngưỡng hỗ trợ 650 điểm, các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn là động lực nâng đỡ thị trường. Tín hiệu bán ròng từ khối ngoại cùng các HĐTL vẫn duy trì basis âm trên 30 điểm có thể khiến nhà đầu tư thận trọng giải ngân. Trong trường hợp thị trường không giữ được ngưỡng hỗ trợ 650 điểm, nhà đầu tư nên chuẩn bị kịch bản xấu.

(Cafefin tường thuật)

Next Post

Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 1/4: Nội bộ đăng ký mua

T4 Th4 1 , 2020
Sự kiện chứng khoán ngày 1/4 đáng chú ý là việc các cổ đông lớn, cá nhân, tổ chức có liên quan đăng ký mua cổ phiếu của doanh nghiệp.
Copyright All right reserved

Chuyên mục